Lo chìm tàu: Quảng Ninh đề nghị “tuổi về hưu” cho tàu du lịch

Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xem xét giảm niên hạn sử dụng đối với tàu du lịch của địa phương vì nỗi lo chìm tàu.
Lo chìm tàu: Quảng Ninh đề nghị “tuổi về hưu” cho tàu du lịch ảnh 1Đội tàu du lịch chuyên chở khách tham quan trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Hàng loạt các vụ chìm, đắm tàu du lịch tại tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua đã lộ ra những bất cập về an toàn giao thông đường thủy, điều kiện quy định niên hạn hoạt động của loại phương tiện này.

Ngoài việc nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện an toàn kỹ thuật khác, Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xem xét giảm niên hạn sử dụng đối với tàu du lịch của địa phương so với quy định chung nhằm hạn chế tối đa sự cố, tai nạn của tàu du lịch gây thiệt hại về người và tài sản đồng thời giúp đẩy nhanh lộ trình thay thế những tàu cũ, vỏ gỗ, chất lượng thấp bằng tàu vỏ thép hiện đại, an toàn hơn là hết sức cần thiết và cấp bách.

Tàu chìm chủ yếu trên 10 năm

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, đến nay, đội tàu du lịch đã phát triển lên tới 533 chiếc (gồm 331 tàu tham quan, 202 tàu lưu trú với trọng tải trung bình 48 khách/tàu), thực hiện vận chuyến gần 100.000 chuyến/năm với trên 2,5 triệu khách/năm. Những ngày cao điểm có thể lên tới 900 chuyến/ngày.

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành và áp dụng một số quy định tạm thời hợp phù với điều kiện đặc thù của vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long nhằm quản lý tốt hoạt động của đội tàu du lịch, trong đó đặc biệt trú trọng nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của tàu du lịch như nâng hệ số an toàn về ổn định, trang bị hệ thống báo cháy tự động, thiết bị giám sát hành trình GPS, bổ sung trang bị cứu sinh... cao hơn tiêu chuẩn chung đối với tàu du lịch. Nhờ đó, những năm gần đây số vụ tai nạn, sự cố của tàu du lịch do lỗi kỹ thuật đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, đội tàu du lịch đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập mang tính đặc thù riêng đó là hoạt động giao thông đường thủy luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra mất an toàn; trong điều kiện thời tiết cực đoan, phức tạp, không theo quy luật hiện nay như mưa giông lốc bất thường (đã có phương tiện đắm, chìm do giông, lốc bất ngờ); luồng đường thủy nội địa phục vụ tàu du lịch đan xen, giao cắt nhiều với luồng đường thủy nội địa quốc gia, luồng hàng hải với nhiều phương tiện, tàu biển vận tải hàng hóa hoạt động; địa hình khu vực có hệ thống núi đá dày đặc, ảnh hưởng đến tầm nhìn của thuyền trưởng khi vận hành phương tiện...

Trong khi đó, đội tàu du lịch thường hoạt động liên tục với cường độ cao trong môi trường nước biển có độ mặn cao, có lưu tốc dòng chảy lớn. Những tàu du lịch có thời gian hoạt động lâu năm (trên 10 năm) sẽ bị suy giảm nhiều khả năng chịu va đập, chống chìm, nhất là tàu vỏ gỗ.

Qua theo dõi thực tế, các chủ tàu đều phải đưa tàu lên đà sửa chữa, thay thế thiết bị hằng năm; trong đó 5 năm phải trung, đại tu vỏ, hệ thống động lực; từ 10 năm trở lên đều phải thay thế tàu mới hoặc hoán cải, đại tu gần như thay mới, nhất là tàu vỏ gỗ.

Thực tế trong bảy năm qua, trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đã xảy ra 10 vụ cháy (chủ yếu do chập diện) và 11 vụ đắm tàu du lịch, làm 17 người thiệt mạng (năm 2011 tàu Trường Hải bị đắm gây thiệt mạng cho 12 khách du lịch, trong đó có 11 khách du lịch quốc tế), ảnh hưởng lớn tới uy tín, thương hiệu du lịch vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, trong đó, đa số các tai nạn, sự cố trên xảy ra đối với các tàu vỏ gỗ hoạt động từ 10 năm trở lên với khả năng chống cháy, chống chìm, chịu va đập thấp hơn so với tàu vỏ thép.

[Tàu du lịch tự chìm tại cảng Tuần Châu đã bị dừng hoạt động]

Ngoài ra, quá trình hoạt động dịch vụ lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh bằng tàu du lịch lưu trú đã bộc lộ một số bất cập trong công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như việc kiểm soát hoạt động của tàu, công tác đảm bảo an ninh trật tự, công tác cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra vào ban đêm rất khó khăn, nhất là khi có giông gió bất ngờ...

Lộ trình cho tàu du lịch “về hưu”

Với đặc thù về thời tiết, địa hình, luồng tuyến và điều kiện hoạt động khắc nghiệt, đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho rằng, đội tàu này đủ điều kiện để áp dụng đối với “trường hợp đặc biệt” theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Nghị định số 111/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ có quy định: “Trong một sổ trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định niên hạn hoạt động của phương tiện thủy nội địa theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải”.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đề nghị quy định niên hạn hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long về thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đối với tàu du lịch vỏ gỗ là 15 năm; đối với tàu du lịch vỏ thép là 25 năm (áp dụng chung cho cả tàu du lịch tham quan, tàu du lịch lưu trú).

Về lộ trình áp dụng, đối với tàu du lịch hết thời hạn hoạt động trước ngày 31/12/2017 thì được phép hoạt động thêm một năm kể từ ngày hết niên hạn sử dụng. Đối với tàu du lịch hết thời hạn hoạt động sau ngày 31/12/2017 sẽ không được gia hạn hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.

Lo chìm tàu: Quảng Ninh đề nghị “tuổi về hưu” cho tàu du lịch ảnh 2Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Quảng Ninh khẩn trương phun nước dập đám cháy lớn đang bùng phát dữ dội trên tàu du lịch QN 6299. (Nguồn: TTXVN)

Để tiếp tục khắc phục tồn tại, bất cập trên, tập trung nâng cao chất lượng đội tàu hoạt động du lịch, thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng và quản lý đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long như nâng cao chất lượng đội tàu du lịch, thông qua giải pháp xây dựng cơ chế, chính sách, lộ trình dần thay thế tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép; tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo nâng cao ý thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thuyền viên, gắn trách nhiệm quản lý của chủ tàu.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ thành lập Trung tâm điều hành tàu du lịch của tỉnh, sắp xếp tàu xếp hàng đón, trả khách khoa học, trật tự để nâng hiệu suất khai thác, giảm số lượng tàu hoạt động trên vịnh; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát hoạt động của tàu du lịch chặt chẽ hơn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống cảng, bến, luồng, tuyến du lịch; kiểm tra toàn diện về các điều kiện an toàn, chất lượng dịch vụ đối với đội tàu du lịch định kỳ hàng năm theo quy định của tỉnh; củng cố phương án cứu hộ, cứu nạn trên vịnh Hạ Long, tập huấn thực hiện phương án cứu nạn, cứu hộ tại chỗ đối với các tàu du lịch.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục