Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng sẽ đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, kết quả về chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam là tích cực, đáng mừng, song nhìn rộng và sâu hơn vẫn còn không ít trăn trở, lo âu.
Đó là những thông tin được chia sẻ tại hội thảo “Cải cách thủ tục hành chính cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều ngày 20/4 tại Hà Nội.
Cải thiện chỉ số tín dụng nhờ thủ tục hành chính
Theo Báo cáo mới nhất về môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới (WB), chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể và ổn định, nằm trong nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất.
Tại báo cáo năm 2018, Việt Nam xếp hạng 29/190 nước, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm, cải thiện 3 bậc và là chỉ số cao thứ 2 trong 10 chỉ số của Việt Nam trong báo cáo. Cùng với 5 chỉ số tăng bậc khác, chỉ số tiếp cận tín dụng đã giúp cho xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, đứng vị trí 68/190.
[Giải bài toán vốn cho DN vừa và nhỏ: Ngân hàng và DN cùng kêu khó!]
Để có được kết quả trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính riêng trong hai năm 2016, 2017, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát, đơn giản hóa và ban hành theo thẩm quyền các thông tư bãi bỏ 22 thủ tục hành chính, ban hành phương án sửa đổi 48 thủ tục; cắt giảm hơn 20% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính
Vì thế, Phó Thống đốc cho rằng, Việt Nam đã tạo dựng được cơ sở pháp lý, hành lang pháp lý để cho quan hệ tín dụng thực sự bình đẳng giữa doanh nghiệp và ngân hàng, không còn là quan hệ giữa một người cần đi vay và người xem xét để cho vay.
Nhờ đó, chỉ tính riêng trong năm 2017, ngành ngân hàng đã tổ chức hơn 370 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp; giải ngân cho hơn 60.000 khách hàng với tổng số tiền lên tới 80.000 tỷ đồng; gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay cũ cho gần 4.000 danh nghiệp và hơn 9.000 khách hàng khác...
Trên thực tế, các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, có năng lực tài chính tốt, dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, khả thi đã tiếp cận vốn dễ dàng với lãi suất hợp lý. Doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn, được thể hiện qua quy trình sản phẩm dịch vụ cho khách hàng được cải tiến thuận tiện, nhanh gọn hơn thông qua việc ứng dụng công nghệ (Internet Banking, Mobile Banking,...).
Theo thống kê, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%; một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ; giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến...
Vẫn còn nhiều rào cản
Mặc dù đánh giá cao những cải cách thay đổi của các ngân hàng trong mấy năm qua nhưng bà Nguyễn Thu Hà, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lexim vẫn cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng chưa được dễ dàng. Tình trạng này có lỗi từ 2 phía cả phía ngân hàng chưa chủ động nhưng về phía doanh nghiệp chưa trang bị cho mình năng lực quản trị tài chính, năng lực nhân sự hay vận hành sản xuất để ngân hàng có thể tin tưởng.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cũng cho rằng, việc tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay không khó so với trước đây. Các ngân hàng cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù vậy, khả năng hấp thụ các nguồn vốn tín dụng ngân hàng chưa được cao. Điều tra của Hiệp hội cho thấy, có 59% doanh nghiệp vừa và nhỏ bị các ngân hàng từ chối hoặc chỉ được giải ngân một phần.
"Nguyên nhân chủ yếu là do tài sản thế chấp chưa đủ điều kiện và khả năng kinh doanh còn yếu kém. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn rất hạn chế về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị và tiếp thị, thậm chí còn kinh doanh theo kinh nghiệm hay chụp giật, thiếu tài sản thế chấp," ông Quốc Anh cho biết.
Dưới góc độ của Hiệp hội, ông Mạc Quốc Anh kiến nghị, để phá vỡ những rào cản và nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.
"Các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp; đồng thời chú trọng phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro và đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay," ông Quốc Anh đề xuất.
Đề cập tới những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng, bà Nguyễn Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, các ngân hàng thương mại trong nước hiện cũng đang phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.
Do vậy, những khách hàng tốt, có phương án kinh doanh hiệu quả và khả thi sẽ luôn được các ngân hàng cạnh tranh tiếp cận.
“Vietcombank xác định trong giai đoạn hiện nay chúng tôi cần bán hàng một cách chủ động trên cơ sở hiểu về khách hàng mình đang phục vụ, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng. Vietcombank xác định không chỉ bán các sản phầm ngân hàng truyền thống mà từng bước nâng cao chất lượng tư vấn cho khách hàng, cũng như cung cấp những sản phẩm được thiết kế riêng, chuyên biệt theo yêu cầu và đặc thù kinh doanh của từng khách hàng,” bà Oanh chia sẻ.
Theo bà Oanh, những doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng, thường là những doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn như phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế và thông tin tài chính thiếu minh bạch... Điều này dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn vốn, không tách bạch giữa tài chính bản thân của doanh nghiệp và chỉ doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám VietinBank cũng cùng chung quan điểm cho rằng, hạn chế lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ khiến các ngân hàng băn khoăn khi tiếp nhận vốn là doanh nghiệp thường quản trị đơn giản theo hướng công ty gia đình, do một người/nhóm người làm chủ, năng lực quản trị khó theo kịp sự gia tăng quy mô kinh doanh.
Do đó, để cải thiện việc tiếp cận tín dụng, theo lãnh đạo các ngân hàng, doanh nghiệp cần trung thực và giữ "chữ tín", đảm bảo tính hợp nhất giữa báo cáo tài chính vay vốn và báo cáo thuế. Bản thân doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị và năng lực tài chính theo hướng chuyên nghiệp hơn, từ đó cải thiện các chỉ số tài chính, dòng tiền, nâng cao năng lực cạnh tranh, kéo dài tuổi thọ doanh nghiệp. Đối với mô hình công ty gia đình cần chú trọng đào tạo thế hệ kế cận để duy trì hoạt động ổn định lâu dài./.