Lo tình hình tài chính quốc gia, hãng Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Pháp

Moody's cho biết rủi ro ngày càng tăng khi "Chính phủ Pháp khó có thể thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài hơn dự kiến và khả năng chi trả nợ xấu đi."
Quang cảnh phố mua sắm Sainte-Catherine ở Bordeaux, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/10, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ triển vọng tín nhiệm của Pháp từ "ổn định" thành "tiêu cực" do lo ngại về tình hình tài chính của quốc gia này.

Moody's nêu rõ sự thay đổi trên phản ánh "rủi ro ngày càng tăng rằng Chính phủ Pháp khó có thể thực hiện các biện pháp ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài hơn dự kiến và khả năng chi trả nợ xấu đi."

Cơ quan này hiện vẫn xếp hạng tín nhiệm của Pháp ở mức Aa2, do "nền kinh tế lớn, giàu có và đa dạng" của nước này.

Về vấn đề hạ triển vọng, Moody's nhận định tình trạng suy yếu tài chính của Pháp đã nghiêm trọng hơn dự báo của hãng, trái ngược với các quốc gia có xếp hạng tương tự đang nỗ lực củng cố tài chính công.

Theo Moody's, rủi ro đối với hồ sơ tín nhiệm của Pháp đang gia tăng do môi trường chính trị và thể chế của nước này.

Tình hình hiện không có lợi cho việc hợp nhất các biện pháp chính sách giúp mang lại những cải thiện bền vững trong cán cân ngân sách. Điều này dẫn đến việc quản lý ngân sách yếu hơn so với những gì cơ quan này từng đánh giá.

Nợ của Pháp dự kiến sẽ tăng lên gần 115% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm tới, so với mục tiêu nợ của Liên minh châu Âu (EU) là 60% GDP.

Nợ của Pháp hiện ở mức hơn 3.200 tỷ euro (3.456 tỷ USD), tăng khoảng 1.000 tỷ euro (1.080 tỷ USD) kể từ khi Tổng thống Emmanuel Macron lên nắm quyền vào năm 2017.

Fitch Ratings vẫn xếp hạng tín nhiệm của Pháp ở mức AA-, nhưng đã điều chỉnh triển vọng từ "ổn định" thành "tiêu cực" do rủi ro chính sách tài khóa gia tăng.

Thủ tướng Michel Barnier hy vọng sẽ đưa thâm hụt khu vực công xuống dưới 5% GDP vào năm tới, từ mức 6,1% của năm 2024.

Chính phủ Pháp hy vọng rằng vào năm 2029, thâm hụt sẽ giảm xuống dưới 3% GDP - mức trần thâm hụt đã nhất trí cho các thành viên EU.

Trước đó, phát biểu bên lề cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, tân Bộ trưởng Tài chính Pháp, Antoine Armand thừa nhận tài chính công là vấn đề đáng lo ngại, song ông tin tưởng vào năng lực thanh khoản của Pháp, cũng như khả năng thực hiện "các cải cách sâu rộng" của nước này.

Theo ông, để ổn định nợ công, Pháp cần giảm chi tiêu công, thâm hụt ngân sách. Ông cũng lưu ý rằng một trong những yếu tố chính để thúc đẩy tăng trưởng trong ngân sách mới của chính phủ là thuyết phục người tiêu dùng Pháp chi tiêu nhiều hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục