Các nhà nghiên cứu Australia cho rằng quốc gia châu Đại Dương này nên loại bỏ các thành phần độc hại là các axit béo chuyển hóa (trans-fat acid) khỏi chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước để có thể ngăn ngừa hàng nghìn ca tử vong do mắc các bệnh về tim mạch.
Nghiên cứu, do Viện Y tế Toàn cầu George tại Sydney tiến hành, chỉ ra rằng việc cấm sử dụng axit béo chuyển hóa (hay còn gọi là axit béo đồng phân nhân tạo) trong chuỗi cung ứng thực phẩm của Australia có thể vừa cứu mạng người dân vừa giúp tiết kiệm ngân sách cho chính phủ.
Cụ thể, một lệnh cấm tương tự như vậy có thể ngăn ngừa được khoảng 2.000 trường hợp tử vong và 10.000 ca đau tim trong 10 năm đầu tiên.
Trong quãng thời gian sống sau đó của người trưởng thành (tính từ khi lệnh cấm có hiệu lực tới khi người đó qua đời hoặc sống đến 100 tuổi), việc cấm các axit béo chuyển hóa nói trên sẽ giúp hạn chế được 42.000 ca tử vong do các bệnh tim mạch.
[Nọc độc của ốc sên biển có thể chữa bệnh tim mạch và cao huyết áp]
Bất chấp nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe, luật pháp Australia hiện hành không yêu cầu các nhà sản xuất thực phẩm loại bỏ các axit béo chuyển hóa khỏi chuỗi cung ứng thực phẩm do quy trình này được cho là quá tốn kém cho ngân sách nhà nước cũng như quá đắt đỏ đối với ngành thực phẩm Australia.
Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng chi phí thực hiện các biện pháp mang tính pháp quy, đơn cử một lệnh cấm như trên, có thể ít hơn đáng kể so với chi phí chăm sóc và điều trị sức khỏe cho các bệnh nhân tim mạch trong vòng 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
Tác giả công trình nghiên cứu, nhà khoa học Matti Marklund tại Viện Y tế Toàn cầu George, cho rằng dù hiện vẫn rất khó để tránh các axit béo chuyển hóa, nhưng người tiêu dùng vẫn có thể giảm thiểu việc nạp thành phần có hại này vào cơ thể bằng cách kiểm tra các nhãn hàng thực phẩm trước khi mua.
Ông lưu ý thêm rằng bất kỳ sản phẩm nào có chứa chất béo hydro hóa một phần hoặc dầu thực vật hydro hóa một phần trong danh mục thành phần cấu thành sản phẩm đó đều có thể chứa chất béo chuyển hóa./.