Theo trang mạng Washingtonpost.com, điều quan trọng nhất có thể biến động trong cuộc xung đột Vùng Vịnh hiện nay chính là thời gian.
Chính quyền Trump đang muốn chơi một trò chơi dài hơi, để áp đặt những vòng trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa, và Iran cần phải đẩy nhanh trò chơi này để thoát khỏi gọng kìm của Mỹ trước khi nó có thể gây tai họa.
Logic này giúp chúng ta hiểu được những diễn biến tại vùng Vịnh trong tháng vừa qua - sự leo thang đều đặn các loạt công kích rõ ràng từ phía Iran và sự đáp trả tương đối hạn chế về mặt quân sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Mỗi bên đều có một đường lối khác nhau, chúng được chỉ đạo bởi các lợi ích, nguồn lực và khả năng duy trì các chiến dịch của từng bên.
Ngày 20/6, cả hai quốc gia đã từng bước tiến gần đến bờ vực chiến tranh khi Iran đã bắn rơi một chiếc máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk gần Eo biển Hormuz.
Ông Trump lên Twitter viết rằng “Iran đã phạm phải một sai lầm,” thế nhưng Mỹ đã không thực hiện bất cứ hành động quân sự nào, bởi mối nguy hiểm phía trước là: Iran không thể thoát ra khỏi sức ép này mà không gây ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn, kéo theo sự can thiệp của cộng đồng quốc tế, hoặc cũng có thể là một cuộc tấn công của Iran khiến nhiều người Mỹ thiệt mạng sẽ kích động một sự đáp trả khắc nghiệt từ phía Mỹ.
[Iran: Mỹ đã đóng sập cánh cửa ngoại giao với Tehran]
Chính quyền Trump không muốn một cuộc chiến tranh như vậy xảy ra, hay ít nhất là chưa muốn nó xảy ra, bởi các quan chức Mỹ hiểu rằng Iran đang yếu dần sau từng ngày hứng chịu trừng phạt. Vậy nhưng cuộc khủng hoảng này sẽ chấm dứt như thế nào nếu không phải là bằng một cuộc xung đột?
Đây là một câu hỏi hóc búa đối với giới chiến lược gia ở Washington cũng như toàn thế giới. Mỹ đã đề xuất đàm phán (song vẫn chưa nới lỏng trừng phạt) thông qua Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; còn thủ lĩnh tối cao Iran Ali Khamenei thì đã từ chối lời đề nghị này.
Trước đây, khi chấp nhận sự dàn xếp của cộng đồng quốc tế để chấm dứt cuộc Chiến tranh Iran-Iraq năm 1988, người tiền nhiệm của ông Khamenei là thủ lĩnh tối cao Ruhollah Khomeini dường như đã phải uống cái mà ông gọi là “cốc thuốc độc,” nhưng bây giờ thì Khamenei không chấp nhận như vậy.
Khi chúng ta nghiên cứu logic ẩn bên trong cuộc đối đầu này, những diễn biến xung quanh đã trở nên dễ hiểu hơn. Mỗi bên dường như đều đang hành xử một cách sáng suốt, với hy vọng sẽ đạt được những mục tiêu của mình mà không bị rơi vào một cuộc xung đột quân sự toàn diện mà không bên nào mong muốn. Điều này khiến người ta có thể tương đối yên lòng, song nguy cơ từ những tính toán sai lầm vẫn còn rất lớn.
Bắt đầu với Iran: Nước này đã bắt đầu tăng cường các chiến thuật của mình từ đầu tháng 5, sau hai động thái cứng rắn của Trump hồi tháng 4: Mỹ liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo của ông Khamenei vào danh sách các tổ chức khủng bố, và chấm dứt mọi sự miễn trừ đối với các lệnh trừng phạt liên quan đến xuất khẩu dầu mỏ của Iran, tìm cách đẩy nguồn thu từ dầu mỏ của Tehran xuống mức 0.
Iran đã lên kế hoạch chờ đến khi Trump mãn nhiệm. Tuy nhiên sau những động thái bóp nghẹt này, Tehran đã thay đổi chiến lược của mình. Cảm thấy bị dồn vào chân tường, người Iran đã quyết định phản công.
Tương tự như Nga ở Ukraine, Iran đã lựa chọn một chiến lược sử dụng các chiến dịch thông qua các lực lượng ủy nhiệm. Các đồng minh Houthi của họ ở Yemen đã tấn công các đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia, các sân bay dân sự, các nhà máy điện và nhiều mục tiêu khác. Các lính đặc công của lực lượng hải quân thuộc nhóm Vệ Binh Cách mạng còn bị cho là đã lén lút tấn công các xe chở dầu bằng mìn.
Tuy nhiên, những chiến thuật còn hạn chế này đã không thể khiến Mỹ rút lui, và Iran đã quyết định tăng cường hành động hôm 20/6 khi bắn rơi một máy bay không người lái của Mỹ.
Một bước đi khả thi tiếp theo của Mỹ có thể là điều đoàn máy bay chiến đấu F-18 để hộ tống các máy bay không người lái lớn này, và như vậy chúng ta chỉ còn biết chúc Iran may mắn trong cuộc đối đầu sắp tới.
Khi bạn nhận thức được rằng Trump đang tìm cách kéo dài cuộc chơi, một vài trong số các tính toán phức tạp trong chính sách của ông đã được đặt làm trọng tâm. Trong chiến dịch vận động sứ mệnh trung gian của Nhật Bản với Tehran (dù thất bại), Trump đã không ngừng nói về mong muốn đối thoại của Iran, đây là hành động thả mồi xuống nước của ông.
Sau các vụ tấn công vào hai xe tăng chở dầu hồi tuần trước, Trump vẫn gọi các sự cố này chỉ là “chuyện nhỏ.” Tương tự, dòng tweet của ông về vụ máy bay không người lái bị bắn rơi cũng khá kiềm chế.
Chúng ta có thể thấy hiện Trump có vẻ không muốn có một cuộc “chiến tranh nóng”; bởi ông vốn đang rơi vào một cuộc chiến kinh tế, cùng hàng loạt vấn đề về công nghệ và các lĩnh vực khác.
Mỗi khi Ngoại trưởng Mike Pompeo được hỏi về một lối thoát cho cuộc khủng hoảng này, ông đều lặp lại rằng Iran nên chấp nhận danh sách 12 yêu cầu của ông, trong đó có việc chấm dứt tất cả các hoạt động phát triển hạt nhân cũng như các lực lượng ủy nhiệm ở Yemen, Syria, Iraq, Liban và Afghanistan.
Về cơ bản, đây là một lời kêu gọi đầu hàng. Ông Trump nói rằng ông không tìm kiếm một sự thay đổi chế độ ở Iran. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì rất khó để có một lối thoát khác cho cuộc đối đầu này, trừ khi Khamenei quyết định uống cốc thuốc độc này.
Đây là một cuộc chiến tranh thực sự không cần thiết và sẽ gây nhiều tác động rất tai hại với Iran, Mỹ và khu vực. Tuy nhiên hiện đang có một vỏ bọc cứng rắn được thể hiện ra bên ngoài, và những động cơ bên trong chính sách của Mỹ và Iran đang đẩy chúng ta ngày càng gần bờ vực chiến tranh./.