Chỉ trong vòng 4 năm, FPT đã thay tới "hai tướng" và đến nay thì người sáng lập ra FPT đã trở lại với chức vụ Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị nhằm đưa đơn vị này vươn lên mạnh mẽ trong bản đồ công nghệ. Trở lại Tin ông Trương Gia Bình quay lại giữ chức vụ Tổng giám đốc của Công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam-FPT khiến nhiều người kỳ vọng vào hướng đi mang tính đột phá trong tương lai của đơn vị này. Đối với những phóng viên công nghệ, gương mặt Phó Giáo sư, tiến sĩ Trương Gia Bình không còn mấy xa lạ bởi sự cởi mở, dễ gần. Sinh năm 1956, ông Bình tốt nghiệp khoa Toán cơ, Đại học Tổng hợp Moscow năm 1979. Ngày 13/09/1988, ông Trương Gia Bình đã cùng với 12 nhà khoa học khác của Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn để thành lập ra Công ty Công nghệ Thực phẩm FPT, tiền thân của Công ty Cổ phần FPT hiện nay. Trong suốt quá trình phát triển, ông Trương Gia Bình luôn là "linh hồn," là người tập hợp lực lượng và luôn đưa ra những định hướng chiến lược quan trọng trong từng giai đoạn để giữ vững sự tăng trưởng vượt bậc của FPT. Dưới sự dẫn dắt của ông, FPT đã trở thành Công ty công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu của Việt Nam và đang nỗ lực để trở thành một Công ty mang tầm vóc quốc tế. Không chỉ là nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình còn giữ chức Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam, đóng góp nhiều ý kiến góp phần xây dựng chính sách phát triển ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam. 4 năm, thay hai tướng Phía FPT cho biết, việc ông Trương Gia Bình trở lại công việc điều hành nhằm đảm bảo FPT tiếp tục phát triển ổn định và chuẩn bị tốt hơn cho sự chuyển giao một thế hệ lãnh đạo trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhiều thông tin cho rằng đây là sự trở lại mang tính quyết định, khi mà FPT đã không thực sự "nổi bật" trong 4 năm qua cho dù đơn vị này vẫn là một công ty công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Cụ thể, ngày 13/4/2009, Hội đồng quản trị FPT quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Thành Nam làm Tổng giám đốc FPT thay ông Trương Gia Bình. Khi ấy, ông Nguyễn Thành Nam là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Công ty Phần mềm FPT có tốc độ tăng trưởng 70%/năm. Ông Trương Gia Bình tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, tập trung vào việc phát triển chiến lược cũng như công tác nhân sự cao cấp của Tập đoàn FPT. Đến ngày 25/3/2011, ông Trương Đình Anh chính thức ngồi vào “ghế nóng” của ông Nguyễn Thành Nam. Trước đó, ông Trương Đình Anh là Chủ tịch Hội đồng quản trị của FPT Telecom có tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân trong 5 năm liên tiếp xấp xỉ 50%/năm. Với sự lãnh đạo của ông Trương Đình Anh, phía FPT cũng đặt ra mục tiêu doanh thu khá cao trong năm 2012. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn, cuối tháng 8 vừa qua, FPT đã phải điều chỉnh lại mục tiêu của mình. Theo đó, doanh thu theo kế hoạch điều chỉnh dự kiến là 26.702 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 2.547 tỷ đồng (lần lượt tăng 0,4% và 1,8% so với năm 2011), mức lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) dự kiến đạt 6.170 đồng/cổ phiếu. Trước đó, kế hoạch doanh thu ban đầu của FPT là 31.300 tỷ và lợi nhuận trước thuế là 3.000 tỷ. Kết quả kinh doanh của 7 tháng năm 2012 của FPT được công bố đạt con số doanh thu 13.238 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.349 tỷ đồng. Ông Trương Đình Anh khi đó nói rằng, con số trên chứng tỏ FPT đã làm chưa tốt và ông có chủ trương mạnh tay điều chỉnh, cải tổ thật nhanh ở những đơn vị không hoàn thành kế hoạch. Thế nhưng sau đó ít ngày, ông Trương Đình Anh đã xin từ nhiệm chức vụ. Và đến ngày hôm nay (26/9/2012), ông Trương Gia Bình lại trở lại với vị trí Tổng Giám đốc FPT. Nhìn vào các mốc thời gian trên, có thể thấy rất rõ ràng là vị trí Tổng Giám đốc của FPT là “rất nóng.” Ngoài ông Trương Gia Bình, chưa có vị Tổng giám đốc nào ngồi yên vị đến… 2 năm. Với sự trở lại này, nhiều kỳ vọng mới về FPT lại bắt đầu.../.
Sau 24 năm phát triển, FPT có 9 công ty thành viên, cung cấp dịch vụ ở 43 tỉnh, thành tại Việt Nam. Ngoài ra, đơn vị này cũng mở rộng ra thị trường toàn cầu, có mặt tại Lào, Campuchia, Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Singapore, Australia, Thái Lan, Philippines, Malaysia.
Hiện, nhân lực của FPT lên tới 13.000 người. FPT tập trung cung cấp các dịch vụ: Tích hợp hệ thống; Giải pháp phần mềm; Dịch vụ nội dung số; Dịch vụ dữ liệu trực tuyến; Dịch vụ Internet băng thông rộng; Dịch vụ kênh thuê riêng; Điện thoại cố định; Phân phối sản phẩm công nghệ thông tin và viễn thông; Sản xuất và lắp ráp máy tính; Dịch vụ tin học; Lĩnh vực giáo dục - đào tạo công nghệ.
|
Trung Hiền (Vietnam+)