Bộ trưởng Năng lượng Litva, Rokas Musiulis ngày 2/8 đã kêu gọi không đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân của Belarus ở gần biên giới với Litva nếu như không có kết quả điều tra độc lập liên quan đến sự cố mới đây về xây dựng tại nhà máy trên.
Tuyên bố trên của Bộ trưởng Năng lượng Litva được đưa ra sau khi có những thông tin về sự cố xảy ra hôm 10/7 tại công trường nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở Ostrov gần biên giới giữa hai nước. Sự cố xảy ra trong quá trình đặt lò phản ứng hạt nhân, do cần cầu bị trục trặc nên lò phản ứng hạt nhân bị rơi khỏi thanh trượt từ độ cao 4 mét.
Phía Litva yêu cầu có cuộc điều tra độc lập về sự cố xây dựng để tránh những nguy cơ mất an toàn sau này khi nhà máy trên đi vào hoạt động. Trước đó, Litva cũng nhiều lần phản đối dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên của Belarus khi cho rằng phía Belarus không đánh giá được hết ảnh hưởng của nó với môi trường xung quanh và không tuân thủ đầy đủ các yêu cầu quốc tế trong lĩnh vực an toàn điện hạt nhân.
Cho đến nay, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom), nhà thầu xây dựng dự án này, cho biết không có thiệt hại nào về người, phương tiện, cũng như môi trường xung quanh sau sự cố tại khu vực công trường nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Ostrov của Belarus. Theo đại diện của Rosatom, Nga sẵn sàng thay thân lò phản ứng hạt nhân khác nếu phía Belarus yêu cầu.
Về phần mình, các lãnh đạo Bộ Năng lượng Belarus khẳng định nước này luôn tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ostrov.
Bộ Ngoại giao Belarus cũng thường xuyên gửi cho phía Litva các thông tin cập nhật về quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân này. Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei đã chỉ trích Litva gây những áp lực chính trị xung quanh việc Belarus xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên.
Nhà máy điện hạt nhân tại Ostrov gồm hai tổ hợp với tổng công suất thiết kế 2.400 MW. Dự án này có tổng đầu tư khoảng 11 tỷ USD, tổ hợp đầu tiên dự kiến hoàn thành vào năm 2018 và tổ hợp thứ hai hoàn thành vào năm 2020./.