Lo ngại số ca mắc COVID-19 tăng vọt, Thái Lan yêu cầu người dân ở nhà

Tư lệnh Các lực lượng quốc phòng Thái Lan nói rằng người dân Thái Lan phải thay đổi hành vi và ở lại trong nhà trước khi số ca mắc bệnh COVID-19 nhảy vọt và tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 25/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/3, Tư lệnh Các lực lượng quốc phòng Thái Lan, Đại tướng Pornpipat Benyasri hối thúc người dân cả nước ở nhà và ngừng các hoạt động xã hội trong 7 ngày từ cuối tuần này, trong bối cảnh chính phủ đẩy mạnh các nỗ lực nhằm đẩy lùi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Đại tướng Pornpipat nói rằng lệnh giới nghiêm 24 giờ có thể sẽ được ban bố nếu lời kêu gọi hợp tác bị phớt lờ.

[Xót xa hình ảnh quan tài nạn nhân COVID-19 bày la liệt ở nhà thờ Italy]

Theo ông Pornpipat, người dân Thái Lan phải thay đổi hành vi và ở lại trong nhà trước khi số ca mắc bệnh COVID-19 nhảy vọt và tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Hiện Thái Lan vẫn chưa bị phong tỏa hoàn toàn, nhưng nếu số lượng các ca nhiễm tiếp tục tăng, việc đó là điều không thể tránh được.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 25/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 26/3 đến ngày 30/4, cùng 16 biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, trong đó có lệnh cấm người nước ngoài nhập cảnh, cấm tụ tập nơi công cộng, kiểm soát đi lại liên tỉnh, khuyến khích người dân ở nhà..., nhưng chưa áp đặt giới nghiêm.

Lời kêu gọi của Đại tướng Pornpipat được đưa ra sau khi số ca mắc COVID-19 ở Thái Lan đã vượt qua ngưỡng 1.000 bệnh nhân hôm 26/3.

Thái Lan ngày 27/3 ghi nhận thêm 91 ca mắc COVID-19 mới và 1 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm đến nay là 1.136 bệnh nhân và tổng số ca tử vong vì bệnh này là 5 người.

Ông Pornpipat nhận định nếu tình hình được kiểm soát, số ca nhiễm sẽ vào khoảng 2.000 vào tuần tới. Nếu không có hành động cứng rắn và nhanh chóng vào lúc này, ước tính số ca nhiễm sẽ leo lên mức khoảng 7.000-100.000 người.

Tại Indonesia, ông Andre Rahadian, điều phối viên thuộc Lực lượng đặc nhiệm phản ứng nhanh COVID-19, cho biết nước này cần thêm 1.500 bác sỹ, đặc biệt là bác sỹ chuyên khoa về phổi, bác sỹ gây mê và bác sỹ đa khoa, cũng như 2.500 y tá để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Ngoài ra, các bệnh viện cần nhiều nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên hành chính và tài xế xe cứu thương.

Ông Andre đề nghị huy động các sinh viên năm cuối của các trường y để hỗ trợ cho "chiến tuyến thứ hai" trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, cung cấp các tư vấn y tế và sức khỏe thông qua một nền tảng trực tuyến.

Trước đó, Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Nadiem Makarim kêu gọi sinh viên trường y trên cả nước tham gia chương trình tình nguyện của lực lượng đặc nhiệm về COVID-19.

Đến nay, Indonesia xác nhận 893 ca mắc COVID-19, 78 người tử vong và 35 người được chữa khỏi bệnh./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục