Lo ngại về một cuộc đối đầu mới nguy hiểm ở Trung Đông

Nếu Israel bị tấn công bằng thứ vũ khí chính xác và tinh vi tương tự như cuộc tấn công vào Saudi Arabia, Trung Đông sẽ rơi vào một cuộc chiến với quy mô vượt hẳn những gì đã xảy ra cho đến nay.
Lo ngại về một cuộc đối đầu mới nguy hiểm ở Trung Đông ảnh 1Nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia ở Abqaig bị phá hủy sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái, ngày 14/9/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc Mỹ từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu, nhất là đối với Trung Đông, đã và sẽ tạo ra những hệ quả xấu, đẩy khu vực này đứng trước tình thế nguy hiểm mới khi các cường quốc tranh giành quyền bá chủ ở đây - mạng tin Project Syndicate ngày 21/10 bình luận.

Mặc dù phiến quân Houthi ở Yemen khẳng định đã thực hiện vụ tấn công tinh vi nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hồi tháng trước, nhưng gần như chắc chắn Iran mới là thủ phạm.

Bằng cách không cho Iran có lựa chọn nào khác ngoài việc chứng tỏ năng lực quân sự, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho thấy chính ông và đồng minh Saudi Arabia là những chú hổ giấy.

Ở Trung Đông trước đây, một cuộc xung đột bao trùm duy nhất - giữa Israel và các nước Arab - gồm nhiều mặt trận và quyền lợi của phương Tây là bảo vệ nguồn cung cấp dầu mỏ cho nền kinh tế toàn cầu.

Còn ở Trung Đông mới, cuộc xung đột có đặc điểm riêng biệt là cuộc đấu tranh ở cấp độ lớn hơn giữa nhiều người chơi đang tìm kiếm bá quyền ở khu vực. Cuộc tranh giành mới đã bắt đầu khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng việc rút quân đội Mỹ khỏi khu vực, nhưng gia tăng mạnh dưới thời Donald Trump.

Ít nhất, Obama còn có một tầm nhìn chính trị đối với khu vực. Với thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 giúp ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân, Obama hy vọng sự nới lỏng cấm vận và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn sẽ cho phép Iran tái hội nhập từng bước vào cộng đồng quốc tế trong thập kỷ tiếp theo.

Ngược lại, Trump không có một chiến lược nào, và ông muốn ngụy trang việc Mỹ rút quân khỏi khu vực, như đang diễn ra ở Syria hiện nay bằng cách công khai phản bội người Kurd, bằng những tuyên bố khoa trương về sức mạnh quân sự và xuất khẩu vũ khí ồ ạt sang các đối tác và đồng minh của Mỹ ở Vùng Vịnh.

Về phần mình, Saudi Arabia, một cường quốc thịnh vượng trong khu vực, với người Sunni chiếm đa số (nếu không tính Thổ Nhĩ Kỳ), lâu nay vẫn nuôi tham vọng bá chủ khu vực - ít nhất là ở Vùng Vịnh và Bán đảo Arab - và luôn xem quốc gia Hồi giáo Iran do người Shiite chiếm đa số là đối thủ chính.

Trong vài năm trở lại đây, Iran và Saudi Arabia đã tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm tàn khốc ở Yemen, khiến nhiều dân thường thiệt mạng và gây ra thảm họa nhân đạo.

Nhưng tình hình đã thay đổi vào tháng trước, khi một cuộc tấn công lúc nửa đêm nhằm vào trái tim của ngành dầu mỏ Saudi Arabia đã gây chấn động nền kinh tế toàn cầu.

Một vài thiết bị bay không người lái đã xâm nhập vào không phận Saudi Arabia mà không bị phát hiện, và mở cuộc tấn công chính xác nhằm vào các cơ sở dầu mỏ chủ chốt.

Hệ thống phòng không Saudi Arabia dường như đang say giấc, điều đó cho thấy những kẻ tấn công đã nắm rất rõ tình hình bản địa. Một cuộc tấn công không báo trước lúc nửa đêm đặt ra nhiều câu hỏi. Ai là thủ phạm, và làm thế nào mà họ đã thực hiện thành công các vụ tấn công đó?

Phiến quân Houthi tại Yemen được Iran hậu thuẫn đã nhận trách nhiệm, nhưng họ không đủ năng lực để thực hiện một cuộc tấn công như vậy. Xét đến yếu tố công nghệ được sử dụng và các lĩnh vực hậu cần liên quan, kẻ tình nghi có vẻ hợp lý duy nhất là Iran, bất chấp việc chính phủ nước này kịch liệt bác bỏ. Và xét đến động cơ và lợi ích, rõ ràng Iran là người được hưởng lợi lớn nhất từ cuộc tấn công này.

Rốt cuộc, Saudi Arabia đã bị làm bẽ mặt trước con mắt của cộng đồng thế giới và để lộ họ chỉ là một chú hổ giấy to mồm. Ngoài thất bại không thể chối cãi của cơ quan tình báo Saudi Arabia khi không phát hiện hoặc ngăn chặn được cuộc tấn công, một thực tế rõ ràng khác là sớm hay muộn Saudi Arabia cũng sẽ thất bại trong cuộc chiến ở Yemen.

Đến lúc đó, khát vọng bá chủ của Saudi Arabia sẽ trở thành một yếu tố bị mang ra chế nhạo nhiều hơn. Và như vậy, theo các phân tích kết luận, trách nhiệm về vụ tấn công vào Saudi Arabia gần như tất nhiên thuộc về Tướng Qassem Suleimani, chỉ huy các chiến dịch ở nước ngoài của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Qua vụ tấn công này, Iran chứng minh họ mới là một cường quốc lớn ở khu vực với năng lực về kỹ thuật và hậu cần rất mạnh, không dễ bị đánh bại. Điều đó có thể làm thay đổi về cơ bản những tính toán chiến lược ở khu vực.

Tất cả các quốc gia theo chế độ quân chủ nhiều dầu mỏ trên Bán đảo Arab thuộc Vùng Vịnh chắc chắn đang đánh giá lại triển vọng chính sách đối ngoại, lợi ích và cả lòng trung thành. Iran cũng khiến Trump trông giống như kẻ kém cỏi.

Sau khi từ chối dùng hành động quân sự để đáp trả một cuộc tấn công nhằm vào một đồng minh thân thiết trong khu vực, Trump đã sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, một kẻ thù không đội trời chung của chính quyền Iran.

Không ai xót thương Bolton nhưng cũng không ai có thể loại trừ khả năng rằng chính sự ra đi của Bolton đã dẫn đến cuộc tấn công này. Tính nghiệp dư trong chính sách đối ngoại của Trump - nói cách khác là việc sử dụng ngôn từ đao to búa lớn về quân sự để che dấu thực tế không có chiến lược và lựa chọn khả dĩ - dường như đóng một vai trò chủ chốt dẫn đến tình cảnh hiện nay.

Quyết định của Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà không suy tính bước đi tiếp theo đã chứng tỏ đó là đỉnh điểm của hành động điên rồ và sẽ rất nguy hiểm. Nhưng có một động thái khác cần xem xét.

Sau Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp hồi cuối tháng 8 vừa qua, có thông tin về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia diễn ra chỉ vài tuần sau đó, ngay trước khi 2 nhà lãnh đạo đến New York để tham dự Khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc - thời điểm họ có thể gặp nhau.

Vậy thì, câu hỏi là liệu cuộc tấn công có phải là hệ quả từ sự đấu đá quyền lực nội bộ giữa 2 phe cực đoan và ôn hòa trong chính quyền Iran. Trong bất cứ trường hợp nào, khi mà vị thế của Saudi Arabia bị suy yếu, chỉ có hai cường quốc quân sự thực sự ở khu vực là Israel và Iran.

Hai quốc gia này dường như đã chuyển sang chiều hướng đối đầu nguy hiểm. Israel đặc biệt lo ngại về năng lực không thể chối cãi Iran trong việc mở các cuộc tấn công tầm xa chính xác bằng máy bay không người lái hay tên lửa đạn đạo/tên lửa hành trình.

Và đó chưa phải là mối đe dọa đáng kể duy nhất đối với an ninh quốc gia của Israel, Iran còn có thể cung cấp cho Hezbollah và các lực lượng ủy nhiệm khác của họ ở khu vực khả năng tương tự.

Nếu Israel bị tấn công bằng thứ vũ khí chính xác và tinh vi tương tự như cuộc tấn công vào Saudi Arabia, Trung Đông sẽ rơi vào một cuộc chiến với quy mô vượt hẳn những gì đã xảy ra cho đến nay.

Không may là (nhưng lại là điều may mắn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin), đó là thực tế của một thế giới mà Mỹ đã từ bỏ mong muốn đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục