Litva có thể trở thành thành viên của Eurozone vào năm 2015

Cộng hòa Litva đã vượt qua trở ngại chính trong lộ trình gia nhập Eurozone, mở đường để trở thành thành viên thứ 19 của Eurozone.
Litva có thể trở thành thành viên của Eurozone vào năm 2015 ảnh 1Bắn pháo hoa đón chào năm mới 2014 tại Vilnius, Litva ngày 1/1/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cộng hòa Litva đã vượt qua trở ngại chính trong lộ trình gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), mở đường để quốc gia vùng Baltic này trở thành thành viên thứ 19 của Eurozone vào năm 2015.

Trong thông báo công bố ngày 4/6, Ủy ban châu Âu (EC), với sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết Litva đã đáp ứng tiêu chí để từ bỏ đồng lita và dùng đồng euro.

Vì thế EC đề nghị Hội đồng bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) cho phép Litva sử dụng đồng tiền chung châu Âu từ ngày 1/1/2015.

Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn khẳng định Litva đã tuân thủ các chính sách tài chính và cải cách kinh tế thận trọng như một tiêu chí để được gia nhập Eurozone, đồng thời đề nghị Hội đồng bộ trưởng EU thông qua đề xuất của EC trong tháng tới.

Ông Rehn cho biết những cải cách ở Litva đã giúp nước này thịnh vượng hơn nhiều, đồng thời khẳng định việc Litva gia nhập Eurozone là một dấu hiệu về sức mạnh của đồng euro và một sự phản bác đối với những người hoài nghi đồng tiền chung châu Âu.

Từ Litva, Thủ tướng nước này Algirdas Butkevicius cho biết do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, việc Litva gia nhập Eurozone càng có ý nghĩa quan trọng hơn.

Ông nhấn mạnh đây cũng là một bước đi để Litva củng cố mạnh mẽ hơn an ninh kinh tế, tài chính, chính trị và an ninh quốc gia.

Litva xin gia nhập Eurozone từ năm 2006-2007 nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đẩy nước này vào suy thoái kinh tế sâu, khiến tiến trình gia nhập Eurozone ngừng trệ.

Kể từ đó, Litva đã nỗ lực không ngừng để lập lại trật tự trong ngành tài chính công và đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt của EU về gia nhập Eurozone.

Quốc gia gồm khoảng 3 triệu dân có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,4% trong năm nay và 4,3% trong năm tới, trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong EU 28 thành viên.

Chưa kể, Litva có một nền tài chính công vững chắc với thâm hụt ngân sách dưới mức trần 3,0% và nợ công dưới mức trần 60% Tổng sản phẩm quốc nội, được qui định trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng của EU dành cho Eurozone.

Tâm trạng hào hứng từ bỏ đồng lita đã bộc lộ rõ ở thủ đô Vilnius của Litva. Nhiều doanh nghiệp niêm yết giá tương ứng với đồng euro, thủ tục bắt buộc từ tháng Tám tới nếu không có thay đổi trong thời gian biểu Litva gia nhập Eurozone.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Litva Rimantas Sadzius cảnh báo động thái "bật đèn xanh" của EC mới chỉ là sự khởi đầu trong lộ trình Vilnius gia nhập Eurozone.

Ông Sadzius cho biết Chính phủ phải đảm bảo để đồng euro được người dân Litva hoan nghênh và việc chuyển đổi đồng tiền diễn ra suôn sẻ.

Theo cuộc thăm dò dư luận công bố tháng Tư vừa qua, 57% số người được hỏi cho rằng việc sử dụng đồng euro sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt, chỉ 12% tin đồng euro không tác động tiêu cực đến đời sống của họ.

Cùng ngày, Ủy viên EU phụ trách vấn đề mở rộng và chính sách láng giềng Stefan Fule cho biết EC đã đề nghị Hội đồng bộ trưởng EU trao quy chế ứng viên EU cho Albania.

EC đưa ra đề xuất trên sau khi xem xét báo cáo của Chính phủ Albania về chống tham nhũng, tội phạm có tổ chức và cải cách hệ thống tư pháp.

Báo cáo khẳng định Albania đang tiếp tục thực hiện và tăng cường các biện pháp cải cách theo yêu cầu của EU, đặc biệt những cải cách liên quan quy chế ứng viên.

Báo cáo cũng nhấn mạnh những việc Albania cần phải tiếp tục thực hiện để hướng tới lộ trình hội nhập EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục