Thị trường chứng khoán đang nằm trong xu hướng giảm, đó là nhận định chung của các thành viên tham gia trên thị trường chứng khoán.
Diễn biến thực tế, hai phiên đầu tiên của tháng Năm (5/5 và 6/5), hoạt động bán tháo cộng với áp lực giải chấp đã khiến chỉ số VN-Index rơi tự do và đánh mất tới 22,89 điểm đồng thời HNX trượt dốc và giảm tới 3,33 điểm.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình chỉ ra, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, rất nhiều thông tin vĩ mô tích cực đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, song thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục giảm mạnh.
“Việc bán ra mạnh khi thị trường có nhiều thông tin tích cực là sự dịch chuyển có ý nghĩa quan trọng cho việc dự báo xu thế trung hạn. Sự chuyển động giá này đã gây bất ngờ với hầu hết nhà đầu tư song lại là căn cứ đáng tin cậy để nói lên xu thế trong trung hạn sẽ nghiêng về giảm giá,” ông Tuấn nhấn định.
Quan sát diễn biến trong tháng Tư, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một đợt suy giảm mạnh của đại đa số cổ phiếu, kèm theo đó là khối lượng giao dịch trên cả hai sàn niêm yết cũng nhanh chóng suy giảm so với tháng Ba.
Số liệu thống kê từ Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) cho thấy, VN-Index giảm 13,57 điểm trong tháng Tư (-2,29%) chốt tại mức 578 điểm.
Thêm vào đó, khối lượng giao dịch bình quân tháng Tư đã giảm xuống còn 107 triệu đơn vị/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 2.009 tỷ đồng/phiên (giảm tương ứng gần 40% về khối lượng và giảm 35% về giá trị so với tháng Ba).
Theo thống kê từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, trong tháng 4 thị trường cổ phiếu niêm yết diễn ra trong xu thế giằng co mạnh, HNX-Index để mất 9,56 điểm (-10,69%) so với thời điểm cuối tháng Ba, dừng tại mức 79,88 điểm (29/4/2014). Khối lượng giao dịch bình quân đạt 66 triệu đơn vị/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 733 tỷ đồng/phiên (giảm tương ứng 39% về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với tháng trước).
Theo ông Tuấn, khối lượng giao dịch đứng ở mức rất thấp tượng trưng cho hiện tượng giao dịch bị đóng băng, nhiều khả năng thị trường chứng khoán cũng có phản ứng tương tự thị trường Bất động sản với một xu thế giảm giá trong trung hạn.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Tuấn Anh, nhà đầu tư trên sàn SSI cho rằng, thị trường đã kỳ vọng những tín hiệu sáng từ kinh tế vĩ mô (lạm phát được kiềm chế, lãi suất ngân hàng giảm…) và được phản ánh vào đợt tăng trưởng của thị trường trong quý I.
“Xu hướng thị trường nhiều khả năng còn tiếp tục đi xuống và vì thế tôi chỉ giữ lại một vài mã chứng khoán blue-chip cho đầu tư dài hạn, còn lại đã dừng giao dịch và chờ đợi thời điểm thích hợp, cụ thể là những tín hiệu kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc và rõ ràng hơn,” ông Tuấn Anh chia sẻ.
Về quan điểm kỹ thuật, ông Nguyễn Thế Minh, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt dự báo trong ngắn hạn (5-10 ngày tới), chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại vùng giá 560 điểm–565 điểm (đây là khoảng trống giảm giá được hình thành trong phiên giao dịch 7/5) cho cơ hội hồi phục là khá ngắn và việc bắt đáy sẽ tìm ẩn rủi ro cao.
“Bên cạnh lo ngại về hoạt động giải chấp trên thị trường, kết quả lợi nhuận quý I của một số công ty được công bố không tích cực đồng thời việc quỹ ETF Van Eck Vietnam công bố đã bị rút 200.000 chứng chỉ quỹ cũng là các yếu tố khiến nhà đầu tư bán mạnh,” ông Minh phân tích.
Đánh giá xu hướng thị trường trong tháng Năm, ông Tuấn dự báo “ kịch bản của thị trường có thể biến động theo hình chữ V, với sự khởi đầu bằng biểu hiện kéo dài đà giảm điểm mạnh hiện nay và sau đó cũng sẽ xuất hiện một đợt tăng giá trở lại trên diện rộng”./.