Thời gian gần đây nhiều người dân đã chọn mua hàng trên bằng phương thức giao dịch online, đặc biệt là “dân công sở.” Và, trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến vẫn rất phức tạp, nhiều người đã chọn hình thức thanh toán chuyển khoản hoặc cà thẻ... nhằm tránh lây lan virus từ tiền mặt sang người.
Thay đổi thói quen "tiện đâu mua đó"
Có lẽ đường phố Hà Nội chưa bao giờ vắng vẻ như những ngày này. Đặc biệt, từ chiều 25/3, khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tạm thời đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu, số lượng người và xe di chuyển trên nhiều tuyến đường đã giảm mạnh. Vì vậy, lượng người đến mua sắm tại các chợ "cóc," chợ tạm trên địa bàn thành phố đã giảm đáng kể.
Chị Phan Thu Trà (quận Thanh Xuân) tự nhận mình là người cẩn thận trong việc nội trợ, thức ăn cho gia đình hàng ngày phải là tươi sống, không phải hàng cấp đông nên sáng nào cũng đi chợ mua đồ. Nhưng từ khi được khuyến cáo hạn chế ra ngoài nếu không có việc gì cần chị Trà đã lên mạng tìm hiểu về phương thức mua hàng online.
[Ngành ngân hàng giảm cho khách hàng 560 tỷ đồng phí dịch vụ]
Chị Trà cho biết: “Lúc đầu tôi rất sợ mua hàng trên mạng họ sẽ không lấy hàng chuẩn, hàng không tươi cho mình nhưng khi đặt thử tôi thấy rất ưng ý. Cái chính là khi mua hàng trên mạng mình sẽ thanh toán qua tài khoản chứ không phải đưa bằng tiền mặt nữa, vừa tránh phải cầm lại tiền thừa vừa không phải ra cây ATM rút tiền.”
Cũng là một người thay đổi thói quen từ khi dịch COVID-19 xảy ra, chị Nguyễn Minh Thanh (nhân viên một công ty viễn thông tại Hà Nội) là một ví dụ khác. Vì là người đi thuê trọ, công việc lại bận thường xuyên về muộn nên chị Thanh thường ăn uống ở các hàng quán bên ngoài cho tiện lợi. Thế nhưng, từ lúc dịch COVID-19 bùng phát, chị Minh Thanh đã quyết định đặt đồ ăn, thức uống qua các ứng dụng mua hàng trực tuyến.
"Tất cả đều dùng điện thoại từ việc đặt hàng, thanh toán nên tôi ít sử dụng đến tiền mặt. Ngoài ra, tiền thuê nhà trọ tôi cũng thực hiện chuyển khoản cho chủ nhà qua các ứng dụng ngân hàng điện tử để hạn chế tối đa rủi ro lây nhiễm virus từ tiền mặt và người khác," chị Thanh cho hay.
Cũng là một tín đồ mua sắm trên mạng, anh Nguyễn Văn Hùng (Xuân La-Hà Nội) chia sẻ từ lâu gia đình anh hạn chế tiền mặt mua hàng, ngay dưới chung cư nhà anh có siêu thị Vinmart+ nên hai vợ chồng chỉ thanh toán bằng thẻ. Còn những mặt hàng khác thì được đặt mua online trên các trang như tiki, shopee...
“Tôi thấy mua trên mạng vừa tiện lợi không mất thời gian đi lại vừa được khuyến mại nhiều, có những mặt hàng được giảm giá đến hơn 30% so với bán ở bên ngoài. Mặt hàng nào không ưng mình có thể đổi lại. Gia đình tôi kiên quyết không dùng tiền mặt để thanh toán nữa trừ trường hợp bất khả kháng,” anh Hùng cho biết.
Ngân hàng “tung chiêu” kéo khách
Về phía doanh nghiệp, ngay sau khi xuất hiện những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội, các ngân hàng và công ty trung gian thanh toán đã tăng cường giới thiệu các dịch vụ online để hạn chế thanh toán tiền mặt.
Mỗi giao dịch online (tới 15/4), khách hàng đã cùng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) góp 1.000 đồng ủng hộ chống dịch COVID. Toàn bộ số tiền tích lũy BIDV sẽ chuyển ngay tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương-cơ sở Đông Anh; Bệnh viện Bạch Mai và một số tỉnh thành còn gặp nhiều khó khăn trong công tác cách ly, phòng chống dịch. Đây vừa là việc làm thiện nguyện cũng như khuyến khích khách dùng online.
Ngoài ra, ngân hàng này có chính sách tặng 100% phí giao dịch trên BIDV online, BIDV SmartBanking cho khách hàng cá nhân đăng ký mới dịch vụ cùng nhiều hình thức khuyến mãi khác.
Trong khi đó, Ngân hàng Hàng Hải (MSB) ra mắt dòng thẻ MSB Mastercard. Với tấm thẻ này, khách hàng sẽ nhận được nhiều lợi ích từ nay tới ngày 29/7 khi nhà băng MSB hoàn 100% giá trị giao dịch đầu tiên tới 200.000 đồng cho khách hàng mở thẻ và chi tiêu...
Hay như VietinBank, khi khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến trên kênh VietinBank iPay, ứng dụng iPay mobile App hoặc ATM có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên được cộng thêm lãi suất đến 0,3%/năm (mức cộng thêm áp dụng tùy thời điểm và từng kỳ hạn khác nhau) so với trần lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm VND thông thường tại quầy.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng miễn phí toàn bộ trên các kênh cho khách hàng như Techcombank, TPBank, MB, VIB, VPBank, MSB, PVcomBank, Viet Captial Bank, OCB, BaoViet Bank, Hong Leong Bank, SeaBank, Eximbank và UOB thực hiện miễn phí toàn bộ trên tất cả các kênh (chiếm 49,1% lượng giao dịch miễn phí dịch vụ…. Điều này đã làm tăng thêm nhiều các giao dịch online banking, mobile banking.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có trên 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) được giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng.
Điều này cho thấy, khách hàng đã có sự dịch chuyển từ chi tiêu bằng tiền mặt sang sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế những tác động từ COVID-19./.