Việc đóng cửa biên giới quốc gia để đối phó với dịch bệnh COVID-19 và các lựa chọn học trực tuyến hạn chế đã khiến lĩnh vực xuất khẩu giáo dục của Australia thiệt hại tới 13,6 tỷ đôla Australia (9,8 tỷ USD).
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, số liệu của Cục thống kê Australia công bố ngày 6/8 cho biết giá trị hằng năm của lĩnh vực xuất khẩu giáo dục đại học, bao gồm học phí, chỗ ở, chi phí đi lại liên quan, đã giảm từ 40,3 tỷ AUD (29 tỷ USD) trong năm 2019, xuống còn 26,7 tỷ AUD (19,2 tỷ USD) trong vòng 12 tháng tính đến tháng 6/2021.
Số liệu này phù hợp với tình hình thực tế theo báo cáo của Bộ Giáo dục Australia. Báo cáo cho biết tính đến tháng 5/2021, tổng số sinh viên quốc tế của Australia chỉ còn dưới 526.000 người, giảm 17% so với tháng 5/2020.
Ngoài ra, số lượng sinh viên quốc tế đăng ký các khóa học mới tại nước này trong cả năm tài chính 2020-2021 (đến tháng 6/2021) đã giảm hơn 100.000 người so với một năm trước đó.
[Australia khó tiếp nhận số lượng lớn du học sinh trong năm 2021]
Rất nhiều nhà quản lý giáo dục quốc tế và lãnh đạo các trường đại học Australia đã liên tục kiến nghị Chính phủ Australia tìm kiếm giải pháp giúp vực dậy lĩnh vực xuất khẩu lớn thứ tư của nền kinh tế Xứ sở Chuột túi.
Bộ trưởng Giáo dục Australia Alan Tudge cho biết Canberra sẽ tiếp tục làm việc với các bang và địa phương để đưa ra các giải pháp giúp mang sinh viên quốc tế trở lại Australia khi điều kiện cho phép.
Tuy nhiên, ông Tudge cũng nhấn mạnh ưu tiên của Chính phủ hiện nay là kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo không gây ra rủi ro lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Do khó khăn trong công tác tuyển sinh và doanh thu giảm, trong năm vừa qua, nhiều trường đại học tại Australia đã buộc phải thu hẹp phạm vi hoạt động và cắt giảm nhân lực.
Đại học La Trobe ở thành phố Melbourne (bang Victoria) mới đây nhất đã công bố cắt giảm thêm 200 việc làm sau khi ghi nhận doanh thu giảm tới 165 triệu AUD (118,8 triệu USD) trong năm tài chính 2020-2021.
Bên cạnh tác động trực tiếp của việc thiếu sinh viên quốc tế đối với các trường đại học, một số tác động tiêu cực khác cũng đã được ghi nhận trong cộng đồng và các doanh nghiệp của Australia, khi sinh viên quốc tế đã trở thành một phần chính của lực lượng lao động địa phương.
So với các thành viên khác thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Australia hiện đứng cuối bảng xếp hạng về tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, chưa đến 16% dân số Australia đã tiêm chủng và có thể sẽ mất thêm 7 tháng nữa trước khi nước này đạt được mục tiêu quốc gia về tiêm chủng.
Trước đó, Thủ tướng Scott Morrison đã tiết lộ rằng Australia sẽ cần phải đạt mục tiêu tiêm phòng cho 80% dân số trưởng thành trước khi có thể xem xét mở lại biên giới quốc tế.
Viện nghiên cứu chính sách công Grattan của Australia cho rằng nước này khó có thể đạt được mục tiêu đề ra trước khi bước sang năm 2022./.