Lo ngại về triển vọng nhu cầu phủ bóng đen lên thị trường dầu thế giới

Yếu tố lớn nhất chi phối thị trường trong tuần qua là cuộc họp của Ủy ban cấp bộ trưởng của OPEC+ để đánh giá việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu, diễn ra vào ngày 19/8.
Một cơ sở khai thác dầu ở Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Tuần qua, giá dầu thế giới chịu nhiều áp lực do đồng USD mạnh lên và nhà đầu tư thận trọng đánh giá về đà phục hồi của nhu cầu dầu mỏ cũng như hiệu quả của chính sách giảm sản lượng của liên minh giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu ngoài khối, còn gọi là OPEC+.

Nhìn chung, yếu tố lớn nhất chi phối thị trường trong tuần qua là cuộc họp của Ủy ban cấp bộ trưởng của OPEC+ để đánh giá việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu, diễn ra vào ngày 19/8.

OPEC+ đã điều chỉnh mức cắt giảm sản lượng xuống 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng Tám.

Những số liệu thống kê đưa ra trước thềm cuộc họp cho thấy mức độ tuân thủ của các nước tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến tháng 7/2020 là vào khoảng 95%, một mức cao theo quy định của OPEC, đã giúp thúc đẩy đà tăng giá của "vàng đen" trong phiên đầu tuần (17/8).

Tuy nhiên, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư không kéo dài, khi các bộ trưởng dầu mỏ nhận định tốc độ phục hồi của thị trường dầu mỏ dường như đang chậm hơn so với dự đoán do những rủi ro liên quan đến việc dịch COVID-19 kéo dài.

[Lo ngại về triển vọng nhu cầu gây sức ép lên giá dầu châu Á]

Bên cạnh đó, biên bản cuộc họp tháng Bảy của Fed công bố ngày 19/8 cũng cho thấy các quan chức của cơ quan này lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ mới để chống lại cuộc suy thoái do dịch COVID-19 gây ra.

Nhu cầu nhiên liệu yếu của Mỹ cùng với nguy cơ một đợt bùng phát thứ hai kéo dài của đại dịch COVID-19 có thể gây rủi ro lớn cho sự phục hồi của thị trường dầu mỏ.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 1,6 triệu thùng trong tuần trước, nhưng nhu cầu nhiên liệu của nước này trong 4 tuần gần đây đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn tại Price Futures Group (Chicago, Mỹ) cho rằng sự sụt giảm nhu cầu đối với xăng dầu là mối quan ngại lớn vì điều duy nhất có thể thúc đẩy sự phục hồi của thị trường dầu mỏ là nhu cầu.

Hãng tin Reuters đưa tin một số nước thuộc OPEC+ sẽ cần cắt giảm thêm 2,31 triệu thùng dầu/ngày để giải quyết tình trạng dư cung thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, thị trường ít nhiều chịu tác động sau khi Mỹ công bố số liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu bất ngờ tăng hơn 1 triệu đơn trong tuần kết thúc vào ngày 15/8. Thông tin này càng củng cố cho nhận định của Fed rằng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.

Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, đồng USD lên giá trong tuần này cũng gây áp lực lên giá dầu và khiến giá "vàng đen" dao động trong biên độ hẹp thời gian gần đây.

Kể từ giữa tháng Sáu, giá dầu Brent giao dịch trong khoảng 40-46 USD/thùng, còn giá dầu WTI dao động từ 37-43 USD/thùng.

Khép lại phiên giao dịch cuối tuần 21/8, giá dầu Brent hạ 1,2% xuống 44,35 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,1% xuống 42,34 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 3 xu Mỹ, hay 0,1% còn giá dầu Brent mất 1%, theo Market Watch.

Trong các thông tin mới nhất, công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes Inc công bố báo cáo hàng tuần cho hay lượng giàn khoan dầu đang hoạt động của Mỹ trong tuần này đã tăng 11 lên 183 giàn, chấm dứt chuỗi giảm trong ba tuần trước.

Số lượng giàn khoan đã giảm mạnh trong năm nay khi giá dầu thô lao dốc do ảnh hưởng của COVID-19, với số lượng giàn khoan giảm 571 chiếc so với cùng thời điểm năm ngoái.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone do công ty nghiên cứu IHS Markit công bố cho thấy hoạt động kinh tế của khu vực đang chậm lại, trong khi các số liệu từ Nhật Bản cũng cho thấy hoạt động kinh tế tại đây tiếp tục giảm.

Trong khi đó, sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 mới tại nhiều khu vực của châu Âu và các nơi khác đã phủ bóng đen lên triển vọng của nhu cầu năng lượng. Các nhà phân tích cho biết tại châu Á, xu hướng cắt giảm hoạt động lọc dầu do nhu cầu nhiên liệu yếu cũng là một dấu hiệu đáng lo ngại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục