Bài 3: ‘Chiếc áo đô thị’ chật hẹp: Mỗi mảnh ghép một nỗi lo…

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ

Thực trạng quy hoạch “chạy theo” nhà đầu tư, thiếu kiểm soát đã khiến “chiếc áo đô thị” trở nên chật hẹp, biến dạng với vô vàn nỗi lo, đáng sợ nhất là nguy cơ cháy nổ luôn ở ngưỡng cao,
'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ ảnh 1Vụ cháy nghiêm trọng khiến 13 người thiệt mạng tại quán karaoke 68 Trần Thái Tông. (Nguồn ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Bài 3: ‘Chiếc áo đô thị’ chật hẹp: Mỗi mảnh ghép một nỗi lo…

Xây dựng nhà chung cư, cao ốc đang là xu hướng phát triển tại Việt Nam. Phát triển các dự án chung cư cao tầng cũng là giải pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả sử dụng quỹ đất. Tuy nhiên, thực trạng quy hoạch “chạy theo” nhà đầu tư, thiếu kiểm soát đã khiến “chiếc áo đô thị” trở nên chật hẹp, biến dạng với vô vàn nỗi lo.

Đáng sợ nhất là nguy cơ cháy nổ luôn ở ngưỡng cao, khi đã xảy ra hàng nghìn vụ hỏa hoạn, gây tổn thất nặng nề về kinh tế và cướp đi sự sống của nhiều người. Trong đó, số lượng vụ cháy xảy ra ở các đô thị chiếm hơn 60,1%. Thế nhưng, vẫn còn đó, hàng nghìn công trình chưa được nghiệm thu đã đưa vào sử dụng…

Đô thị căng phồng, không gian sống bó hẹp

Trong vòng 10 năm trở lại đây, việc quy hoạch chạy theo nhu cầu của nhà đầu tư đã trở thành vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” làm tốn biết bao giấy mực nhưng vẫn chưa thể giải quyết, hẳn vì nhiều lý do. Vì thế, câu chuyện này vẫn đang là vấn đề nóng khiến người dân, cử tri cả nước và nhiều đại biểu quốc hội phải suy nghĩ.

Từ việc phát triển chung cư, cao ốc quá quá nhanh, không kiểm soát kịp thời đã dẫn tới một thực trạng là đô thị bị biến dạng, méo mó với mật độ nhà ở dày đặc; gây hệ lụy về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, diện tích đất cây xanh công cộng suy giảm, gia tăng nguy cơ cháy nổ, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân.

Minh chứng rõ ràng nhất để diễn tả về “chiếc áo đô thị” chật hẹp trên là khu HH Linh Đàm nằm trong khu đô thị Tây Nam Linh Đàm 76ha (Hoàng Mai, Hà Nội). Theo thiết kế ban đầu, khu chung cư HH Linh Đàm có diện tích khoảng 3ha, gồm 6 tòa nhà cao từ 25 đến trên 35 tầng. Nhưng sau nhiều lần “âm thầm” điều chỉnh, số tòa đã tăng lên gấp đôi là 12 tòa, cao 36-41 tầng với khoảng 20 căn hộ mỗi tầng.

Những sai phạm của của Tập đoàn Mường Thanh với tổ hợp chung cư HH Linh Đàm không chỉ làm biến dạng đô thị, mà còn khiến hàng chục vạn người dân mua nhà trở thành “con tin,” sống bất an bởi đã nhiều năm vẫn chưa có “sổ đỏ” nhà ở.

Đó cũng là lý do mà liên tiếp trong các kỳ họp Quốc vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã liên tục nhắc tới số liệu báo cáo giám sát về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị cho thấy: Từ tháng 7/2014 đến hết năm 2018, có 1.390 dự án được điều chỉnh quy hoạch từ 1-6 lần. Đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của nhà đầu tư đã làm đô thị “căng phồng” khác với quy hoạch ban đầu.

[Đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật Xây dựng sửa đổi với các luật khác]

Chỉ riêng tại Hà Nội, báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố cho thấy qua rà soát 2.518 dự án khu đô thị mới, phát triển nhà ở trên địa bàn, các cơ quan chức năng đã ghi nhận có 232 dự án vi pham trật tự xây dựng. Trong số đó, có 99 dự án xây dựng không phép, 85 dự án xây dựng sai phép, 31 dự án xây dựng sai quy hoạch, 17 công trình xây dựng gây lún, nứt, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

Đáng nói là, nhiều dự án sai phạm dù đã được cơ quan thanh tra ra kết luận nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để. Thậm chí, theo ghi nhận của phóng viên VietnamPlus, rất nhiều dự án chung cư, nhà ở mới vi phạm về thiết kế, xây dựng khi chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, xây dựng vượt tầng vẫn tiếp tục diễn ra. Đơn cử như dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế-Sago Palm Garden, Hưng Yên; dự án Green Pearl 378 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội…

Tất cả những vi phạm ấy, cứ thế “nở rộ” như những con virus lây lan khắp các tỉnh, thành phố. Trong khi đó, Luật vẫn chưa theo sát thực tiễn, trở thành lỗ hổng pháp lý, vướng mắc, lúng túng trong thực thi như vết dầu loang khiến đô thị quá tải.

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ ảnh 2Hiện trường vụ cháy nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Hà Nội. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Thậm chí, một số trụ sở cơ quan nhà nước sau khi di dời ra ngoài nội thành Hà Nội không được thu hồi phục vụ cho mục đích cộng cộng, mà còn biến thành chung cư cao tầng, gây sức ép về hạ tầng, dân số, đi ngược với mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Theo quy định của Luật Thủ đô được thông qua vào năm 2012 và đã có hiệu lực được 8 năm, quỹ đất sau khi di dời sẽ được ưu tiên phát triển các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế 9 cơ quan, bộ, ngành đã được bố trí quỹ đất di dời nhưng vẫn có đến 7 cơ quan giữ lại trụ sở cũ và chuyển đổi sang xây dựng chung cư cao tầng thay vì được sử dụng để xây dựng công trình công cộng.

Hỏa hoạn, tang thương, tội lỗi và cụm từ “giá như…”

Đó là những câu từ đáng sợ mà hẳn bất cứ ai quan tâm, xem hình ảnh, video clip hay tận mắt chứng kiến những vụ hỏa hoạn khủng khiếp xảy ra tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng có chung một nỗi hoang mang rằng: Giá như không có có sự bất cẩn, trách nhiệm cụ thể hơn thì hậu quả đâu đễn nỗi…

Không thể phủ nhận, phần nhiều vụ hỏa hoạn bắt nguồn từ sự bất cẩn của người dân, một phần do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng. Nhưng một nguyên nhân không thể không nhắc đến là sự vô cảm và trách nhiệm của chủ đầu tư, cũng như những người làm công tác quản lý, giám sát công trình xây dựng.

Nhìn từ vụ cháy kinh hoàng tại quán Karaoke 68, Trần Thái Tông (Hà Nội) khiến 4 ngôi nhà bị thiêu rụi và 13 người tử vong cuối năm 2016; hay sự cố cháy nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, làm phát tán lượng lớn thủy ngân ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân xung quanh xảy ra cuối tháng 8/2019, chúng ta sẽ thấy những vụ cháy này không chỉ bắt nguồn từ sự bất cẩn, mà còn do “lỗ hổng lớn” trong khâu thực thi, giám sát.

Thực tế trên đã được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn Giám sát Quốc hội đã nêu con số 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt, hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, tính đến tháng 7/2018, vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng chưa được nghiệm thu nhưng đã đi vào sử dụng.

[Thủ tướng chỉ thị tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo]

Ngoài ra, trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, trên cả nước cũng đã xảy ra 13.149 vụ cháy, địa bàn xảy ra cháy ở thành thị chiếm 60,11%. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật giao thông phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm ngặt.

Dẫn ra 50 vụ cháy lớn xảy ra trong giai đoạn 2014-2018, đại biểu Quốc hội Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cho biết đọc kỹ nội dung về trách nhiệm của các vụ cháy, có thể khẳng định nếu cơ chế xác định trách nhiệm người đứng đầu rõ ràng, ý thức về công tác phòng cháy của mỗi người cao hơn, cụ thể trong kiểm tra, kiên quyết trong duy trì công tác đảm bảo thì khoảng 40/50 vụ sẽ không cháy.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng xây dựng các khu chung cư cao tầng là giải pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả sử dụng đất. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại các chung cư cao tầng, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân.

Tại nhiều nhà chung cư, nhà tái định cư và một số tòa nhà, chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc tổ chức thực hiện các giải pháp kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy. Trong công tác quản lý có nhiều công trình không đáp ứng yêu cầu giấy phép, sổ đỏ, không có nước, chữa cháy không đảm bảo nhưng vẫn đi vào hoạt động.

'Loạn quy hoạch' làm biến dạng đô thị: Virus cần phải loại bỏ ảnh 3Nhiều người dân phải sơ tán khỏi khu vực cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Dẫn bài học từ Hàn Quốc, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết từ những năm 90 của thế kỷ trước, trong những khách sạn cao tầng đều được trang bị cuộn thang dây cho 2 khách nghỉ trên một phòng, kèm theo tờ hướng dẫn sử dụng khá cặn kẽ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các khách sạn, chung cư cao tầng, dù là chung cư cao cấp, việc này hầu như còn bỏ ngỏ.

“Điều này thật đáng trách và cũng đáng suy nghĩ. Cử tri đề nghị chúng ta phải hành động, hành động và hành động,” ông Bình nhấn mạnh.

Hậu quả nặng nề, trách nhiệm người quản lý ở đâu?

Dẫn báo cáo giám sát của Quốc hội về hàng nghìn vụ cháy xảy ra, hàng trăm người thiệt mạng, cơ sở vật chất bị thiêu rụi, đại biểu Cao Thị Xuân (tỉnh Thanh Hóa) băn khoan rằng thiệt hại là rất lớn nhưng có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức hoặc xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng cháy chữa cháy?

Đại biểu Cao Thị Xuân cho rằng công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, sai phạm trong phòng cháy chữa cháy. “Tại sao có tình trạng này, là do vi phạm của chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lý sai phạm? Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ an toàn cháy nổ?” đại biểu Cao Thị Xuân nêu một loạt câu hỏi.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, chính quyền địa phương xử lý nghiêm tình trạng này, đặc biệt với các chung cư, nhà cao tầng khi đã đưa vào sử dụng.

Đó cũng là lý do Đại biểu Cao Thị Xuân đề xuất trong Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát lần này cần có hẳn một điều về tái giám sát, đặc biệt là trong thực thi công vụ trong phòng cháy chữa cháy. Chỉ có giám sát thường xuyên, xử lý nghiêm minh mới khắc phục được những tồn tại như báo cáo đã nêu.

[Tổng Bí thư: Làm mạnh hơn công tác phòng chống tham nhũng]

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đánh giá công tác thẩm định, nghiệm thu về phòng cháy đối với các công trình xây dựng cơ bản, dự án kinh tế nhà ở đô thị, khu kinh tế vẫn còn bất cập. Có đủ lý do giải trình của chủ đầu tư, cơ quan chủ quản, nhưng theo ông Hòa, đây là lỗ hổng rất lớn của công tác quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư cao tầng không đảm bảo an toàn về điện cũng khá phổ biến, chiếm không gian, khoảng cách chung cư với nhau chưa đúng quy định. Trữ nước trong phòng cháy là hiếm thấy. Việc này cơ quan chức năng có biết không? Nếu không an toàn về phòng cháy, vẫn ngang nhiên thi công, nghiệm thu hoàn thành giao cho dân để ở, vấn đề này cũng cần phải làm rõ.

“Dư luận cho rằng sự dễ dãi của cơ quan chức năng, lợi ích riêng tư của nhóm người, trong đó có cơ quan, cá nhân thẩm duyệt phòng cháy tạo kẽ hở cho sự vi phạm về phòng cháy cũng là nguyên nhân khi cháy nổ xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng của người dân,” ông Hòa nhấn mạnh.

Về phía Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trong báo cáo của Đoàn giám sát và các vị đại biểu quốc hội cũng rất bức xúc tại sao có những công trình chưa nghiệm thu mà trong đó có phòng cháy, chữa cháy thì đã đưa vào sử dụng. Một số các vi phạm đã phát hiện ra nhưng xử lý không nghiêm dẫn tới chủ đầu tư, một số chủ thể liên quan có biểu hiện nhờn.

“Tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực xây dựng và trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng. Trong thời gian tới sẽ làm hết sức mình để góp phần cùng với các bộ, ngành, các địa phương khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy,” ông Hà nói.

Nhắc lại ý kiến đại biểu quốc hội nói vì sao những thành phố lớn, đô thị lớn thì tỷ lệ cháy nhiều, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: “Chúng tôi cũng thấy có quy luật về kinh tế-xã hội càng phát triển thì các vụ cháy lại càng xảy ra với tần suất nhiều và phức tạp hơn. Hiện Bộ Công an cũng đang nghiên cứu và hoàn toàn không chủ quan về những thực tế phòng cháy, chữa cháy đã xảy ra trong thời gian qua..”/.

[Bài 1: ‘Siêu dự án’ hô biến mất nhà cửa của dân nghèo thành thị]

[Bài 2: Xây trước, xin sau và cái bóng của ‘nhóm lợi ích’]

Bài 4: ‘Quy hoạch miệng, dự án ma’: Mê hồn trận giúp ‘con voi chui lọt lỗ kim’

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục