Lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc tăng trưởng tháng thứ 6 liên tiếp

Các chính sách cân bằng giữa việc kiểm soát dịch và phát triển kinh tế của Trung Quốc đã mang lại những kết quả đáng chú ý, đưa nền kinh tế tiếp tục phục hồi với triển vọng tích cực.
Một nhà máy tại tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. (Ảnh: AP)

Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 31/8 công bố số liệu cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của nước này giảm nhẹ xuống 51 điểm trong tháng 8/2020 (PMI của tháng trước đó là 51,1 điểm).

Chỉ số PMI ở mức trên 50 biểu hiện sự tăng trưởng và dưới mức này biểu thị sự sụt giảm. Tháng 8/2020 là tháng tăng trưởng thứ 6 liên tiếp đối với lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc.

Chuyên gia thống kê cấp cao Zhao Qinghe của NBS đánh giá, các chính sách cân bằng giữa việc kiểm soát dịch và phát triển kinh tế của Trung Quốc đã mang lại những kết quả đáng chú ý, đưa nền kinh tế tiếp tục phục hồi với triển vọng tích cực.

Các chỉ số phụ của PMI trong lĩnh vực chế tạo là bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất tháng 8/2020 ở mức 53,5, còn chỉ số đơn hàng mới là 52, với chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới tăng 0,7 điểm lên mức 49,1.

[Trung Quốc tự tin nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong năm nay]

Ông Zhao cho rằng hoạt động sản xuất và vận hành của các doanh nghiệp Trung Quốc đang tiếp tục có được động lực vững chắc. Số liệu của NBS cũng cho thấy lĩnh vực phi chế tạo tiếp tục tăng trưởng, với PMI ở mức 55,2 điểm trong tháng 8/2020. Đáng chú ý, các nhà cung cấp dịch vụ, nhất là những doanh nghiệp chịu tác động lớn của dịch COVID-19, cũng bắt đầu hoạt động mạnh hơn.

Ông Zhao cho biết trong tháng 8/2020, nhu cầu tiếp tục phục hồi, chính sách ngoại thương có hiệu lực, việc xây dựng động lực tăng trưởng mới được thúc đẩy, thị trường dần khởi sắc và các dự báo kinh doanh được cải thiện. Mặc dù vậy, chỉ số PMI của các doanh nghiệp nhỏ giảm nhẹ, chủ yếu do phải đối mặt với các vấn đề về sản xuất và vận hành khi nhu cầu thấp cùng những khó khăn về tài chính.

Nhà phân tích Wen Bin tại China Minsheng Bank cho rằng Trung Quốc cần thêm các giải pháp hỗ trợ cho những lĩnh vực chủ chốt cùng nhiều chính sách nhắm tới các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp và tăng thu nhập cho người dân để tăng sức tiêu dùng.

Các yếu tố khác bao gồm tiêu dùng, việc làm và thương mại vốn được thúc đẩy trong những tháng gần đây và việc duy trì đà phục hồi của nền kinh tế khi những nỗ lực nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước.  Sau khi GDP của Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong quý 2/2020, hãng xếp hạng tín dụng Moody đã nâng dự báo mức tăng trưởng năm nay của nước này từ 1% lên 1,9%./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục