Bài 1: ‘Siêu dự án’ hô biến mất nhà cửa của dân nghèo thành thị

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ tận gốc

Có một loại virus lan nhanh như “nấm mốc,” khiến đại biểu Quốc hội nhiều tỉnh trăn trở, cử tri lo lắng nhưng đến nay vẫn chưa có “liều thuốc đặc trị.” Đó là virus “loạn quy hoạch” làm méo mó đô thị.
(Nguồn ảnh: TTXVN)

Lời tòa soạn!

Sau hơn 100 ngày nỗ lực dập dịch COVID-19, với sự chung tay, dồn sức của nhân dân cả nước, đặc biệt là các giải pháp quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, virus corona chủng mới làm “chao đảo” đất nước đã cơ bản được khống chế. Người dân trên khắp dải đất hình chữ S dần trở lại cuộc sống, sau bao nỗi khắc khoải, âu lo.

Cũng phải nói, để chiến thắng đại dịch này, chúng ta đã trải qua thời gian dài sống với “liều thuốc đắng” giãn cách xã hội, chi hàng nghìn tỷ đồng để “không bỏ ai ở lại phía sau” và chịu tổn thất nặng nề về kinh tế, du lịch. Nhưng dù mất mát thế nào thì việc khống chế được con virus ngoại lai này cũng chỉ là cái giá vô hình mà hẳn ai cũng hài lòng, chấp nhận để ngăn cái chết, tìm lại cuộc sống tươi đẹp hơn.

Đó cũng là “cuộc giải phóng” lịch sử trong kỷ nguyên mới, mà vũ khí làm nên thắng lợi ấy là sức mạnh của “ý Đảng, lòng dân,” khi cả nước trên dưới một lòng cùng nỗ lực dập dịch với những “mũi tấn công” quyết liệt, không có vùng cấm.

Đến nay, nỗi lo bởi virus corona đã vơi... Thế nhưng, có một loại virus khác cũng lan nhanh như “nấm mốc,” khiến đại biểu Quốc hội nhiều tỉnh trăn trở, cử tri cả nước bất bình, lo lắng và đến nay vẫn chưa có “liều thuốc đặc trị” để ngăn chặn. Đó là virus “loạn quy hoạch” làm méo mó đô thị, biến dạng cảnh quan thiên nhiên.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta sẽ thấy xưa, cha ông ta quai đê lấn biển, bạt núi ngăn sông là để mở rộng bờ cõi, bảo vệ vị trí xung yếu phòng thủ an ninh, bảo vệ tấc đất của Tổ quốc. Còn ngày nay thì sao? Các nhà quy hoạch, “ông trùm” bất động sản cũng ngày đêm mở đất, lấp lấn biển nhưng lại âm mưu thâu tóm tài nguyên thiên nhiên quốc gia thành của riêng, hay phục vụ lợi ích của nhóm người có quyền lực.

Thực tế, cùng với tốc độ đô thị hóa phát triển “nóng” hiện nay, các dự án bất động sản, du lịch tâm linh không chỉ đua nhau mọc san sát trên những mảnh đất vàng màu mỡ, mà còn “bủa vây” cả những dòng sông, bờ biển. Thậm chí, trên cả đỉnh núi cũng đã xuất hiện vô số tòa nhà cao vút với biệt thự, khách sạn hạng sang, lâu đài đầy kiêu hãnh như thách thức lòng người và bất chấp các quy định pháp luật.

Đó là chưa kể, hàng loạt những cuộc đấu thầu dự án “quân xanh quân đỏ” đã và đang bị thao túng bởi nhóm lợi ích, xã hội đen, thậm chí bị che đậy bởi quyền lực... khiến tài nguyên của quốc gia “chảy” vào túi quan, người dân thì mất đất, kêu cứu.

Không thể phủ nhận, việc chạy đua với “bão” quy hoạch, phát triển “nóng” các dự án bất động sản đã đem lại lợi ích kinh tế nhất định, song thực trạng “quy hoạch chạy theo nhà đầu tư” hay nhóm lợi ích cũng đã và đang gây ra những hệ lụy đáng suy ngẫm, nhất là sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Cảnh quan thiên nhiên bị phá nát, đô thị méo mó khó có thể phục hồi lại được.

Dù rằng, những năm qua đã có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn dự án tai tiếng bị phanh phui, đã phá vỡ quy hoạch đô thị, làm xấu hồn cốt danh lam thắng cảnh; biết bao cán bộ “tham nhũng vặt” từ thôn tới tỉnh, đến những nhóm lãnh đạo cấp cao ở Trung ương vướng vào lao lý, bị khai trừ khỏi Đảng, xử lý hình sự… Vậy nhưng, đó cũng mới chỉ là một phần nổi của những “khối băng chìm” đang tồn tại trong “biển hồ đô thị” với vô vàn những “đại” dự án “củi tươi” chưa được xử lý triệt để.

Cứ thế, dưới lớp áo “phát triển du lịch,” các chủ dự án du lịch tâm linh, dự án bất động sản nghỉ dưỡng (condotel, cocobay), khách sạn, chung cư vẫn ngày đêm đua nhau phá rừng, bạt núi, ngăn sông, lấp lấn biển để hô biến thành những công trình xa xỉ mọc lên san sát như phố thị, thậm chí hóa thành cả vùng “đặc khu!”

Theo nhận định của giới chuyên gia về quy hoạch và các nhà quản lý, một trong số nguyên nhân khiến những “khối băng chìm” đô thị đến nay vẫn vô tư tồn tại, thách thức dư luận là bởi Việt Nam chưa từng tổ chức thanh-kiểm tra quyết định điều chỉnh quy hoạch, cũng chưa có vụ án nào xử lý người ký, lập quy hoạch sai.

Thực tế, lâu nay mới chỉ có chuyện xử lý doanh nghiệp xây dựng trái phép, lừa đảo. Trong khi, quy hoạch khu đô thị dễ dàng bị thay đổi đang khiến Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước rơi vào “mớ bòng bong” như không gian sống ngột ngạt, sụt lún, triều cường, chất lượng sống của người dân đi xuống, nhưng những người “vẽ” ra quy hoạch vẫn vô can.

Những bất cập trên cho thấy việc quy hoạch “nóng,” không hài hòa với bảo tồn là bước đi thụt lùi, nhất là khi hàng năm Nhà nước vẫn phải chi ngân sách cho việc sửa chữa, khắc phục hậu quả. Vì thế, hơn bao giờ hết cần đưa ra công lý người ký quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch méo mó. Cương quyết ngăn chặn “virus quy hoạch xây dựng méo mó” như dập dịch COVID-19, bằng những cuộc “đại phẫu” xử lý tận gốc sai phạm, để ổn định lại diện mạo đô thị, lấy lại niềm tin trong nhân dân...

Để rõ hơn về thực trạng trên, mời độc giả cùng phóng viên VietnamPlus đi vào thực tế để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng loạn quy hoạch; xây dựng méo mó, cũng như sự tồn tại của những con virus đang ẩn sâu trong “cơ thể đô thị” cả nước.

Từ đó rộng đường dư luận hiểu vì sao tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, hay vô số “đại dự án” sừng sững, chềnh ềnh gây nhiều hệ lụy cho các đô thị nhiều năm ầm ĩ và tốn không biết bao nhiêu giấy mực nhưng đến nay vẫn điềm nhiên tồn tại, chưa được xử lý?

Người dân khiếu nại về "siêu dự án" khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Video: PV/Vietnam+)

Bài 1: ‘Siêu dự án’ hô biến mất nhà cửa của dân nghèo thành thị

Chiều mùa hè năm 1999, trời nắng nóng như đổ lửa, được triệu tập gấp để tham dự “cuộc họp đặc biệt” của quận, bà Phan Thị Thủy tất tưởi đến hội trường Bình Khánh ở quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, bà được các cán bộ quận thông báo về việc giải tỏa khu vực chợ cũ để làm mới bằng dự án chợ An Khánh.

Không lâu sau, một gia đình với 4 thành viên đang có nhà cửa, sống ổn định, bỗng chốc phải ra đường với mức giá đền bù 0 đồng, đi ở mướn, sống cảnh vô gia cư chỉ vì dự án đến giờ vẫn đắp chiếu. Đó là những ký ức bà Thủy gần như khắc sâu trong tâm trí sau ngót hai thập kỷ khiếu nại liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đến nay, sau bao năm cơm nắm đi tìm chân lý từ thành phố đến Trung ương, điều mà người phụ nữ khốn khổ này và hơn 100 hộ dân khác cùng cảnh trong xóm tạm cư “tối” như cuộc đời họ nhận được vẫn chỉ là những lời hứa trôi theo năm tháng!

Đang yên lành bỗng thành vô gia cư…

Tôi thực hiện dòng phóng sự này đúng vào giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19 tại Việt Nam (sau sự xuất hiện của ca bệnh số 17), mặc dù việc di chuyển bằng máy bay đang được hạn chế và bản thân cũng có sự lo lắng, nhưng việc đã hẹn được những người dân - người thực việc thực ở Thành phố Hồ Chí Minh, với gần 20 năm cơm đùm, áo đúm đi khiếu nại về “siêu dự án” phá vỡ quy hoạch đô thị Thủ Thiêm đã khiến tôi gạt qua hết những lo ngại.

Ngồi như tượng trong căn nhà tạm cư đang dột nát, bà Phan Thị Thủy (67 tuổi) chao chát kể: Gần bốn thập kỷ trước, vợ chồng bà từ một vùng quê nghèo chuyển đến khu vực chợ An Khánh (bấy giờ thuộc địa bàn xã An Khánh) sinh sống. Vị trí lô đất nhà bà nằm sát ven đường nên cuộc sống mới cũng bắt đầu khá thuận lợi.

Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang,” sau hơn 10 năm “an cư lập nghiệp,” đến giữa năm 1999, cuộc sống đang yên của hàng chục hộ dân quanh khu vực bỗng chốc bị đảo lộn bởi thông tin giải tỏa để nhường chỗ cho dự án chợ An Khánh.

“Nhận được thông báo giải tỏa trên, gia đình cô cũng như hàng chục hộ dân xung quanh không chấp thuận nên đi khiếu nại. Nhưng đến cuối năm 1999, tụi cô đã bị cưỡng chế, buộc phải rời nơi cư trú, với giá đền bù là 0 (không) đồng. Kể từ đó, gia đình cô với 4 thành viên phải đi ở nhờ nhà người thân, rồi đi thuê phòng trọ. Bị mất trắng, vợ chồng cô không thể làm được gì ngoài việc đi khiếu nại, cầu cứu từ thành phố đến Trung ương,” bà Thủy ngậm ngùi kể.

[Đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật Xây dựng sửa đổi với các luật khác]

Câu chuyện tạm giãn đoạn bởi hai dòng ngấn lệ, người phụ nữ 67 tuổi đưa vạt áo nhàu nhĩ lên gò má lau vội nước mắt, rồi thở dài kể tiếp: “Tới tháng 10/2000, đoàn công tác liên ngành của ông Nguyễn Công Tạn (bấy giờ là Phó Thủ tướng Chính phủ) vô, sau đó có yêu cầu quận 2 và thành phố giải quyết cho người dân.”

“Nhờ đó, ông Lê Thanh Hải (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) ra Quyết định 8770, nhưng cũng chỉ hỗ trợ tài sản và kinh phí cải tạo đất với số tiền 50.000 đồng/m2,” bà Thủy kể và cho biết nhà bà có 70m2, nhưng chính quyền chỉ đo 50m2 đất, tính ra chỉ được có mấy chục triệu đồng.

Trong khi, chợ An Khánh nằm ngoài ranh quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm nhưng sau đó lại giao cho doanh nghiệp, đô thị này quản lý. Hơn nữa, đất ở đây hiện có giá trên 300 triệu đồng/m2. Thế nên việc dân cảm thấy thiệt thòi, âu cũng là điều dễ hiểu.

Không chấp nhận với kết quả trên, người dân ở phường Bình Khánh tiếp tục đi khiếu nại. “Đến giữa năm 2001, chính quyền mới đưa tụi cô vô khu tạm cư này. Trong suốt gần 20 năm qua, cuộc sống gia đình đầy rẫy khó khăn. Mọi thu nhập chỉ biết trong chờ vào cái quán càphê nhỏ mở ngay tại gian nhà tạm cư này.”

“Cứ thế, kiếm được đồng nào, tụi cô lại cơm nắm cùng bà con trong khu đi khiếu nại cho tới bây giờ. Quá mệt mỏi vì bao năm đi khiếu nại không được gì, mấy năm trước chồng cô, ông ấy đã tự tử, bỏ lại mẹ con rồi,” bà Thủy khóc nghẹn...

Giá thị trường “trên trời,” giá bồi thường “dưới đất”

Ông Nguyễn Tấn Cứu, người công bố còn giữ tấm bản đồ quy hoạch khu Thủ Thiêm, cho biết gia đình ông có 82m2 đất ở C4/7 đường Lương Đình Của, quận 2. Đang an cư, đến năm 2004, Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi đất của gia đình và người dân xung quanh để thực hiện “siêu dự án” Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cho rằng đất nhà mình nằm ngoài ranh quy hoạch dự án, ông Cứu đã tìm tới Cục Lưu trữ thành phố xin lại tấm bản đồ để phục vụ cho việc khiếu nại. Theo Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, bản đồ ông Cứu đang giữ là bản đồ năm 1998, không phải là bản đồ 1/5000 năm 1996. Tuy nhiên, bản đồ này khá chính xác với quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Với dự án có quy mô diện tích lên tới 930ha, ảnh hưởng hơn 10.000 hộ gia đình (tương đương khoảng 15.000 người) thì việc xác định ranh giới quy hoạch và ranh giới thực địa như dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thế nhưng, do tình trạng mập mờ pháp lý, không công khai bản đồ quy hoạch cho người dân vì lý do khó hiểu là “mất/thất lạc bản đồ 367 Thủ Thiêm” (thực chất là bộ đồ án đi kèm Quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 do Thủ tướng phê duyệt quy hoạch), đã dẫn tới việc khiếu nại kéo dài đi cùng với vấn đề thu hồi đất trong ranh, ngoài ranh.

[Kiên Giang thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất]

Nhớ lại thời điểm buộc phải di dời, ông Cứu thở dài kể: “Lúc bấy giờ, ông Lê Thanh Hải nói là phải dùng ‘bàn tay sắt’ đối với đô thị mới Thủ Thiêm và họ đã dùng cần cẩu, xe cơ giới để san ủi nhà, đất, trục xuất chúng tôi ra khỏi nơi cứ trú; giao ngay đất lại cho các doanh nghiệp. Sau đó ép chúng tôi về khu tạm trú này.”

Cùng chung cảnh sống “héo mòn” ở khu tạm cư cũ kỹ suốt hơn thập kỷ qua, bà Nguyễn Thị Tám cho biết trước đây, thời điểm thông báo quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm, khu vực nhà bà không nằm trong quy hoạch mà nằm ngoài ranh.

“Thấy vô lý, gia đình tôi đã khiếu nại, yêu cầu chính quyền chứng minh đất nằm trong quy hoạch, nếu đúng sẽ tự nguyện di dời, nhưng họ không chứng minh được thì dùng việc cưỡng chế yêu cầu chúng tôi đi,” bà Tám buồn rầu kể lại.

Nói về việc đền bù, tất cả người dân khi chia sẻ với tác giả bài viết này đều cho rằng đền bù là đất nằm trong quy hoạch, còn đây không nằm trong quy hoạch. Vì thế, nếu doanh nghiệp muốn lấy đất để làm dự án thì phải thỏa thuận với dân về giá cả.

Hiện tại, phương án giá tiền đền bù cho các gia đình ở khu tạm cư (chưa nhận) tính ra kể cả vấn đề hỗ trợ là 18 triệu đồng/m2. Trong khi giá thị trường khu đất người dân phải di dời là 300-400triệu đồng/m2. Đó cũng là lý do người dân không chấp nhận vì cho rằng giá thị trường “ở trên trời” còn giá bồi thường thì “như dưới đất.”

“Bao năm qua, chúng tôi đi khiếu nại, vừa rồi Đảng cũng đã kỷ luật một số cán bộ liên quan, nên chúng tôi yêu cầu thành phố phải làm đúng theo pháp luật. Nếu thành phố nói đất chúng tôi nằm trong quy hoạch thì yêu cầu đưa ‘bản đồ quy hoạch 367’ ra để chứng minh. Còn không thì yêu cầu trả đất, trả nhà, để chúng tôi trở về ổn định cuộc sống, sau bao năm phải rời nơi cư trú,” ông Cứu nói thêm.

Những sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Cần có một “Bao Công” để luận án, rõ tình

Quay trở lại “siêu dự án” Thủ Thiêm có đến gần 15.000 hộ dân thuộc diện đền bù, giải tỏa với hơn 60.000 nhân khẩu đã di dời. Theo tìm hiểu của phóng viên VietnamPlus, để làm cơ sở pháp lý triển khai việc xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 27/5/1996, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồ án quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/5.000 (thời điểm đó thuộc huyện Thủ Đức).

Trên cơ sở tờ trình của Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 4/6/1996, Thủ tướng đã ký Quyết định 367 phê duyệt quy hoạch “siêu dự án” Thủ Thiêm. Quyết định nêu rõ quy mô dự án là 930ha, trong đó khu đô thị mới 770ha với dân số khoảng 200.000 người; khu tái định cư 160ha với dân số 45.000 người. Nhưng sau đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến vị trí, giới hạn khu đô thị Thủ Thiêm không thống nhất về tên gọi so với bản đồ và thực địa.

[Tổng Bí thư: Làm mạnh hơn công tác phòng chống tham nhũng]

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ đã công bố trong năm 2018, sai phạm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm chủ yếu về điều chỉnh ranh quy hoạch và bố trí đất tái định cư, xảy ra trong giai đoạn đầu thực hiện.

Riêng khu tái định cư 160ha được nêu trong Quyết định 367, Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương tạm giao, thu hồi và giao đất cho 51 dự án với tổng diện tích 144,6ha để đầu tư kinh doanh nhà ở, văn phòng, khu vui chơi, giải trí,... sau khi Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch khu tái định cư.

Hậu quả là không đủ đất để bố trí tái định cư theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 367 và Công văn số 190/CP-NN ngày 22/2/2002 của Chính phủ, dẫn đến làm phá vỡ quy hoạch được phê duyệt, việc đầu tư xây dựng Thủ Thiêm bị đình trệ do người dân khiếu nại kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Chưa kể, các lần điều chỉnh quy hoạch của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào thời điểm năm 2005 và 2012, còn loại bỏ chức năng trung tâm hành chính (18ha) mà trước đó Quyết định 367 của Thủ tướng đã xác định rõ; cũng như tăng chức năng đất ở lên hơn gấp 2 lần so với Quyết định 367...

Việc “siêu dự án” đô thị mới Thủ Thiêm sau nhiều lần bị điều chỉnh dẫn đến “biến dạng” đã rõ. Thế nhưng, điều khó hiểu là sau gần 20 năm, người dân Thủ Thiêm đòi đất tái định cư theo “bản đồ 367,” đến nay, tài liệu này hầu như không được nhắc đến trong những văn bản chính thức liên quan đến quá trình giải quyết. Thậm chí từng có thông tin công bố rằng “bản quy hoạch gốc” đã bị mất, bị thất lạc...

Thay vào đó, các cơ quan hữu quan căn cứ vào Quyết định 6565/QĐ “sửa sai” của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm vào năm 2005. Một văn bản từng gây nhiều tai tiếng vì điều khoản vượt quyền Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định 6565 thì quy mô Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là 737ha, gồm 657ha khu đô thị phát triển và 80ha đô thị chỉnh trang. Tuy nhiên, 160ha đất tái định cư thì đã bị bỏ ra ngoài quy hoạch chung 1/5.000 và đưa 80ha đô thị chỉnh trang nằm ngoài ranh giao đất của Chính phủ vào quy hoạch 1/5000. Điều này dường như trái với Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh quy định trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 93/2001/NĐ-CP: “Xây dựng, phê duyệt quy hoạch chi tiết và điều chỉnh cục bộ quy hoạch để bảo đảm tính đồng bộ, hài hòa và phù hợp với từng giai đoạn phát triển, nhưng không làm thay đổi quan điểm và định hướng của quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.”

Đến nay, sau 20 năm, những gian nhà tạm cư cũng đã xập xệ, như bao mái tóc đen chuyển màu sang trắng, hàng trăm hộ dân “cũ” ở ngoài ranh “siêu dự án” đô thị mới Thủ Thiêm không những vẫn chưa được ổn định cuộc sống mà còn phải giành cả tuổi già của mình để “đấu tranh” với hi vọng được trở về nơi đất tổ của mình.

“Bao năm qua đáng nhẽ con, cháu chúng tôi sẽ có một tuổi thơ yên bình như những đứa trẻ khác, chúng tôi cũng có một tuổi già để nghỉ ngơi vậy mà…,” nỗi trăn trở cùng những giọt nước mắt dấn ướt của ông Cứu, bà Thủy, bà Tám khiến ai cũng cảm thấy như trái tim thắt lại../.

Để rõ hơn về những vướng mắc liên quan đến khu dô thị mới Thủ Thiêm, đầu tháng 3/2020, phóng viên VietnamPlus đã đến các sở, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng) đặt lịch làm việc và nhiều lần liên hệ qua điện thoại, nhưng đến nay vẫn không nhận được phản hồi nào.

Đón đọc Bài 2: Xây trước, xin sau và cái bóng của ‘nhóm lợi ích'

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục