Logistics cần được phát triển như một ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng

Việt Nam đang nổi lên là một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu và một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới đối với đầu tư FDI, song năng lực cạnh tranh về dịch vụ logistics vẫn chưa cao.
Logistics cần được phát triển như một ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng ảnh 1Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

"Cần phải có những quyết tâm mới và biện pháp mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam, trong đó logistics phải được coi là một ngành "dịch vụ cơ sở hạ tầng." 

Đó chính là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017 do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 15/12, tại Hà Nội.

Đây là diễn đàn logistics lần thứ 5 và được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định phát triển logistics ở Việt Nam thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước.

Các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính cũng được các bộ, ngành quan tâm cải thiện tạo môi trường thông thoáng thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 đã được các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp tích cực triển khai thực hiện, đồng thời đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

[Kiến nghị đưa logistics trở thành ngành kinh tế mũi nhọn]

Tuy nhiên, hiện logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau.

Cùng đó, cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đặc biệt, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với doanh nghiệp các nước trong khu vực và thế giới…

Logistics cần được phát triển như một ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng ảnh 2Các đại biểu dự diễn đàn. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị các chuyên gia, đại biểu cần nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hoạt động logistics của Việt Nam ở cả ba cấp, từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương đến các hiệp hội, doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cũng như những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cần tháo gỡ.

Các đơn vị cần đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững ngành logistics xanh của Việt Nam để đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng cần hợp tác với nhau, doanh nghiệp cần nâng cao sức cạnh tranh để tránh tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo Bộ trưởng, các ngành chức năng cần nghiên cứu trao đổi đưa ra các biện pháp tăng cường hơn nữa việc phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, các trung tâm logistics và hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng bền vững trong mối liên kết các vùng kinh tế trọng điểm và các hành lang kinh tế của Việt Nam một cách đồng bộ, kết nối được với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, các bộ, ngành cần đưa ra những giải pháp nhằm đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phong cách làm việc chuyên nghiệp trong hoạt động logistics để sẵn sàng thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo ông Ousman Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB), tại Việt Nam, tính theo tỷ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4 % so với mức bình quân toàn cầu ...

Ông Ousmane Dione cho biết, trong 20 năm qua, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) hơn bất kỳ nước nào khác trong khu vực, nhờ đó trở thành một trong những nền kinh tế hội nhập sâu rộng nhất trên thế giới, với tỷ trọng kim ngạch thương mại trên GDP đạt trên 170%.

Cùng với đó, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa đạt bình quân 15% trong 5 năm qua, cao gần gấp 5 lần tăng trưởng thương mại toàn cầu. Nhờ vậy, Việt Nam hiện đang nổi lên là một trung tâm sản xuất công nghiệp toàn cầu và một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới đối với đầu tư FDI, thu hút khoảng 35 tỷ USD vốn đăng ký vào năm 2017.

Tuy nhiên, số lượng không phải lúc nào cũng đi cùng với chất lượng. Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu đã tăng mạnh, Việt Nam vẫn chỉ thực hiện những công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì thế, Việt Nam cần một giải pháp để nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu bên cạnh tự do hóa thương mại nhằm hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao vào năm 2035, khi nền kinh tế và hoạt động xuất khẩu đã phát triển lên trình độ mới, bảo đảm duy trì tăng trưởng nhanh.

Logistics cần được phát triển như một ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng ảnh 3Ký kết hợp tác giữa Vietjet Air Cargo và Viettel Logistics. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Chính phủ cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo những đòi hỏi tăng lên của một nền kinh tế ngày càng hiện đại. Trong nhiều lĩnh vực sẽ cần có những nhóm giải pháp để bổ sung đáng kể đầu tư vào hạ tầng cơ sở.

Ông Ousmane Dione khẳng định WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc tạo thuận lợi thương mại, phát triển logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại, coi đó là một nội dung trọng tâm xuyên suốt trong chiến lược phát triển và tăng trưởng.

Đặc biệt, WB cũng sẵn sàng cung cấp các kết quả nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật toàn diện kết hợp với hỗ trợ tài chính trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ Công Thương đã công bố chính thức Báo cáo Logistics Việt Nam 2017 và ra mắt trang thông tin điện tử www.logistics.gov.vn. Đây là kênh thông tin trao đổi nhanh, trực tiếp nhằm giúp các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nắm bắt và phân phối thông tin kịp thời, hiệu quả.

Cũng tại Diễn đàn đã diễn ra 5 lễ ký kết hợp tác chiến lược và toàn diện giữa các doanh nghiệp, hiệp hội và các trường đại học nhằm thúc đẩy, tạo đột phá phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục