"Lò lửa" mới ở Afghanistan đe dọa tới an ninh, ổn định tại khu vực

Bạo lực leo thang giữa chính quyền Afghanistan và lực lượng Taliban không chỉ khiến tiến trình đàm phán hòa bình rơi vào bế tắc mà còn là "lò lửa" làm lây lan bất ổn, khủng bố tại khu vực.
Lực lượng an ninh Afghanistan trong cuộc giao tranh với phiến quân Taliban tại tỉnh Kunduz ngày 19/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình hình Afghanistan đang “nóng” lên từng ngày khi bạo lực gia tăng chưa từng thấy gây thương vong cho dân thường, trong bối cảnh tiến trình đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban rơi vào bế tắc.

Bạo lực leo thang không chỉ khiến Afghanistan đối mặt với "những kịch bản thảm khốc nhất," mà còn đe dọa an ninh và ổn định toàn khu vực Trung Á và Nga.

Song song với tiến trình Mỹ và lực lượng nước ngoài rút quân khỏi Afghanistan, vài tháng nay, Taliban đã triển khai chiến dịch tấn công quy mô lớn nhằm mở rộng phạm vi chiếm giữ các thành phố và thị trấn ở quốc gia này.

Rạng sáng 11/8, Taliban thông báo đã chiếm được thêm 2 thủ phủ tỉnh, trong đó có nơi chỉ cách Kabul 200km, là thành phố Farah thuộc tỉnh cùng tên và thành phố Pul-e-Khumri thuộc tỉnh Baghlan.

Trước đó, Taliban đã chiếm được 6 thủ phủ tỉnh ở miền Bắc Afghanistan trong đợt tấn công chớp nhoáng bắt đầu từ hôm 6/8. Trong số này, Kunduz là mục tiêu quan trọng nhất Taliban giành được kể từ chiến dịch tấn công lớn bắt đầu hồi tháng 5.

Taliban tuyên bố đã kiểm soát được hơn 80% lãnh thổ Afghanistan và mục tiêu của phong trào này là "biến Afghanistan trở lại thành tiểu vương quốc Hồi giáo" như giai đoạn 1996-2001.

Đại diện thường trực của Afghanistan tại Liên hợp quốc Ghulam Isakzai cho biết kể từ giữa tháng 4, Taliban đã tổ chức hơn 5.500 cuộc tấn công tại 31/34 tỉnh của Afghanistan.

Những diễn biến phức tạp này đang đẩy Afghanistan vào vòng xoáy bất ổn. Theo thống kê của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Afghanistan (UNAMA), số thương vong của dân thường 6 tháng đầu năm nay đã tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số thương vong của dân thường trong tháng 5 và tháng 6 cao hơn 4 tháng đầu năm 2021 với 703 người thiệt mạng và 1.609 người bị thương.

Afghanistan cũng đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, với hơn 18,4 triệu người (hơn 1/3 dân số) cần hỗ trợ nhân đạo.

[LHQ cảnh báo tội ác chiến tranh có thể sẽ xảy ra tại Afghanistan]

Việc Mỹ can thiệp vào Afghanistan năm 2001 và lật đổ chế độ Taliban đánh dấu sự hiện diện quân sự lớn đầu tiên của Washington ở khu vực sâu bên trong lục địa Á-Âu.

Trong 20 năm qua, với sự hiện diện của quân đội Mỹ, tầm ảnh hưởng chính trị và ý thức hệ của Mỹ trong khu vực đã gia tăng. Tuy nhiên, 20 năm sau, cùng với việc Mỹ chuẩn bị hoàn tất quá trình rút quân vào ngày 31/8 tới, Afghanistan đang rơi vào tình trạng ngày càng hỗn loạn.

Nhóm cực đoan Al-Qaeda, vốn tổ chức các cuộc tấn công khủng bố trên đất Mỹ ngày 11/9/2001, đã nhanh chóng bị đánh bại, nhưng phong trào Hồi giáo Taliban đang nổi lên như một lực lượng có ảnh hưởng nhất, có thể lật đổ chính quyền ở Kabul do Mỹ hậu thuẫn.

Mối quan ngại lớn hơn nhiều là sự hiện diện ngày càng tăng của các phần tử khủng bố cực đoan thuộc Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Afghanistan, khiến cho quốc gia này trở thành vấn đề nhức nhối đối với các nước láng giềng.

Các tay súng Taliban tại tỉnh Paktia, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Đại diện thường trực của Afghanistan tại Liên hợp quốc Ghulam Isakzai, Taliban hiện sử dụng hơn 10.000 chiến binh nước ngoài từ 20 nhóm, kể cả al-Qaeda. 

Bất ổn tại Afghanistan đặc biệt ảnh hưởng tới các nước láng giềng Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan, cùng với Nga.

Khi Mỹ triển khai quân tới Afghainistan, Washington cần các căn cứ hỗ trợ ở các quốc gia Trung Á lân cận và các tuyến đường hậu cần xuyên Pakistan, Caspi, Nam Kabkaz và Biển Đen, Đông Âu và thậm chí cả Nga.

Trong bối cảnh hiện nay, cuộc xung đột ở Afghanistan có nguy cơ lao thang trầm trọng hơn nữa. Giới chuyên gia có chung nhận định rằng chính phủ Kabul hiện được quốc tế công nhận có thể bị lật đổ, tổ chức Taliban có thể sớm trở lại nắm quyền ở nước này, tạo ra dòng người tị nạn lớn qua biên giới, trong khi các nhóm cực đoan xuyên biên giới như IS, hiện không còn bị kiềm chế, có thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ để phá hoại sự ổn định ở Trung Á.

Có thể nói, đối với các nước Trung Á và Nga, Afghanistan đang trở thành lò lửa gây bất ổn trong khu vực.

Các nước Trung Á và Nga đều lo ngại dòng người tị nạn và hoạt động lật đổ xuyên biên giới của các tổ chức như IS. Ngoài ra, nhiều năm qua, Afghanistan vẫn bị coi như "nguồn cung cấp" ma túy hàng đầu vận chuyển qua Trung Á đến Nga.

Đặc biệt, mối lo ngại lớn nhất là nguy cơ chủ nghĩa khủng bố lan sang các quốc gia Trung Á, khu vực được coi là nằm trong tầm ảnh hưởng của Moskva, và tiếp cận biên giới Nga.

Tuy nhiên, chuyên gia Dimitry Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie tại Moskva, cho rằng Nga và các nước Trung Á không có đủ nguồn lực, lý do hoặc quyết tâm để can thiệp vũ trang vào Afghanistan.

Thực tế, Nga không có lợi ích trực tiếp ở Afghanistan mà chủ yếu là lợi ích về an ninh. Trong khi đó, các nước Trung Á như Uzbekistan và Tajikistan có mối quan hệ mật thiết với những người anh em cùng dân tộc đang sinh sống ở Afghanistan, nên không thể đóng vai trò quân sự trong cuộc xung đột nội bộ Afghanistan và cũng tránh xa điều này.

Nói cách khác, can thiệp quân sự vào Afghanistan lúc này được xem là hành động thiếu sáng suốt. Tuy nhiên, cả các nước Trung Á và Nga vẫn cần chuẩn bị để ngăn lò lửa chiến tranh từ Afghanistan tràn sang, ngăn không cho những kẻ khủng bố, cực đoan hoành hành trong lãnh thổ của minh.

Tới thời điểm này, "lò lửa" ở Afghanistan vẫn chưa tác động đáng kể tới các nước láng giềng, song nhiều khả năng sẽ là một thử thách thực sự đối với chính quyền, quân đội và đường lối đối ngoại của Nga và các nước Trung Á là láng giềng của Afghanistan.

Các nước Trung Á và Nga cũng đã chuẩn bị cho những kịch bản tồi tệ nhất, tích cực phối hợp hành động, bao gồm tổ chức tập trận với những tình huống giả định cụ thể để đẩy lùi nguy cơ xung đột quân sự có thể phát sinh.

Ngày 9/8, tại khu vực thành phố Termez ở biên giới Uzbekistan-Afghanistan đã diễn ra cuộc tập trận Nga-Uzbekistan với sự tham gia của 1.500 quân và kéo dài 5 ngày.

Từ 5-10/8, các cuộc tập trận Nga-Uzbekistan-Tajikistan được tổ chức trên lãnh thổ Tajikistan, với 2.500 người  trong đó có 1.800 lính Nga.

Theo giới quan sát, điều này cho thấy Nga  và các nước Trung Á thực sự lo ngại nguy cơ xuất khẩu chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong trường hợp Taliban nắm quyền ở Afghanistan.

Hiện tại, các nước Trung Á và Nga có nguồn lực đáng kể trong khu vực để vô hiệu hóa các nguy cơ quân sự và các mối đe dọa khủng bố có thể bắt nguồn từ Afghanistan.

Đó là các lực lượng vũ trang của Uzbekistan và Tajikistan, hai nước láng giềng của Afghanistan; các căn cứ quân sự của Nga ở Tajikistan và Kyrgyzstan; Quân khu Trung tâm của Nga ở Yekaterinburg chịu trách nhiệm khu vực biên giới miền Nam; lực lượng vũ trang và cơ sở hạ tầng của Kazakhstan.

Sự phối hợp giữa các lực lượng này được đảm bảo thông qua các cơ chế của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan là các nước thành viên và ở cấp độ song phương là với Uzbekistan. Một mức độ phối hợp cũng cần được thiết lập với Turkmenistan, quốc gia có đường biên giới dài với Afghanistan.

Khu lều tạm dành cho những người bị mất nhà cửa do xung đột tại Balkh , Afghanistan, ngày 31/7/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Afghanistan và tác động có thể xảy ra đối với khu vực là một thử thách lớn đối với CSTO. Tổ chức này cần phải đảm bảo kiểm soát biên giới của Tajikistan và Uzbekistan với Afghanistan, vốn là tuyến phòng thủ đầu tiên của cả Trung Á và Nga.

Tuy nhiên quan trọng hơn các phương tiện quân sự là các tài sản an ninh được sử dụng để ngăn chặn sự xâm nhập của các phần tử cực đoan từ Afghanistan đến Trung Á và từ đó đến Nga; kiểm soát sự lây lan của hệ tư tưởng cực đoan trên lãnh thổ các nước trên; chống buôn bán ma túy, vốn được sử dụng để tài trợ cho các nhóm khủng bố và ngăn chặn các hành động khủng bố…

Tuy nhiên, Nga vẫn đánh giá tình hình tại Afghanistan khó đoán định với nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Điều đó khiến Nga tích cực thể hiện vai trò cũng như các nỗ lực ngoại giao trong cuộc xung đột ở Afghanistan.

Đặc phái viên của tổng thống Nga về vấn đề Afghanistan kiêm Vụ trưởng Vụ Châu Á 2 thuộc Bộ Ngoại giao Nga Zamir Kabulov đã tiến hành hàng loạt cuộc đối thoại với cả đại diện của Chính phủ Afghanistan lẫn phong trào Taliban nhằm thúc đẩy thành lập một chính phủ liên minh lâm thời trong vòng 2-3 năm tới, trong khi tiếp tục đàm phán một thỏa thuận lâu dài.

Moskva cũng đề cao vai trò của nhóm bộ ba mở rộng - gồm Nga, Trung Quốc và Pakistan cộng với Mỹ - trong các cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình ở Afghanistan. Nga và các nước Trung Á cũng thúc đẩy vai trò của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), tổ chức có Nga và 4 trong số 5 quốc gia Trung Á (trừ Turkmenistan) là thành viên, thông qua việc khởi động cuộc họp đặc biệt đầu tiên của Nhóm liên lạc SCO-Afghanistan (được thành lập năm 2005) ở cấp ngoại trưởng tại Dushanbe.

Giới phân tích đánh giá SCO nói chung đang tìm cách biến vai trò "người điều phối" của mình trở thành cơ chế chính để giải quyết vấn đề Afghanistan, khi mà 6 quốc gia thành viên SCO là láng giềng của Afghanistan.

Bất kể lợi ích ra sao, mục tiêu chiến lược trước hết của Nga và các nước Trung Á vẫn là kiềm chế những mối đe dọa khủng bố trong khu vực vốn có thể bắt nguồn từ "lò lửa" Afghanistan, thúc đẩy sự ổn định lâu dài cho nước này bởi đây là yếu tố quan trọng bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục