Lo ngại nguồn cung, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong hai tuần

Giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,60 USD, tương đương 1,8%, lên 91,50 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,66 USD, tương đương 1,9%, lên 88,32 USD/thùng.
Lo ngại nguồn cung, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong hai tuần ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Khartoum, Sudan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới phiên 18/10 tăng khoảng 2% lên mức cao nhất trong hai tuần trong bối cảnh kho dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến và lo ngại về nguồn cung toàn cầu sau khi Iran kêu gọi một lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Israel liên quan đến cuộc xung đột ở Dải Gaza.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 1,60 USD, tương đương 1,8%, lên 91,50 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,66 USD, tương đương 1,9%, lên 88,32 USD/thùng. Trong phiên này, cả hai loại dầu chủ chốt đã có lúc tăng hơn 3 USD/thùng.

[Giá dầu, vàng lập kỷ lục, chứng khoán châu Á chịu sức ép do xung đột]

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết các công ty năng lượng đã rút 4,5 triệu thùng dầu thô khỏi các kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 13/10.

Con số này cao hơn nhiều so với mức giảm 300.000 thùng mà các nhà phân tích dự đoán trong cuộc thăm dò của Reuters. Ngày 17/10, Viện Xăng Dầu Mỹ (API) đã báo cáo mức giảm 4,4 triệu thùng. Đây là lần giảm dự trữ dầu thô thứ tư trong 5 tuần.

Con số này vượt xa mức giảm 1,7 triệu thùng hàng tuần một năm trước đó và so sánh với mức trung bình 5 năm (2018-2022) là 2,5 triệu thùng.

Nguồn cung đã giảm 800.000 thùng tại cơ sở lưu trữ Cushing ở Oklahoma xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu tại cơ sở này.

Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty tài chính Price Futures Group, cho biết giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong phiên sau diễn biến mới nhất tại Gaza.

Một vài nguồn tin khác cho biết Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) không có kế hoạch đưa ra bất kỳ hành động ngay lập tức nào đối với lời kêu gọi của Iran, thành viên OPEC.

Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ dữ liệu chính thức cho thấy kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã tăng nhanh hơn dự kiến trong quý 3/2023.

Tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, doanh số bán lẻ tháng 9/2023 cao hơn dự kiến đã thúc đẩy kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất khác vào cuối năm.

Việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục