Lo ngại nhu cầu yếu, giá dầu châu Á ghi nhận đà đi xuống

Vào lúc 14h theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng Ba giảm 43 xu xuống 81,67 USD/thùng, tương đương mức giảm 0,5%; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 39 xu (0,5%) xuống 76,54 USD/thùng.
Lo ngại nhu cầu yếu, giá dầu châu Á ghi nhận đà đi xuống ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đao Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những lo ngại về nhu cầu yếu trước sự giảm tốc của kinh tế thế giới và đà tăng số ca nhiễm COVID-19 ở Trung Quốc đẩy giá dầu châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều 4/1.

Phiên này, giá dầu Brent giao tháng Ba giảm 43 xu (0,5%) xuống 81,67 USD/thùng; trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 39 xu (0,5%) xuống 76,54 USD/thùng, vào lúc 14h theo giờ Việt Nam.

Trong ngày giao dịch trước đó, cả hai mặt hàng trên đều giảm hơn 4%, trong đó giá dầu Brent ghi nhận mức giảm trong một ngày lớn nhất trong hơn ba tháng, vào ngày 3/1.

Các dấu hiệu cảnh báo về suy thoái kinh tế toàn cầu, sự phục hồi được cho là “mờ nhạt” của Trung Quốc trong bối cảnh đà tăng của dịch bệnh, sức mạnh của đồng bạc xanh của Mỹ cũng như tâm lý bi quan trên thị trường là các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu – theo chuyên gia phân tích thị trường tại IG, Yeap Un Rong.

Trung Quốc cũng chứng kiến dấu hiệu về sự sụt giảm nhu cầu nội địa, khi chính phủ nước này tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế trong năm nay.

Trong khi đó, giữa lo ngại về tình trạng dư cung, Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu - có thể sẽ tiếp tục giảm giá đối với loại dầu thô Arab Light bán cho châu Á trong tháng Hai tới, sau khi giá này được đặt ở mức thấp nhất trong 10 tháng trong tháng Một.

Thị trường vẫn lo ngại về tác động của các yếu tố vĩ mô như sức ép suy giảm kinh tế, theo các chuyên gia tại Haitong Futures.

[Giá dầu tại châu Á phiên 3/1 biến động trong biên độ hẹp]

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo rằng trong bối cảnh các “đầu kéo” chính cho tăng trưởng toàn cầu như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang trong quá trình giảm tốc, phần lớn nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ chứng kiến một năm 2023 không ít khó khăn.

Sau bốn lần tăng lãi suất liên tiếp 75 điểm cơ bản, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản - tương đương với 0,5 điểm phần trăm - trong tháng 12 vừa qua. Các chuyên gia nhận định nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, nền kinh tế sẽ chậm lại và cản trở việc tiêu thụ nhiên liệu.

Hồi cuối tháng 12, chuyên gia chiến lược thị trường Yeap Un Rong tại trung tâm IG nhận định khi bước sang năm 2023, giá dầu “có nhiều cơ hội” để tăng trở lại, nhưng tình hình cụ thể còn phụ thuộc vào tốc độ mở cửa trở lại của Trung Quốc - khi các ca nhiễm COVID-19 gia tăng làm lu mờ hy vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu đối với nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này.

Trung Quốc vẫn đang chịu áp lực nặng nề khi số ca mắc mới COVID-19 tăng vọt. Một số nước trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và Italy đã áp dụng quy định xét nghiệm bắt buộc đối với du khách đến từ Trung Quốc, sau khi nước này dỡ bỏ các chính sách kiểm soát dịch COVID-19.

Các thị trường dầu mỏ gần đây cũng bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác của Mỹ, ở thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cố gắng hạn chế tăng lãi suất trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt.

Hai tuần trước, giá dầu đã được hỗ trợ bởi kế hoạch của Mỹ nhằm mua tới 3 triệu thùng dầu cho Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, sau khi nước này giải phóng lượng dầu kỷ lục 180 triệu thùng từ kho dự trữ này kể từ đầu năm 2022.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cần có những dấu hiệu rõ ràng về nhu cầu ngày càng tăng để giá dầu có thể tăng cao hơn nữa.

Nhà phân tích của OANDA, Edward Moya, cho hay triển vọng nhu cầu dầu sẽ là “chìa khóa” cho diễn biến của giá dầu thô trong tương lai. “Điều đó khó có thể rõ nhận thấy khi chúng ta vẫn đang chứng kiến các tín hiệu hỗn hợp với việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế” - chuyên gia này nhận định.

Chuyên gia Tina Teng tại CMC Markets cho biết sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 đã tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ do khả năng phục hồi kinh tế "không chắc chắn" của Trung Quốc, mặc dù các hạn chế liên quan tới dịch bệnh đã được nới lỏng ở nước này.

Người sáng lập Vanda Insights tại Singapore, Vandana Harri, cho rằng mức tăng “vừa phải” của dầu thô “mang tính thăm dò.” Chuyên gia này cho rằng “áp lực giảm từ những lo ngại về kinh tế toàn cầu sẽ thắng thế."./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục