Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội tồn tại hơn 55% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Vì vậy, việc quản lý giết mổ, quản lý vận chuyển, kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật tươi sống còn hạn chế.
Phần lớn động vật đưa vào giết mổ chưa kiểm soát được tận gốc; trong khi đó, an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề được xã hội quan tâm, các nhà quản lý đau đầu.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, ước tính mỗi ngày, sản lượng thịt tiêu thụ trung bình của người dân Thủ đô khoảng 872,2 tấn/ngày; trong đó, thịt trâu bò 100 tấn/ngày, thịt lợn trên 570 tấn/ngày, thịt gia cầm trên 200 tấn/ngày.
Theo số liệu trên, thịt lợn vẫn là nguồn thực phẩm chủ yếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân Thủ đô. Trong khi đó, các cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp của Hà Nội hoạt động cầm chừng hoặc đã ngừng giết mổ.
Nguyên nhân là do đầu ra không ổn định, thiếu sự liên kết giữa chăn nuôi, giết mổ và chế biến. Giá thành, chi phí giết mổ cao chưa thu hút được các hộ chăn nuôi tham gia vào quy trình giết mổ tập trung.
Hiện nay, Hà Nội vẫn còn tồn tại khoảng hơn 2.400 điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, với sản lượng giết mổ khoảng 396 tấn thịt/ngày (chiếm tỷ lệ 55,3%).
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thú Y Hà Nội, cho biết các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư, hoạt động đa dạng dưới nhiều hình thức như: giết mổ tại nhà, tại hộ chăn nuôi, một số cơ sở không có địa điểm cố định, hoạt động theo mùa vụ.
Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thường không đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nguồn nước thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt tại các hộ xung quanh.
Tại phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), nơi được coi là điểm tập trung lò giết mổ tự phát cung cấp thịt và phụ phẩm cho thành phố Hà Nội, một chủ lò mổ cho biết, mỗi ngày giết mổ gần 20 con lợn cung cấp cho các tiểu thương khu vực như Mỹ Đình, Thanh Xuân Bắc, Cầu Giấy…
Tại lò mổ, lợn sống được tập kết ngay tại khu vực giết mổ. Chủ lò cùng với 3 người nữa đi ủng, tay cầm dao thoăn thoắt từ chọc tiết, làm lông đến pha thịt, tất cả được thực hiện dưới nền nhà ximăng.
Thịt lợn sau khi được giết mổ, “pha” từng miếng và cả lục phủ ngũ tạng cũng vứt luôn trên nền nhà. Khách lấy phụ phẩm quen đến nhặt từng bộ lòng trong đống rác thải, chỉ cần dội qua nước là thành sản phẩm sạch.
Từ thực trạng trên, Hà Nội phấn đấu giai đoạn 2016-2020 sẽ đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm xuống còn 30% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp hoạt động hiệu quả.
Thực tế những năm qua nhờ có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã giúp cho một số cơ sở giết mổ công nghiệp và bán công nghiệp hoạt động rất có hiệu quả.
Cơ sở giết mổ Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội) từ 1.500 con lợn/ngày nâng lên 1.700 con/ngày vào thời gian cao điểm lên tới 2.000 đến 2.200 con/ngày.
Cơ sở giết mổ gia cầm Lan Vinh (Gia Lâm-Hà Nội) nâng sản lượng giết mổ từ 700 đến 3.000 con/ngày. Cơ sở giết mổ gia cầm Luyện Hà (Gia Lâm-Hà Nội) sản lượng giết mổ từ 300 lên tới 900 con/ngày. Các cơ sở này phát triển giúp nhiều địa phương giảm tối đa giết mổ nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung thực hiện tốt việc Quy hoạch quỹ đất phục vụ hoạt động giết mổ phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.
Hiện, thành phố có quyết định về quy hoạch giết mổ cho các địa phương (tại Quyết định 5791/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của Ủy ban Nhân dân Thành phố). Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo để quyết định có tính khả thi. Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cơ sở tập trung giết mổ sẽ là bước chuyển biến tích cực trong việc quản lý có hiệu quả hoạt động giết mổ, giảm số hộ giết mổ nhỏ lẻ đã tồn tại nhiều năm qua trên địa bàn.
Ngoài ra, Hà Nội nhân rộng mô hình tập trung giết mổ gia súc, gia cầm đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn như cơ sở giết mổ Vạn Phúc là một điển hình.
Sự hình thành các cơ sở tập trung giết mổ trên địa bàn thành phố nói chung sẽ quy tụ các điểm giết mổ ở gần nhau (trong một huyện hoặc một cụm xã) vào một cơ sở để giảm bớt số lượng cơ sở phải kiểm soát giết mổ ở các địa phương.
Vì vậy, hoạt động kiểm soát giết mổ cũng thuận lợi hơn; các cơ sở tập trung giết mổ có quy mô đủ lớn, đủ năng lực thực hiện quy định về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm sẽ là nơi các hộ giết mổ nhỏ lẻ thực hiện hoạt động giết mổ được kiểm soát thay thế các điểm giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm tại mỗi gia đình - nơi mà hoạt động giết mổ của họ không được kiểm soát./.