Cuối tháng Ba vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan với thuế suất từ 24,3% tới 25,2% với Trung Quốc và từ 10,9% tới 12% với Đài Loan.
Điều này đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại, thép giá rẻ từ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương, các sản phẩm bị áp thuế chống bán phá giá tại châu Âu có mã HS trùng với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc đang là đối tượng chịu thuế chống bán phá giá tại Việt Nam. Cụ thể, các nhà sản xuất/xuất khẩu Trung Quốc chịu mức thuế từ 4,64% tới 6,58% và Đài Loan từ 13,79% tới 37,29%.
Bà Phạm Châu Giang, Trưởng Phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương cho biết đối với ngành sản xuất trong nước, có khả năng các nhà sản xuất/xuất khẩu Trung Quốc sẽ chuyển một phần lượng thép xuất khẩu sang thị trường Việt Nam để tiêu thụ do mức thuế suất chống bán phá giá tại Việt Nam thấp hơn EU.
Ngoài chuyển tải hàng hóa bị áp thuế sang Việt Nam, các nhà sản xuất/xuất khẩu Trung Quốc có thể đầu tư nhà máy sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU nhằm tránh thuế chống bán phá giá của EU. Trong trường hợp đó, Việt Nam có thể bị Ủy ban châu Âu (EC) điều tra lẩn tránh thuế.
Trước đây, EC cũng đã từng điều tra lẩn tránh thuế đối với sản phẩm bật lửa bơm gas bỏ túi chỉ dùng một lần của Trung Quốc vào năm 2012, khi họ nhận thấy có dấu hiệu về việc hàng hóa bị áp thuế của Trung Quốc thông qua gia công đơn giản tại Việt Nam để lấy xuất xứ xuất khẩu sang thị trường EU.
Cùng chung lo ngại về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng thép Trung Quốc khi bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường châu Âu sẽ làm tăng lượng dư thừa thép của nước này. Do đó, áp lực thép Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn, gây ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước. Thị trường thép trong nước vốn đã thu hẹp và khó khăn sẽ tiếp tục gặp khó hơn.
Theo ông Sưa, để chặn thép giá rẻ, thép bán phá giá của Trung Quốc vào Việt Nam, các cơ quan chức năng có thể xem xét thực hiện tốt Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu.
Ngoài ra, đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ ngành để quản lý sát hoạt động của thép Trung Quốc. Về phía hiệp hội, sẽ tiếp tục bám sát thông tin từ phía doanh nghiệp, kiểm soát giá cả các mặt hàng thép không gỉ cán nguội của Trung Quốc để so sánh và xác minh việc bán phá giá các sản phẩm này.
Còn theo bà Phạm Châu Giang, mức thuế suất hiện đối với sản phẩm thép nêu trên từ 0-10% là mức trần cam kết thuế suất nhập khẩu ưa đãi (MFN). Do vậy, Việt Nam không thể tiếp tục tăng thuế nhập khẩu thông thường đối với các sản phẩm thép Trung Quốc.
Vì vậy, để bảo vệ lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp sản xuất thép cán nguội không gỉ của Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài Chính và Cục Xuất Nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương theo dõi sát sao động tĩnh của Trung Quốc và đưa ra các kế hoạch ứng phó hiệu quả trong thời gian tới./.