Lọc dầu Dung Quất: Đóng góp lớn ngân sách, đảm bảo an ninh năng lượng

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn hoạt động ổn định công suất cao, có những thời điểm ở mức 112%, nhằm góp phần ổn định nhu cầu thị trường xăng dầu trong nước khi nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Các kỹ sư vận hành tại BSR được đánh giá đã trở thành những chuyên gia lọc dầu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được thành lập vào ngày 9/5/2008, đến ngày 1/7/2018, Công ty chính thức chuyển sang hoạt động dưới hình thức cổ phần với tên gọi mới Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất).

Trải qua 15 năm, BSR đã gặt hái nhiều thành tựu và đã kiến tạo những giá trị, chuẩn mực mới cho ngành công nghiệp lọc hoá dầu.

Nộp ngân sách Nhà nước hơn 207.000 tỷ đồng

Dự án xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có tổng giá trị đầu tư 3,054 tỷ USD và cho ra dòng sản phẩm thương mại đầu tiên vào ngày 22/2/2009. Qua 15 năm hình thành và phát triển, đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã vận hành ổn định, đảm bảo khoảng 30% nguồn cung xăng dầu trong nước và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.

[Lọc dầu Dung Quất có thể hoạt động an toàn với 114% công suất thiết kế]

Đến thời điểm hiện tại, Công ty đã chế biến được hơn 94 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 86 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 44.000 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước hơn 207.000 tỷ đồng (tương đương gần 9 tỷ USD) - gấp gần 3 lần tổng mức đầu tư dự án.

Năm 2022, BSR nộp ngân sách Nhà nước là hơn 19.000 tỷ đồng. Nếu so sánh một cách cơ học, thì phần nộp ngân sách nhà nước của BSR bằng 150% phần thu ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế; bằng 78% của Thành phố Đà Nẵng; bằng 72% của tỉnh Quảng Nam; bằng 115% của tỉnh Bình Định. Riêng tỉnh Quảng Ngãi nơi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đứng chân, BSR chiếm 56% tổng nguồn thu ngân sách của tỉnh.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là động lực quan trọng nhất để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Ngãi. Nhờ đó, Khu kinh tế Dung Quất được đánh giá là một trong những khu kinh tế tiên phong và thành công trong cả nước, với nhiều dự án lớn khác như: Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, Khu công nghiệp VSIP...

Có thể nói, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được coi là "thỏi nam châm" để thu hút đầu tư, cũng như là "bản lề" thay đổi cơ cấu kinh tế Quảng Ngãi từ một tỉnh thuần nông sang một tỉnh phát triển công nghiệp. Để giờ đây, Quảng Ngãi nằm trong top đầu những tỉnh đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia. 

Theo Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, Khu kinh tế Dung Quất là hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Quảng Ngãi với trái tim chính là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Những đóng góp to lớn của Khu kinh tế Dung Quất nói chung, đặc biệt là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã góp phần quan trọng đưa tỉnh Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kinh tế xuất phát điểm thấp, ngân sách phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Trung ương từ năm 2009 trở về trước, nay trở thành một tỉnh có nguồn thu lớn với quy mô nền kinh tế đạt 121.668 tỷ đồng.

Ngoài đóng góp lớn cho ngân sách, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Thời điểm cuối năm 2022, khi thị trường xăng dầu Việt Nam có nhiều biến động thì vai trò của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại càng quan trọng hơn.

Trên lý thuyết, Việt Nam tự chủ được khoảng 70% nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước từ 2 Nhà máy Lọc dầu là Dung Quất và Nghi Sơn, phần còn lại là nhập khẩu.

Nhưng đó là trên lý thuyết, còn thực tế xảy ra thì có sự khác biệt rất lớn. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn hoạt động ổn định công suất cao, có những thời điểm ở mức 112% - cao nhất trong lịch sử vận hành nhằm góp phần ổn định nhu cầu thị trường xăng dầu trong nước khi nguồn cung bị thiếu hụt nghiêm trọng. 

Xâu chuỗi lại các số liệu trong 15 năm vận hành thì hơn 30% nguồn cung từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là nguồn cung ổn định nhất cho thị trường trong nước khi xảy ra biến động. Trong thời điểm thị trường biến động, vai trò quan trọng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lại càng được thể hiện. Sự quan trọng đó khó có thể định lượng bằng các con số cụ thể. Nhưng nếu phân tích kỹ, vai trò đó là luôn đảm bảo nguồn cung trong khả năng của nhà máy (ở thời điểm hiện tại là khoảng 30% nhu cầu thị trường).

Điều tiết sản lượng, nhanh chóng xuất hàng để bình ổn thị trường, đó là những việc làm cụ thể, khẳng định vai trò quan trọng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - một trong những “viên gạch” quan trọng giúp Việt Nam đảm bảo an ninh năng lượng, xây dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển đất nước.

Đào tạo chuyên gia, nghiên cứu khoa học để phát triển

Tại lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập BSR ngày 9/5/2023, Tổng Giám đốc PetroVietnam Lê Mạnh Hùng đã nhận định, những nhân sự của BSR không đơn thuần chỉ là những người thợ lọc dầu, mà đã là những chuyên gia lọc dầu. Trên thực tế, nguồn nhân sự BSR đã làm chủ công nghệ lọc hoá dầu và vươn lên tầm hàng đầu trong khu vực.

Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương tại lễ kỷ niệm 15 năm thành lập BSR cũng nhấn mạnh, tập thể người lao động là tài sản quý giá mà công ty đang có, do vậy Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ tiếp tục xây dựng, lan tỏa và phát triển văn hóa doanh nghiệp gắn với Đề án tái tạo văn hóa PetroVietnam để khơi dậy, vun đắp niềm tự hào, tinh thần đoàn kết của những người thợ lọc dầu vì sự phát triển bền vững của PetroVietnam.

Trong 5 năm trở lại đây, BSR đã gặp vô vàn khó khăn và thách thức. Một trong những thời điểm khó khăn nhất đó là khi thị trường dầu khí thế giới cũng như Việt Nam gặp khủng hoảng kép do COVID-19 và giá dầu giảm sâu.

Đã có thời điểm, giá dầu về mức âm - nghĩa là người ký hợp đồng mua trước đó phải trả tiền cho người bán vì vấn đề tồn kho, không có nơi chứa. Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử dầu mỏ thế giới.

Trải qua 15 năm, BSR đã đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 207 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với số vốn đầu tư. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh đó, công tác quản trị của BSR một lần nữa thể hiện được tầm quan trọng. Lãnh đạo BSR đã, tính toán thị trường để đưa ra những giải pháp tối ưu. Các giải pháp có thể kể đến như vận hành nhà máy ở mức tối thiểu, tối ưu hóa cơ cấu sản phẩm, huy động các kho ngoài nhà máy để tăng dung tích chứa sản phẩm, ban hành các chính sách kích cầu bán sản phẩm, tích cực đàm phán với các đối tác để hoán đổi hoặc giãn tiến độ nhận các lô dầu thô, tránh tồn kho dầu thô tăng cao...

Những giải pháp này đã giúp BSR vượt qua thời kỳ khủng hoảng, phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau khi thị trường dần hồi phục. Đồng thời, BSR đã tính toán đúng điểm rơi của thị trường, điểm rơi của chênh lệch giá giữa nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Vì thế BSR đã đưa ra giải pháp đúng đắn, giúp đơn vị vượt qua khó khăn, biến thách thức về tồn kho trở thành điểm mạnh khi thị trường phục hồi.

Trong quá trình phát triển, BSR cũng nhiều lần đối mặt với khó khăn về biến động thị trường, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu, cạnh tranh năng lượng... trong lĩnh vực lọc hóa dầu. Để vượt qua những điều đó, BSR đã xác định nghiên cứu khoa học là giải pháp chiến lược trong việc tối ưu hóa công suất; đảm bảo sản xuất an toàn, ổn định; giảm tiêu hao năng lượng và đảm bảo yếu tố môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và phát triển bền vững của đơn vị.

Nổi bật nhất trong công tác nghiên cứu khoa học tại BSR thời gian qua là cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR”. Cụm công trình vinh dự được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ vì đã góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Cụm công trình cũng góp phần làm giảm chỉ số tiêu thụ năng lượng EII của Nhà máy từ mức 118% trong năm 2014 xuống mức 103-106% trong các năm 2018, 2019 (theo tính toán giảm 1% chỉ số EII đã tiết kiệm được khoảng 2,6 triệu USD/năm).

Tổng chi phí sản xuất của Nhà máy giảm dần từ mức 7,1 USD/thùng dầu trong năm 2014 xuống còn 4,9 USD/thùng dầu trong năm 2019 (tiết kiệm tương ứng khoảng 24-43 triệu USD/năm). Tổng hiệu quả kinh tế của cụm công trình tính đến ngày 31/12/2019 là 4.270 tỷ đồng.

Trong các phong trào nghiên cứu khoa học, Chương trình 1 triệu sáng kiến của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) phát động, BSR trở thành đơn vị dẫn đầu về số lượng trong ngành Dầu khí với 383 sáng kiến. Và mới nhất, lần đầu tiên sau 15 năm thành lập, BSR đã vinh dự được trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục