Theo Bloomberg, việc gia tăng số ca mắc mới COVID-19 tại một số vùng của Mỹ làm dấy lên những lo ngại về khả năng khó phát hiện một làn sóng dịch mới.
Tại một số vùng của quốc gia vốn chịu ảnh hưởng lớn nhất của dịch COVID-19 này, chương trình xét nghiệm để xác định các ca nhiễm mới đã được thu hẹp.
Bloomberg cho rằng việc tiến hành các xét nghiệm và giải trình tự virus là yếu tố cốt lõi để có thể ứng phó nhanh chóng với những làn sóng dịch COVID-19 mới.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay khi Mỹ đang dần khôi phục trạng thái bình thường sau dịch COVID-19, nhu cầu tiến hành xét nghiệm giảm, các ưu tiên tài trợ của ngân sách liên bang chuyển đổi, điều này buộc các trung tâm xét nghiệm phải đóng cửa, trong khi các cơ sở y tế khác sẽ phải tăng giá tiến hành xét nghiệm khi không còn nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình xét nghiệm của chính phủ.
[Mỹ thay đổi hướng tiếp cận trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19]
Người dân chuyển hướng tự xét nghiệm tại nhà để giảm chi phí và cơ quan chức năng sẽ không thể tiếp cận đầy đủ thông tin xét nghiệm để đánh giá tình hình dịch bệnh thực tế khi người dân không thông báo kết quả xét nghiệm.
Chính vì lý do này, bất chấp tiến bộ của khoa học trong phát triển vaccine và thuốc điều trị COVID-19, các chuyên gia y tế cho "hàng phòng vệ" COVID-19 của Mỹ sẽ trở nên yếu dần theo thời gian, thay vì vững mạnh hơn.
Trong vài tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 đã bắt đầu gia tăng tại nhiều địa phương của Mỹ như New York, Massachusetts và Chicago. Một số chính quyền địa phương đã bắt đầu kêu gọi sự cảnh giác trước dịch bệnh.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ, "biến thể tàng hình" BA.2 của Omicron chiếm hơn 85% số ca nhiễm mới tại nước này (tính đến tuần kết thúc ngày 9/4), tăng so với con số 75,4% ghi nhận 1 tuần trước và 65.8% của 2 tuần trước đó.
Theo báo cáo của Hiệp hội Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội bệnh viện nhi khoa, kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay, gần 12,9 triệu trẻ em tại Mỹ có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó có 114.000 trường hợp được ghi nhận trong 4 tuần qua.
Báo cáo cũng cho biết trẻ em chiếm tới 19% tổng số ca mắc COVID-19 toàn nước Mỹ.
AAP nhấn mạnh tới sự cần thiết thu thập thông tin dữ liệu về từng nhóm tuổi của bệnh nhân COVID-19, qua đó đánh giá hậu quả lâu dài của dịch COVID-19 đối với sức khỏe, tinh thần và phúc lợi xã hội đối với thế hệ trẻ em trưởng thành trong giai đoạn dịch bệnh.
Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins của Mỹ, đến nay, toàn thế giới có tổng cộng 500.363.741, trong đó Mỹ chiếm 80.476.404 ca - cao nhất thế giới./.