Lộ diện người đầu tiên phẫu thuật ghép đầu trên thế giới

Một người đàn ông ở Nga, đang mang trong mình căn bệnh suy thoái cơ đặc biệt, sẽ trở thành người đầu tiên được phẫu thuật ghép đầu, sau khi tình nguyện tham gia hoạt động đầy rủi ro này.
Spindonov đã tình nguyện tham gia ca phẫu thuật ghép đầu (Nguồn: News.com.au)

Một người đàn ông ở Nga, đang mang trong mình căn bệnh suy thoái cơ hiếm gặp, sẽ trở thành người đầu tiên được phẫu thuật ghép đầu, sau khi tình nguyện tham gia hoạt động đầy rủi ro này.

Ca phẫu thuật có một không hai

Valery Spiridonov, 30 tuổi, đã chủ động liên lạc với bác sĩ phẫu thuật Sergio Canavero để tham gia cuộc phẫu thuật, trong đó đầu bệnh nhân sẽ bị cắt rời để ghép với một thân thể khỏe mạnh. Cuộc phẫu thuật có thể diễn ra sớm nhất là vào năm tới. Bác sĩ Canavero khẳng định các kỹ thuật cần thiết giúp hoạt động ghép đầu thành công đều đã tồn tại.

Spiridonav, một nhà khoa học máy tính tới từ Nga, đã mắc cứng thoái hóa cơ hiếm gặp Werdnig-Hoffman. Người đàn ông 30 tuổi này cho tờ Daily Mail biết rằng anh muốn thử vận may trước khi qua đời.

"Bạn phải hiểu rằng tôi không thực sự có nhiều sự lựa chọn" - anh nói với tờ báo - "Nếu không thử cơ hội này, số phận của tôi sẽ rất buồn thảm. Với mỗi năm trôi qua, tình hình của tôi lại thêm tồi tệ hơn."

"Tôi hiểu rằng những cuộc phẫu thuật đó có nhiều rủi ro. Tôi sợ rằng sẽ không sống đủ lâu để thấy người khác tiến hành cuộc phẫu thuật tương tự" - anh chia sẻ tiếp.

Cuộc phẫu thuật dài 36 tiếng đồng hồ gồm việc cắt đầu cả bệnh nhân lẫn người hiến tặng, tách rời nó khỏi cột sống. Các hoạt động này sẽ diễn ra song song, trong cùng một thời điểm. Các bác sĩ sẽ sử dụng một con dao siêu sắc để có một đường cắt thật sạch.

Tiếp đó đầu của bệnh nhân sẽ được đưa sang cơ thể của người hiến tặng và được gắn vào đó bằng chất polyethylene glycol. Chất này có tác dụng kết nối phần đầu của bệnh nhân và cột sống trên cơ thể hiến thắng.

Cuối cùng các bác sĩ sẽ khâu cơ và mạch máu. Bệnh nhân sẽ được đưa vào tình trạng hôn mê trong khoảng 4 giờ để không thể gây ra bất kỳ chuyển động nào, trong khi phần đầu và cơ thể mới dần kết nối với nhau.

Khi tỉnh giấc, bệnh nhân sẽ có thể điều khiển cơ thể mới, cảm nhận được gương mặt và thậm chí nói với giọng ban đầu. Bệnh nhân sẽ phải sử dụng các loại thuốc chống đào thải mạnh để phần đầu và cơ thể hiến tặng chịu sống chung với nhau.

"Kinh khủng hơn cả cái chết"

Các nhà phê bình đã lập tức lên án Canavero, nói rằng ông đơn giản hóa quá mức những khó khăn trong việc kết nối cột sống. Nhà phê bình Arthur Caplan ở Đại học New York thậm chí còn cho rằng nếu còn sống sau phẫu thuật, Spiridonav có thể bị điên vì rối loạn hoạt động của các hóa chất trong cơ thể.

Bác sĩ Hunt Batjer, Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thần kinh ở Mỹ, nói với CNN: "Tôi không mong việc này xảy ra với bất kỳ ai. (Nếu là bệnh nhân) tôi cũng sẽ không cho phép bất kỳ ai tiến hành phẫu thuật kiểu này với mình, bởi có rất nhiều thứ còn tồi tệ hơn cả cái chết" - ông nói.

Được biết trước đây các nhà khoa học đã từng thử tiến hành phẫu thuật cấy ghép đầu. Cụ thể, nhà khoa học Vladimir Demikhov của Liên Xô từng tiến hành phẫu thuật ghép đầu các chú chó tại Cộng hòa Dân chủ Đức trong năm 1959.

Ca phẫu thuật ghép đầu chó tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1959 (Nguồn: IBTimes)

Năm 1970, một nhóm nghiên cứu do Robert White lãnh đạo đã có thể cấy ghép đầu một con khỉ lên cơ thể một con khác ở Trường y Đại học Case Western Reserve tại Cleveland, Ohio.

Lần đó, con khỉ không thể cử động do cột sống chưa được kết nối. Sau cuộc phẫu thuật, nó đã sống được 9 ngày, cho tới khi hệ miễn nhiễm của cơ thể hiến tặng đào thải cái đầu.

Mặc dù có ít ca phẫu thuật cấy ghép đầu được tiến hành sau đó, nhiều công nghệ phẫu thuật có liên quan đã phát triển rất mạnh. Nếu Canavero thành công, phương thức điều trị đặc biệt của ông sẽ mang hy vọng với cho những người bị liệt hoặc bị tật nguyền hành hạ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục