Lĩnh vực đầu tư nào đang hấp dẫn các doanh nghiệp Việt Nam?

Dù có khó khăn, song trước tiềm năng và sức hấp dẫn của năng lượng tái tạo, đặc biệt là lĩnh vực điện gió, các doanh nghiệp vẫn đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng kinh doanh.
Cánh đồng điện gió ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Lĩnh vực năng lượng tái tạo đang giúp nhiều doanh nghiệp có được lợi thế lớn để duy trì hoạt động kinh doanh, ổn định doanh thu và có lợi nhuận trong giai đoạn dịch bệnh.

Dù có khó khăn, song trước tiềm năng và sức hấp dẫn của năng lượng tái tạo, đặc biệt là lĩnh vực điện gió, các doanh nghiệp vẫn đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng kinh doanh.

“Quả ngọt” từ năng lượng tái tạo

Trên sàn chứng khoán, hiện có các công ty hoạt động đa ngành và phát triển thêm lĩnh vực năng lượng tái tạo như: Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (mã chứng khoán: ASM), Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô: HDG), Công ty cổ phần LICOGI 16 (mã chứng khoán: LCG), Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán: GEG), Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (mã chứng khoán: TTA), Công ty cổ phần Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG)... Các doanh nghiệp này đều có mức doanh thu từ năng lượng tái tạo khá ổn định.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai là một trong những doanh nghiệp đầu tư lớn vào điện Mặt Trời hiệu quả. Giữa năm 2017, nhà máy điện Mặt Trời mái nhà công suất 1,07 MWp của doanh nghiệp đi vào hoạt động.

Trong 2 năm 2019 và 2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai đã nhanh chóng đầu tư và hoàn thành phát điện thương mại (COD) Nhà máy điện Mặt Trời Sao Mai công suất 210 MWp tại tỉnh An Giang, Nhà máy điện Mặt Trời Europlast công suất 50 MWp tại tỉnh Long An.

Toàn bộ lượng điện sản xuất ra được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bao tiêu với giá mua điện cố định trong 20 năm. Nhờ vậy, lĩnh vực điện Mặt Trời mỗi năm đóng góp cho Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai gần 1.000 tỷ đồng doanh thu và gần 400 tỷ đồng lợi nhuận.

Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, đây là doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực bất động sản và năng lượng xanh của Việt Nam. Doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng 350 MWG công suất điện mới trong giai đoạn 2021- 2025; trong đó, công ty sẽ có thêm 140 MWG điện gió mới vào năm 2023.

Công ty cho biết quý 2/2021, lĩnh vực năng lượng tiếp tục tăng trưởng, đạt doanh thu 502,6 tỷ đồng, tăng 47% nhờ vào sự hoạt động ổn định của các nhà máy điện.

Đối với Công ty cổ phần LICOGI 16, nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp có doanh thu đạt hơn 1.306 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 130,5 tỷ đồng; lần lượt tăng 3,9% và 65,6% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021, doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu là 3.600 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực năng lượng dự kiến tiếp tục đóng góp chính vào tổng doanh thu với 1.650 tỷ đồng. Hiện ban lãnh đạo Công ty cổ phần LICOGI 16 đang kỳ vọng lớn vào năng lượng tái tạo.

Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần LICOGI 16, cho biết doanh nghiệp tự tin hoạch định tham gia sâu vào lĩnh vực này và đã thành lập ban nghiên cứu dự án năng lượng tái tạo. Dù vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn việc năng lượng mặt trời dư thừa không tiêu thụ hết, nhưng trong lộ trình phát triển đất nước, việc phát triển năng lượng tái tạo là không thể đảo ngược.

Một doanh nghiệp cũng đầu tư rất lớn trong lĩnh vực năng lượng điện tái tạo là Công ty cổ phần Bamboo Capital. Nửa đầu năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp đạt 1.447 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 478,3 tỷ đồng, gấp 17,6 lần cùng kỳ.

Có được kết quả này là do năm 2020, Việt Nam đã hoàn thành và kết nối thành công hệ thống điện Mặt Trời mái nhà vào lưới điện quốc gia.

Do đó, Công ty cổ phần Bamboo Capital sẽ tiếp tục triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo thông qua công ty con là Công ty cổ phần Năng lượng BCG (BCG Energy) để đạt mục tiêu 2 GW vào năm 2023. Đồng thời, đa dạng hóa danh mục đầu tư bằng các dự án điện Mặt Trời nổi, điện gió và điện từ khí tự nhiên hóa lỏng trong tương lai.

Đầu tháng 8/2021, BCG Energy đã liên doanh với SP Group (Singapore Power Group) đầu tư vào lĩnh vực điện Mặt Trời mái nhà tại Việt Nam với mục tiêu đạt công suất 500 MW điện Mặt Trời mái nhà năm 2025.

BCG Energy và SP Group cũng công bố dự án điện Mặt Trời mái nhà đầu tiên trên các nhà xưởng của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.

Một đại gia trong lĩnh vực năng lượng tái tạo cần kể đến là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành.

Nửa đầu năm 2021, doanh nghiệp có doanh thu là 331 tỷ đồng, tăng 95,8% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 76,7 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lãnh đạo công ty cho biết có được kết quả này là do hai nhà máy mới là Thuỷ điện Pá Hu bắt đầu hoạt động từ quý 4/2020 và điện Mặt Trời Hồ Núi Một, hoạt động từ tháng 1/2021.

Nhà máy phong điện Phương Mai do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành liên kết đầu tư cũng đã đi vào hoạt động trong quý 2/2021.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp xác định sẽ đẩy mạnh phát triển các dự án điện Mặt Trời, điện gió. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành đã thông qua chủ trương khảo sát, chuẩn bị đầu tư 3 dự án điện Mặt Trời, 3 dự án điện gió và 1 dự án thủy điện tích năng. Tất cả các dự án này đều đặt tại tỉnh Ninh Thuận.

Chi phí đầu tư giảm mạnh

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), chi phí đầu tư năng lượng tái tạo vẫn trong xu thế giảm dài hạn, dù đã tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trên thực tế, nhu cầu tăng mạnh về đầu tư năng lượng tái tạo trên thế giới đã thúc đẩy sản xuất, tăng cường cải tạo công nghệ sản xuất và tăng lợi ích kinh tế theo quy mô. Điều này giúp chi phí đầu tư các loại hình năng lượng tái tạo ngày một giảm và có đủ khả năng cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác.

Một hệ thống điện Mặt Trời áp mái được xây dựng trên trang trại làm nông nghiệp ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Giai đoạn từ 2010-2020, chi phí đầu tư trung bình cho điện Mặt Trời giảm mạnh nhất, từ hơn 4.700 USD/kW xuống chỉ còn hơn 800 USD/kW, tương ứng mức giảm giảm hơn 80%, trở thành loại hình có mức đầu tư thấp nhất.

Thị trường tiêu thụ tăng mạnh đã thúc đẩy các công ty tăng sản xuất nhằm giảm giá thành. Bên cạnh đó, hiệu suất trung bình của module quang điện giai đoạn từ 2010-2020 cũng từ khoảng 10% lên 16-18%. Đặc biệt, hiệu suất chuyển đổi từ quang năng sang nhiệt năng cao nhất đã lên tới 25,25% trong đầu năm 2021.

Chi phí đầu tư điện gió ngoài khơi và trên bờ giảm lần lượt 31,5% và 30,5% trong giai đoạn 2010-2020. Trong nửa đầu năm 2021, chi phí trung bình của năng lượng điện gió trên bờ đã thấp hơn so với điện Mặt Trời.

Hiệu suất điện gió trên bờ giai đoạn 2010-2020 tăng từ mức trung bình 27% lên 36%, nhờ cải thiện công nghệ Rotor có thể hoạt động trong khung vận tốc gió rộng hơn, giúp tăng công suất 1 turbine lên đáng kể ngoài việc tăng độ dài cánh và trụ. Hiệu suất điện gió ngoài khơi cũng cải thiện khá, từ 38% lên từ 40-45% trong giai đoạn này.

Cơ chế giá FIT (cơ chế khuyến khích thông qua bù giá) đối với các dự án dự án điện gió sẽ hết hiệu lực vào tháng 11/2021.

Vì vậy, các doanh nghiệp đầu tư điện gió đang đẩy nhanh thực hiện dự án, dù phải đối mặt với khó khăn về vận chuyển, pháp lý hay mặt bằng…

Theo VCBS, cuộc đua điện gió trước ngày 1/11/2021 sẽ giúp công suất điện tăng thêm hơn 6.000 MW, chiếm gần 10% công suất hệ thống. Với cơ chế giá FIT hiện tại, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) các dự án có thể đạt từ 15-18%, đem lại hiệu quả rất cao nếu được phát hết công suất.

Bộ Công Thương cũng đã đề xuất gia hạn giá FIT thêm 2 năm đến năm 2023 do khả năng nhiều dự án điện gió chưa thể vận hành thương mại (COD) đúng hạn trong năm nay, trong khi tỷ lệ dự phòng nguồn cung điện xuống dưới 20% không tính điện Mặt Trời và điện gió trong mùa cao điểm sẽ xảy ra rủi ro thiếu điện khi không phải các nhà máy nào cũng chạy được hết công suất. Ngoài ra, thời gian đầu tư một dự án điện gió từ 2-3 năm nên sẽ gây ra khó khăn cho nhiều dự án.

Theo VCBS, năng lượng tái tạo không kể thủy điện sẽ chiếm phần lớn trong cơ cấu nguồn điện năm 2045 với 115,7 GW, tương ứng 42% cơ cấu nguồn điện.

Điện gió sẽ chiếm 22% tổng công suất nguồn với hơn 60 GW năm 2045; trong đó, điện gió trên bờ đạt hơn 39,6 GW và điện gió ngoài khơi chỉ chiếm 21 GW trong khi đây là nguồn năng lượng khá ổn định, có thể thay thế các nguồn điện than hay thủy điện.

VCBS cho rằng theo quy hoạch đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi mới có 2 GW là điểm khá bất cập, vì hiện nay một số dự án điện gió ngoài khơi đang tiến hành khảo sát và xin giấy phép như: Điện gió La Gàn công suất 3,5 GW đã hoàn tất các thủ tục để khảo sát, Dự án Thăng Long Wind có công suất 3,4 GW, dự án nhà máy điện gió trên biển tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có công suất 500 MW, dự án điện gió ngoài khơi tại vùng biển Hải Phòng cũng đang tiến hành các thủ tục ban đầu.

Đối với điện Mặt Trời năm 2020 đã đạt hơn 17GW công suất, nhưng quy hoạch đến 2025 chỉ đạt 17,24 GW và đến năm 2030 đạt 18,64 GW là khá thấp.

VCBS tin rằng, với các dự thảo lần sau, công suất điện Mặt Trời sẽ tăng lên và Chính phủ sẽ thông qua cơ chế đấu giá dành cho điện Mặt Trời để đạt được mức giá phù hợp nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục