"Lỗ hổng" trong cuộc chiến chống khủng bố của Indonesia

Theo luật chống khủng bố hiện tại, chính quyền Indonesia không thể bắt giữ những người bị trục xuất trừ khi có bằng chứng xác thực về sự tham gia của họ vào mạng lưới khủng bố.
"Lỗ hổng" trong cuộc chiến chống khủng bố của Indonesia ảnh 1Cảnh sát Indonesia triển khai tại Jakarta, ngày 6/6. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các vụ tấn công đánh bom liên hoàn tại các nhà thờ ở thành phố cảng Surabaya, thuộc đảo Java, Indonesia vào sáng 13/5 làm 13 người chết và 43 người khác bị thương được coi là vụ việc đẫm máu nhất ở quốc gia Đông Nam Á này kể từ năm 2009.

Những kẻ tấn công là thành viên trong một gia đình có liên hệ với nhóm cực đoan Jamaah Anshar Daula (JAD), nhóm này có liên hệ với mạng lưới Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tư lệnh cảnh sát quốc gia Indonesia, ông Tito Karnavian cho rằng gia đình này đã từng ở Syria nhưng vài giờ sau đó đính chính lại rằng họ không đến Syria.

Ông nói thêm rằng người cha Diata Oeprianto đã liên lạc với một gia đình bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vì bị cáo buộc có ý định gia nhập các nhóm cực đoan ở Syria.

Ông Tito Karnavian khẳng định rằng chính gia đình bị trục xuất này đã tuyên truyền tư tưởng cực đoan cho Diata Oeprianto và gia đình anh ta.

Những tuyên bố mâu thuẫn cho thấy công tác chống khủng bố và giám sát những nghi can khủng bố của Indonesia đang có rất nhiều lỗ hổng.

Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Tito Karnavian cho biết có hơn 1.100 người Indonesia đã di cư đến Syria.

Trong số đó, 500 người hiện vẫn còn ở Syria, 103 người đã thiệt mạng và khoảng 500 người đã trở về Indonesia.

Cuộc tấn công khủng bố đầu tiên do một người trở về từ Syria nhằm vào trụ sở cảnh sát ở Bắc Sumatra đã xảy ra vào ngày 25/6/2017.

Kẻ khủng bố đã đâm chết một sỹ quan cảnh sát tại trụ sở cảnh sát tỉnh ở Medan. Kẻ này đã đến Syria năm 2013 và ở đó khoảng 6 tháng.

Cũng theo ông Tito, trong năm 2017, 226 người Indonesai bị trục xuất khỏi Syria đã tham gia các chương trình cải huấn nhận thức.

Theo luật chống khủng bố hiện tại, chính quyền Indonesia không thể bắt giữ những người bị trục xuất trừ khi có bằng chứng xác thực về sự tham gia của họ vào mạng lưới khủng bố.

[Lý do nền công nghiệp quốc phòng Indonesia chuyển mình chậm chạp]

Giám sát những kẻ tình nghi là một trong những khâu quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên các nhà chức trách Indonesia đang gặp rất nhiều khó khăn khi theo dõi những đối tượng bị trục xuất trở về vì họ thường xuyên di chuyển từ nơi này qua nơi khác để tránh bị phát hiện.

Việc ngăn chặn những người muốn đến Syria là vấn đề khó hơn do họ không đến Syria trực tiếp vì không có tuyến đường trực tiếp đi từ Indonesia sang quốc gia Trung Đông này.

Họ thường đi qua rất nhiều nước trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ - điểm trung chuyển chính trước khi băng qua biên giới Syria.

Những người có ý muốn gia nhập lực lượng hồi giáo cực đoan IS rất dễ dàng tìm kiếm thông tin, thủ tục đi du lịch nước ngoài trên mạng Internet… và đây là một vấn đề vô cùng khó đối với cơ quan cảnh sát Indonesia khi xác định họ xuất cảnh vì mục đích gì.

Việc cấp hộ chiếu và thị thực dễ dàng ở Indonesia cũng làm cho những người có tư tưởng cực đoan không khó để đi ra nước ngoài.

Để xin cấp hộ chiếu, họ chỉ cần chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh, hộ khẩu gia đình.

Do nạn hối lộ và tham nhũng thường xảy ra trong các cơ quan cấp giấy phép mà việc cấp chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu gia đình trở nên đơn giản.

Những đối tượng xin cấp hộ chiếu dễ dàng thay đổi thông tin mà vẫn qua mặt được các nhà chức trách.

Một lỗ hổng nữa trong công tác chống khủng bố của Indonesia đó là tính kém hiệu quả của các chương trình tái hòa nhập cộng đồng dành cho những người bị trục xuất trở về.

Những người sau khi bị trục xuất trở về Indonesia sẽ phải tham gia chương trình tái hòa nhập cộng đồng trong vòng một tháng tại các trung tâm giáo dục ở Bamb Apus do Bộ Xã hội tổ chức.

Một tháng là quãng thời gian quá ngắn để họ có thể xóa bỏ hết các tư tưởng cực đoan đã bị tiêm nhiễm lâu ở nước ngoài.

Nhưng chính phủ Indonesia lại không có sự lựa chọn nào khác vì nếu kéo dài hơn 1 tháng thì các trung tâm giáo dục hòa nhập không đủ chỗ cho những người bị trục xuất trở về.

Một điểm nữa là sự phối hợp giữa chính phủ và các tổ chức xã hội không chặt chẽ nên không lôi kéo được sự tham gia nhiệt tình của những người trở về trong công tác tái hòa nhập. Họ tham gia cho hoàn thành thủ tục theo kiểu “làm cho xong” để sớm được về với gia đình.

Thực tế cho thấy vụ tấn công bằng bom ở Surabaya không phải là vụ duy nhất liên quan đến những người đã từng tham gia các khóa huấn luyện hòa nhập cộng đồng nhưng vẫn còn tư tưởng cực đoan.

Đối tượng Anggi Indah Kusuma (bí danh Khanza Syafiyah Al Furqon), một người di cư đã bị trục xuất khỏi Hong Kong vào tháng 3/2017 sau khi đăng tải một đoạn video của mình cam kết trung thành với IS.

Anggi Indah Kusuma đã từng tham gia một khóa học tái hòa nhập cộng đồng và được trở về sống với cha mẹ tại Klaten, Trung Java.

Một vài tuần sau đó, đối tượng này rời nhà và cưới một người đàn ông mà cô ta quen trong nhóm khủng bố qua ứng dụng Telegram.

Cô ta chuyển đến sống ở Bandung rồi bị bắt vì đã lên kế hoạch tấn công vào một nhà máy sản xuất vũ khí của Indonesia, Phủ Tổng thống Indonesia và nhà tù Mako Brimob.

Nhiều chuyên gia đã kêu gọi các nhà chức trách Indonesia phải ban hành một luật chống khủng bố toàn diện hiệu quả hơn để áp dụng những biện pháp phòng ngừa hiệu quả, kịp thời xử lý đối với những người bị trục xuất trở về Indonesia.

Và điều quan trọng hơn là tạo ra chuỗi các hoạt động phối hợp rõ ràng giữa các cơ quan hữu quan của Indonesia liên quan đến công tác chống khủng bố.

Chính phủ cũng phải tham gia sâu hơn nữa vào bộ máy an ninh ở các cấp thấp hơn để thực hiện một chiến lược chống khủng bố trong phạm vi toàn cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục