Trong phiên giao dịch chiều ngày 31/5, các sàn chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ, do lo ngại rằng các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa có thể bỏ phiếu bác bỏ thỏa thuận nâng trần nợ của Mỹ và thảm họa Mỹ vỡ nợ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong "thể trạng yếu."
Bên cạnh đó, dấu hiệu cho thấy sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đang yếu đi cùng với mối lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng tới đã “phủ mây đen” lên các sàn giao dịch.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei giảm 440,28 điểm (1,41%) xuống 30.887,88 điểm, do hoạt động bán ra chốt lời của các nhà đầu tư sau những đợt tăng gần đây.
[Chứng khoán phiên 31/5: Các nhóm cổ phiếu diễn biến “lình xình”]
Theo các nhà quan sát, chứng khoán Nhật Bản đã giảm trong suốt phiên giữa bối cảnh các nhà đầu tư chốt lời sau khi gần đây chỉ số Nikkei đạt mức cao nhất trong ba thập kỷ.
Công ty môi giới chứng khoán IwaiCosmo Securities cho biết một loạt cổ phiếu chịu áp lực bán ra sau bốn phiên tăng liên tiếp và đà tăng liên tục trong suốt tháng Năm.
Bên cạnh đó, phiên này, các nhà giao dịch trên thị trường cũng tỏ ra thận trọng trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ về thỏa thuận nâng trần nợ.
Ngoài ra, đà tăng của đồng yen và số liệu cho thấy lượng đơn đặt hàng máy móc yếu hơn dự kiến của Nhật Bản cũng ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu.
Cùng đà giảm, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 19,65 điểm (0,61%) xuống 3.204,56 điểm, còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 361,51 điểm (1,94%) xuống 18.234,27 điểm.
Chứng khoán Trung Quốc đã chịu sức ép do lo ngại về triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo số liệu chính thức vừa được công bố, hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 5/2023 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế khổng lồ này đang để mất đà phục hồi.
Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức của lĩnh vực chế tạo - thước đo chủ chốt đối với sản lượng của các nhà máy - đã giảm xuống 48,8 trong tháng 5/2023, nằm dưới mốc 50 điểm - mốc phân tách giữa tăng trưởng và thu hẹp.
Chuyên gia Vey-Sern Ling, tại công ty quản lý tài sản Union Bancaire Privee, cho rằng đà phục hồi kinh tế không đều của Trung Quốc là một trong những lo ngại của các nhà đầu tư.
Ngoài số liệu bi quan về kinh tế Trung Quốc, các nhà đầu tư chứng khoán cũng lo lắng về việc thông qua thỏa thuận nâng trần nợ tại Quốc hội Mỹ.
Một số nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa của Mỹ ngày 29/5 cho biết họ sẽ phản đối thỏa thuận nâng mức trần nợ công.
Đây là dấu hiệu cho thấy thỏa thuận về trần nợ công của Mỹ có thể vướng phải rào cản tại Quốc hội trước khi chính phủ cạn tiền vào tuần tới.
Thêm vào đó, số liệu cho thấy lạm phát tại Mỹ vẫn cao càng củng cố đồn đoán Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng tới.
Chuyên gia Shana Sissel tại Banrion Capital Management cảnh báo việc Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Theo thống kê, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng Năm đã chạm mức thấp nhất trong 6 tháng.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/5, tại Việt Nam, VN-Index giảm 2,88 điểm xuống 1.075,17 điểm. HNX-Index tăng 1,48 điểm lên 222,81 điểm./.