Lơ lửng vai trò của Anh trong dự án máy bay chiến đấu thế hệ mới

Việc Anh rời EU mà không có thỏa thuận có thể sẽ dập tắt triển vọng hợp tác Anh-Pháp-Đức trong dự án chung phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới.
Lơ lửng vai trò của Anh trong dự án máy bay chiến đấu thế hệ mới ảnh 1(Nguồn: handelsblatt.com)

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận có thể sẽ dập tắt triển vọng hợp tác Anh-Pháp-Đức trong dự án chung phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới.

Trả lời phỏng vấn tờ Handelsblatt của Đức, người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng và vũ trụ của Airbus, ông Dirk Hoke cho biết việc EU đạt được thỏa thuận với Anh về an ninh, quốc phòng và không gian cùng các mối quan hệ đan xen chặt chẽ giữa châu Âu và Anh là hoàn toàn cần thiết.

Ông nói: "Tôi cho rằng việc phát triển một hệ thống như Chương trình Phát triển máy bay chiến đấu Pháp-Đức (FCAS) mà không có Anh là hết sức nguy hiểm."

Quan chức Airbus nhấn mạnh sự tham gia của Anh sẽ gia tăng số lượng đơn đặt hàng, qua đó khiến các loại máy bay thế hệ mới có tính cạnh tranh hơn.

[Tây Ban Nha cùng Đức, Pháp chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ mới]

Tháng này, Pháp và Đức đã ký thỏa thuận trong vòng 2 năm hỗ trợ tài chính trị giá 65 triệu euro (74 triệu USD) cho hãng Airbus và Dassault Aviation để triển khai dự án thiết kế hệ thống máy bay chiến đấu thế hệ mới có thể đưa vào sử dụng từ năm 2040.

Theo ông Hoke, đã có nhiều cuộc thảo luận về khả năng Tây Ban Nha sẽ tham gia FCAS. Trong khi đó, các cuộc đàm phán Brexit sẽ tác động tới việc Anh có tham gia chương trình này hay không. Một "Brexit cứng" - Brexit không thỏa thuận - đồng nghĩa với việc Anh đứng ngoài FCAS.

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới, song cho tới nay vẫn chưa có một thỏa thuận được cả EU và Quốc hội Anh chấp thuận.

Tình hình này cho thấy nhiều khả năng Anh sẽ rời EU trong rối loạn và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục