Lo ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc kéo giá dầu giảm gần 2%

Giá “vàng đen” giảm khi những tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm gia tăng lo lắng về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, làm giảm nhu cầu về dầu.
Một cơ sở khai thác dầu tại Cotulla, Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở khai thác dầu tại Cotulla, Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới suy yếu trong phiên 18/10, do những lo ngại về triển vọng kinh tế Trung Quốc lấn át những thông tin tích cực từ lĩnh vực lọc dầu của nước này.

Tính chung cả tuần, giá dầu thế giới giảm gần 2%. Theo đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn đã giảm 49 xu Mỹ xuống 59,42 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cùng lùi 15 xu và khép phiên ở mức 53,78 USD/thùng.

Một yếu tố tác động chính lên tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là số liệu thống kê mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 3/2019 đã chậm lại xuống chỉ còn 6% so với cùng kỳ năm 2018.

Đây là mức yếu nhất trong hơn 27 năm qua do hoạt động chế tạo yếu đi và căng thẳng thương mại chưa được giải quyết giữa nước này với Mỹ.

Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu tháng Chín của các nhà máy tại Trung Quốc đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, một tín hiệu cho thấy nhu cầu từ nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vẫn mạnh mẽ bất chấp những “cơn gió ngược” của nền kinh tế. Điều này đã phần nào hạn chế đà suy yếu của giá dầu trong phiên này.

Tính trên cả tuần này, giá dầu Brent đã giảm 1,8%, trong khi dầu WTI để mất 1,7%.

Trong hai phiên đầu tuần này là 14-15/10, giá “vàng đen” đều giảm khi những tranh chấp thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm gia tăng lo lắng về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, qua đó làm giảm nhu cầu về dầu.

[Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh hạn chế đà đi lên của giá dầu]

Tuần trước, Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận “Giai đoạn 1” hướng tới chấm dứt cuộc chiến thương mại.

Hiện, các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đang xúc tiến soạn thảo văn bản thỏa thuận để lãnh đạo hai nước ký trong tháng tới.

Các thị trường cũng đang cẩn trọng theo dõi để tìm kiếm thêm những chỉ dấu về phương hướng của các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Sang đến phiên 16/10, kỳ vọng về việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước xuất khẩu lớn khác sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng tại cuộc họp vào đầu tháng 12 tổ chức ở Vienne (Áo) đã nâng đỡ thị trường năng lượng.

Đà tăng được kéo dài sang phiên 17/10 khi số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy lượng xăng dự trữ của nước này đã giảm 2,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/10, trong khi lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu dầu đốt và dầu diesel, giảm 3,8 triệu thùng.

Giá dầu Brent và WTI phiên này đều tăng khoảng 1%.

Tuy nhiên, dự trữ dầu thô của Mỹ lại tăng 9,3 triệu thùng, vượt xa dự đoán tăng 2,8 triệu thùng, qua đó lấn át phần nào sự sụt giảm nói trên và hạn chế đà tăng của giá dầu.

Sự gia tăng này là do hoạt động lọc dầu giảm trong tuần qua, khi công suất chỉ đạt 83,1%, thấp nhất kể từ đợt bão Harvey hồi tháng 9/2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục