Tại Hà Nội, những ngày gần đây xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với môtô, xe máy.
Qua tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân do tâm lý lo lắng bị xử phạt khi từ ngày 15/5-14/6, lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước đồng loạt ra quân, tổng kiểm tra các phương tiện giao thông đường bộ chứ không phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực về bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi tai nạn giao thông xảy ra.
Những ngày trước đây, anh Trần Hiền Nhân ở Gia Lâm (Hà Nội) thường mang bảo hiểm ôtô, xe máy đi bán dạo ở quanh vùng.
[Tổng kiểm soát phương tiện giao thông, phát hiện hàng loạt vi phạm]
Để thu hút chú ý của mọi người, anh treo trên xe một chiếc loa nén phát thông tin suốt dọc đường; phía sau xe còn có thêm tấm biển kích cỡ 50x50 ghi thông tin, mệnh giá của một số loại bảo hiểm xe ôtô, xe máy.
Thế nhưng cả tuần nay, anh Nhân không phải đi rao bán như trước mà chỉ ngồi ở cửa nhà là có khá đông người dân đến hỏi mua bảo hiểm xe máy.
"Đối tượng mua bảo hiểm xe máy thường là công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn. Trước đây mỗi ngày tôi chỉ bán được chục chiếc bảo hiểm thì nay, lượng bán ra lớn gấp 3 lần. Giá của mỗi bảo hiểm xe máy là 35.000 đồng," anh Nhân chia sẻ.
Bên cạnh những đại lý tại gia như anh Nhân thì dọc các tuyến đường phố lớn có lượng phương tiện tham gia đông trên địa bàn Thủ đô cũng xuất hiện lên nhiều điểm bán bảo hiểm môtô, xe gắn máy di động, sẵn sàng phục vụ người dân mua bảo hiểm nếu có nhu cầu.
Việc mua bán bảo hiểm diễn ra nhanh gọn, chỉ trong vòng có 10 phút là xong một "hợp đồng."
Người mua chỉ cần thông tin biển số xe cho người bán điền vào mẫu in sẵn trên mỗi tờ bảo hiểm.
Không chỉ tại các đại lý của các hãng bảo hiểm, trên mạng xã hội cũng có nhiều người đăng thông tin bán bảo hiểm xe môtô, thu hút khá đông người mua.
Tại điểm bán bảo hiểm của Pjico trên đường Trần Hưng Đạo vào sáng 18/5, có khá nhiều người đến mua bảo hiểm cho những chiếc xe máy của mình.
Anh Nguyễn Văn Long ở quận Hai Bà Trưng cho hay cả hai chiếc xe gắn máy nhà anh đều đã hết hạn bảo hiểm mấy năm nay, bây giờ phải mua lại bảo hiểm.
Theo anh Long, mức phạt đối với ôtô, xe máy không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc được quy định trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể, Điều 21 quy định phạt tiền 100.000-200.000 đồng đối với người điều khiển môtô, xe máy, các loại xe tương tự môtô và các loại xe tương tự xe máy không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
Đối với người điều khiển ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự ôtô không có bảo hiểm sẽ bị phạt tiền 400.000-600.000 đồng.
Đó cũng là lý do mà theo anh Long, mấy ngày qua người dân đổ xô đi mua bảo hiểm xe cơ giới để "phòng" trường hợp bị dừng phương tiện để kiểm tra, trong đó nhiều nhất là bảo hiểm đối với môtô, xe gắn máy.
"Cảnh sát giao thông xử phạt về hành vi không có bảo hiểm xe máy khá nhiều nên từ khi biết thông tin có đợt tổng kiểm tra phương tiện, Cảnh sát giao thông có thể dừng bất kỳ xe nào để kiểm tra hành chính nên tôi phải đi mua cho đầy đủ, nhỡ bị kiểm tra, bị phạt thì bằng mấy giá trị của việc mua bảo hiểm," anh Long chia sẻ.
Cầm trên tay bảo hiểm trách nhiệm xe máy, anh Hồ Viết Thắng ở Khu tập thể Thành Công (Ba Đình) bộc bạch đã mua bảo hiểm cho xe trên 50cc có giá 66.000 đồng/năm (bao gồm VAT) để đối phó với Cảnh sát giao thông chứ thực chất chả bao giờ nghĩ đến việc sử dụng khi xảy ra tai nạn.
Cách đây 2 năm anh bị một thanh niên là lao động tự do quê ở Thanh Hóa đi xe máy đâm phải khi đang trên đường đi làm về nhà. Bị thương khá nặng ở mắt, mặc dù có bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy nhưng anh cũng không được đền bù, tuy người gây tai nạn không tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ, đi ngược chiều.
Qua tìm hiểu tại một số nhà cung cấp bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với ôtô, xe máy được biết sản phẩm bảo hiểm xe máy có 4 loại, là bảo hiểm trách nhiệm dân sự; bảo hiểm vật chất xe; bảo hiểm mất cắp; bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Trong đó bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bắt buộc, nếu không có sẽ bị xử phạt theo quy định tại Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính.
Theo quy định của pháp luật, bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy, sẽ không bồi thường trực tiếp cho chủ xe nếu xảy ra tai nạn mà bồi thường thay chủ xe (trong trường hợp chẳng may gây ra tai nạn) một khoản tiền cho nạn nhân, được gọi là bên thứ ba.
Tuy nhiên, nạn nhân (bên thứ ba) phải không nằm trong diện loại trừ bảo hiểm (không có giấy phép lái xe, vi phạm giao thông, có nồng độ cồn...) mới được bảo hiểm bồi thường.
Nếu không vi phạm các quy định trên, trong vòng 5 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn thì người gây tai nạn phải gửi thông báo bằng văn bản đến doanh nghiệp bảo hiểm kèm theo các tài liệu sau để yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của xe cơ giới gồm tài liệu liên quan đến xe, lái xe; các giấy tờ chứng minh thiệt hại về người và tài sản; tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn.
Mức đền bù trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản do xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh gây ra và các loại xe tương tự, có mức đền bù là 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
Theo một Thiếu tá Cảnh sát Giao thông Đội 1 - Công an Hà Nội với loại bảo hiểm đang được bán giá rất rẻ, từ 10.000-20.000 đồng/năm, đó là bảo hiểm tự nguyện dành cho việc bồi thường thiệt hại cho người ngồi phía sau người lái, không có giá trị thay thế bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Đây là loại bảo hiểm hợp pháp nhưng không bắt buộc phải có.
Người lái xe có loại bảo hiểm này vẫn bị Cảnh sát giao thông xử phạt nếu không có bảo hiểm bắt buộc. Do vậy, nếu không tìm hiểu kỹ, người dân vẫn mất tiền mua bảo hiểm mà vẫn bị phạt về hành vi không mang hoặc không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Qua kiểm tra trên đường cho thấy nhiều người đã mua nhầm bảo hiểm tự nguyện với động cơ để đối phó chứ không xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi của mình hoặc người bị hại trong vụ tai nạn giao thông.
Lý giải về tình trạng người đi xe máy ít quan tâm đến các loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi tham gia giao thông, đại diện Văn phòng Luật sư Hà Lan và cộng sự cho hay, câu chuyện mua bảo hiểm xe máy không có ý nghĩa "bảo hiểm" mà chỉ có tác dụng đối phó khi bị kiểm tra đã được dư luận lên tiếng từ lâu nhưng lại rộ lên trong các đợt lực lượng Công an ra quân kiểm tra, xuất phát từ việc thiếu hiểu biết của người mua.
Trong khi đó, các công ty bán bảo hiểm chỉ tập trung bán bảo hiểm mà không có các hoạt động cung cấp thông tin cho khách hàng về các điều khoản bảo hiểm, làm sao để người mua được hưởng khi rủi ro xảy ra.
Về phía chủ xe máy, do số tiền bỏ ra không quá lớn nên họ mua xong bỏ ví mà không chủ động tìm hiểu dẫn đến bị mất quyền lợi.
Theo vị luật sư này, để người dân hiểu được giá trị nhân văn của bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với ôtô và xe máy, cơ quan quản lý cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu sự cần thiết của bảo hiểm trách nhiệm dân sự để đồng thuận thực hiện chứ không kiểu mua đối phó như hiện nay, có bị tai nạn cũng không làm thủ tục để được bồi thường, dẫn đến thiệt đơn thiệt kép./.