Lĩnh vực logistics của Indonesia sụt giảm hơn 50% do đại dịch COVID-19

Kết quả kinh doanh của các thành viên Hiệp hội Logistics Indonesia sụt giảm tới 50% kể từ khi xuất hiện hai trường hợp dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2 vào ngày 2/3.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Hiệp hội Logistics Indonesia (ALI) ngày 27/4 cho biết kết quả kinh doanh của các công ty thành viên đã sụt giảm hơn 50% kể từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại quốc gia này vào đầu tháng Ba.

Chủ tịch ALI, ông Zaldy Ilham Masita, cho biết hoạt động logistics đã giảm 60-70% trên toàn quốc.

Các dịch vụ giao hàng từ doanh nghiệp đến khách hàng (B2C) và khách hàng tới khách hàng (C2C) có tăng trưởng song mức tăng quá thấp để bù đắp cho sự sụt giảm mạnh trong phân khúc doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B).

Tính chung, kết quả kinh doanh của các thành viên ALI sụt giảm tới 50% kể từ khi xuất hiện hai trường hợp dương tính đầu tiên với virus SARS-CoV-2 vào ngày 2/3.

[Dịch COVID-19 ngày 28/4: Châu Á đề cao cảnh giác trước kỳ nghỉ lễ]

Theo ông Zaldy, các phân khúc B2C và C2C tăng trưởng do nhu cầu thực phẩm, hàng dễ hỏng và vật tư y tế tăng 100% bất chấp các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB).

Trong tháng Ramadan năm nay (kéo dài từ ngày 23/4 đến ngày 23/5), lượng hàng giao thường tăng 30-50% so với tháng trước song được dự báo sẽ sụt giảm 40% so với năm ngoái.

Dự báo này được đưa ra dựa vào chi tiêu tiêu dùng thấp do tình trạng sa thải lao động và cắt giảm tiền thưởng ngày lễ ở khắp nơi.

Ông Zaldy cũng dự báo rằng lĩnh vực logistics của Indonesia sẽ phục hồi trong quý I năm 2021.

Vào thời điểm đó, các công ty logistics sẽ đẩy mạnh số hóa các hoạt động và mở rộng các dịch vụ nhằm phục vụ cho nhiều khách hàng B2C hơn.

Về phần mình, Chủ tịch công ty Chuỗi cung ứng Indonesia (SCI) Setijadi cho biết chi tiêu cho các dịch vụ hàng hóa cấp ba như ôtô, đồ điện tử và thời trang sụt giảm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, trong khi nhu cầu vận chuyển thuốc men và các sản phẩm y tế có thể tiếp tục xu hướng tăng trưởng.

Trước đó, SCI dự báo rằng lĩnh vực logistics sẽ tăng trưởng khoảng 12,7% trong năm nay và đóng góp 993,9 nghìn tỷ rupiah (63,9 tỷ USD) cho GDP.

Tuy nhiên, ông Setijadi cho biết SCI sẽ điều chỉnh dự báo này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang tác động nghiêm trọng đến các hoạt động thương mại và logistics toàn cầu.

Công ty khởi nghiệp Kargo cũng ghi nhận thay đổi rõ nét trong đó phần lớn là các đơn hàng vận chuyển thiết bị vật tư y tế và thực phẩm, như dầu ăn và gạo, trong khi các đơn hàng giao nhận xuất nhập khẩu sụt giảm mạnh, nhất là trong thời gian Trung Quốc bị phong tỏa.

Giám đốc điều hành của Kargo, ông Tiger Fang, cho biết công ty ghi nhận sự gia tăng nhu cầu giao nhận bằng xe tải nhỏ cho hàng tạp hóa và thực phẩm.

Cũng theo doanh nhân này, hoạt động logistics quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh mọi người phải ở nhà do dịch.

Dù khối lượng đơn hàng sụt giảm song dịch vụ B2B, đặc biệt là đối với các hàng hóa tiêu dùng nhanh, vẫn là mảng kinh doanh “cốt lõi” của các công ty logistics.

Hiện Kargo đang hợp tác với các thương hiệu hàng đầu như Coca Cola và Unilever.

Bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế, Kargo đang tìm cách mở rộng dịch vụ giao nhận các sản phẩm nông nghiệp và thương mại điện tử vì đây là những lĩnh vực lớn ít chịu tác động từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Ngoài ra, start-up này cũng đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty vận tải, các ngân hàng, các cơ sở kinh doanh, cũng như các chương trình từ thiện, nhằm vận chuyển hàng hóa cứu trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục