Loài chim nhỏ xíu có tiếng kêu khiến con người hỏng thính giác

Bellbird trông giống một con chim bồ câu nhỏ bé, với trọng lượng cơ thể khoảng 0,25kg, nhưng tiếng kêu của nó có thể đạt tới mức cực đại 113 decibel - trên ngưỡng chịu đựng của con người.
(Nguồn: nationalgeographic.com)

Ở vùng núi phía Bắc rừng mưa Amazon, một chú chim nhỏ xíu trong bộ lông trắng đang nỗ lực chinh phục "cô bạn gái xinh đẹp," với những tiếng kêu chói tai, đạt đến độ decibel tương đương với một máy đóng cọc.

Đó là loài Bellbird - một loài chim nhiệt đới sống tại châu Mỹ, châu Đại dương và châu Á có tiếng hót vang như chuông.

Nhà sinh vật học Jeff Podos thuộc Đại học Massachusetts Amherst của Mỹ và cộng sự Mario Cohn-Haft từ Viện nghiên cứu rừng Amazon của Brazil đã thông báo về phát hiện trên trong bài viết đăng trên Tạp chí Current Biology ngày 21/10.

Theo các nhà nghiên cứu, loài chim này đã đánh bại "người láng giềng" ở rừng mưa chim Piha "la hét" - để trở thành loài chim có tiếng kêu lớn nhất thế giới.

Bellbird trông giống một con chim bồ câu nhỏ bé, với trọng lượng cơ thể khoảng 0,25kg.

Những con chim đực có những yếm thịt màu đen, điểm xuyết thêm những đốm trắng gần mỏ, trong khi con cái thường có bộ lông màu xanh lá cây điểm thêm những vệt sậm màu và không có yếm thịt gần mỏ.

[Phát hiện hóa thạch chim cánh cụt khổng lồ tại New Zealand]

Podos cho biết ông đã rất may mắn khi tình cờ được chứng kiến những con chim cái hưởng ứng ra sao khi nghe tiếng hót của chim đực và những cú xoay mình điệu nghệ của chim đực.

Tiếng gọi bạn tình của chim đực đạt mức cực đại 113 decibel - trên ngưỡng chịu đựng của con người.

Các nhà khoa học thậm chí đã thắc mắc rằng làm thế nào để Bellbird cái nghe được tiếng kêu của chim đực ở cự ly gần mà không bị ảnh hưởng tới thính giác.

Hai nhà khoa học đã phải sử dụng máy ghi âm chất lượng cao và video tốc độ cao để có thể làm chậm lại các hành động của chim, phục vụ công tác nghiên cứu.

Ông Podos cho biết: "Chúng tôi không biết làm thế nào các động vật nhỏ bé lại có thể phát ra âm thanh lớn đến vậy. Chúng tôi đang trong giai đoạn đầu tìm hiểu về sự đa dạng sinh học này."

Họ cũng nhận thấy rằng khi tiếng kêu của chim lớn hơn, thì độ dài của tiếng kêu ngắn hơn.

Theo lý thuyết, tình trạng này có thể xảy ra do hệ hô hấp của chim có khả năng hữu hạn để kiểm soát luồng không khí và tạo ra âm thanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục