Kể từ tháng 8/2023, một nhóm các nhà sinh vật học và nhân viên kiểm lâm tại Khu bảo tồn động vật hoang dã Cuyabeno thuộc khu vực rừng nhiệt đới Amazon, Ecuador đã tiến hành nghiên cứu về quần thể bướm, nhằm đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các loài thụ phấn quan trọng này.
Ecuador là quốc gia có diện tích tương đối nhỏ nhưng cực kỳ đa dạng sinh học. Nơi đây có khoảng 4.000 loài bướm - số lượng gần bằng các nước láng giềng có diện tích lớn hơn nhiều như Peru và Colombia.
Các nhà sinh vật học đã sử dụng 32 cái bẫy làm bằng lưới xanh có mồi cá và chuối lên men dụ bướm để theo dõi.
Họ đã bắt và ghi lại số lượng bướm, đánh dấu nhận dạng trên cánh bướm sau đó thả hầu hết số bướm này vào tự nhiên, chỉ giữ lại một số lượng ít từ các loài chưa được biết đến trước đây để nghiên cứu thêm.
Nhà sinh vật học Maria Fernanda Checa cho biết, loài bướm "rất nhạy cảm, ngay cả với những thay đổi nhỏ trong hệ sinh thái" trong suốt vòng đời ngắn ngủi của chúng từ lúc là kén đến sâu bướm cho đến trưởng thành sinh sản.
Vì vậy, loài này có thể coi là "chỉ số sinh học" phản ánh sức khỏe của hệ sinh thái xung quanh chúng.
Kết quả thu được khiến các nhà nghiên cứu thất vọng: mặc dù số loài bướm có thể không giảm quá 10%, tuy nhiên, số lượng cá thể bướm lại sụt giảm đáng kể trong khoảng 40-50%.
Sự suy giảm về quần thể bướm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến đổi khí hậu có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái.
Theo thông tin từ Liên hợp quốc, 40% các loài thụ phấn không xương sống - đặc biệt là ong và bướm - đang có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu, gây ra những rủi ro nhất định cho chính nhân loại.
Ngoài ra, nghiên cứu trên cũng nhấn mạnh sự cấp thiết của việc hiểu biết và giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học ở rừng nhiệt đới Amazon./.