Moody's đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực vào ngày 5/12.
Theo Reuters, động thái của hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối lo ngại toàn cầu ngày càng gia tăng về tác động của nợ chính quyền địa phương tăng cao và cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Moody's cho biết việc hạ bậc này phản ánh bằng chứng ngày càng rõ rệt rằng các nhà chức trách Trung Quốc sẽ phải cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính hơn cho các chính quyền địa phương cũng như các công ty Nhà nước đang chịu gánh nặng nợ nần.
Những điều này gây ra rủi ro lớn đối với sức mạnh tài chính và kinh tế của Trung Quốc - Moody’s cho biết trong một tuyên bố.
Các chứng khoán blue-chip của Trung Quốc đã giảm xuống mức gần như thấp nhất trong 5 năm vào ngày 5/12 trong bối cảnh lo ngại về tình hình tăng trưởng của đất nước, trong khi chứng khoán Hong Kong nối dài đà giảm.
“Hiện thị trường đang quan tâm nhiều hơn đến cuộc khủng hoảng bất động sản và sức tăng trưởng yếu, hơn là rủi ro nợ công trước mắt” - Ken Cheung, chiến lược gia trưởng ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho ở Hong Kong, cho biết.
Động thái của Moody's là sự thay đổi đầu tiên trong quan điểm về Trung Quốc kể từ khi tổ chức này hạ xếp hạng một bậc đối với Trung Quốc xuống mức A1 vào năm 2017. Moody’s viện dẫn những kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng chậm lại và nợ gia tăng ở quốc gia này.
Theo Moody’s, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống mức 4% vào năm 2024 và 2025, và đạt mức trung bình 3,8% từ năm 2026 đến năm 2030.
Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong năm 2023 vẫn rất bấp bênh
Một cuộc thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân do Trường kinh doanh Cheung Kong thực hiện trong cùng tháng ghi nhận sự sụt giảm niềm tin kinh doanh đang tăng lên.
Việc Moody's hạ mức triển vọng của Trung Quốc diễn ra trước Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương hằng năm, dự kiến diễn ra vào giữa tháng 12. Trong khi đó, các nhà cố vấn của Chính phủ đang kêu gọi mục tiêu tăng trưởng ổn định cho năm 2024 và nhiều biện pháp kích thích hơn.
Về xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ của Trung Quốc, Moody’s xác nhận mức A1 với nhận định nền kinh tế Trung Quốc vẫn có khả năng hấp thụ những cú sốc cao.
Các nhà phân tích cho rằng xếp hạng A1 là đủ cao trong lĩnh vực đầu tư, vì vậy việc hạ cấp khó có thể khiến các quỹ toàn cầu buộc phải bán cổ phiếu. Hai cơ quan xếp hạng lớn khác là Fitch và Standard & Poor's xếp hạng Trung Quốc ở mức A+, tương đương với Moody's. Cả hai đều có triển vọng ổn định.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết họ thất vọng trước quyết định của Moody’s, đồng thời cho biết nền kinh tế Trung Quốc sẽ duy trì xu hướng phục hồi và tích cực. Bộ này cũng cho rằng những rủi ro liên quan lĩnh vực bất động sản và nợ của chính quyền địa phương có thể kiểm soát được.
“Những lo ngại của Moody về triển vọng tăng trưởng kinh tế, sự bền vững tài chính và các khía cạnh khác của Trung Quốc là không cần thiết” - Bộ Tài chính cho biết.
Tăng trưởng “trên đà đạt mục tiêu”
Hầu hết các nhà phân tích tin rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang trên đà đạt mục tiêu khoảng 5% của Chính phủ trong năm nay, nhưng tăng trưởng không đồng đều.
Nền kinh tế đã phải “vật lộn” để có thể phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc trên thị trường nhà ở, lo ngại về nợ của chính quyền địa phương, tăng trưởng toàn cầu chậm lại và những căng thẳng địa chính trị trên thế giới đã làm suy giảm đà tăng trưởng.
Nhiều nhà phân tích nhận định rằng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm dần so với mức tăng trưởng chóng mặt trong vài thập kỷ qua.
Nhiều người tin rằng Bắc Kinh cần chuyển đổi mô hình kinh tế từ việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư bằng vay nợ sang mô hình được thúc đẩy nhiều hơn bởi nhu cầu của người tiêu dùng.
Tuần trước, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Pan Gongsheng cam kết duy trì chính sách tiền tệ phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cũng kêu gọi cải cách cơ cấu để giảm sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và bất động sản để tăng trưởng.
Rủi ro lớn
Sau nhiều năm đầu tư quá mức, cùng thực trạng nguồn thu từ việc bán đất giảm mạnh và chi phí chống dịch COVID-19 tăng vọt, tình trạng các đô thị “ngập trong nợ nần” hiện là rủi ro lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc - theo các nhà kinh tế.
Theo dữ liệu mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ của chính quyền địa phương đạt 92.000 tỷ nhân dân tệ (12.600 tỷ USD), tương đương 76% sản lượng kinh tế của Trung Quốc vào năm 2022. Tỷ lệ này tăng từ mức 62,2% vào năm 2019.
Vào tháng 10, Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (139,84 tỷ USD) trái phiếu Chính phủ vào cuối năm nay để giúp khởi động các hoạt động, nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách năm 2023 từ mức 3% lên 3,8% GDP.
Ngân hàng Trung ương cũng đã cắt giảm lãi suất vừa phải và bơm thêm tiền vào nền kinh tế trong những tháng gần đây.
Trong khi đó, dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc đã tăng mạnh lên 75 tỷ USD trong tháng Chín vừa qua. Đây là con số hằng tháng lớn nhất kể từ năm 2016 - theo Goldman Sachs./.