Linh hoạt hỗ trợ các doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn vay ưu đãi

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, tạm ngừng hoạt động, nhiều ngân hàng thương mại ở TP.HCM đang triển khai các gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất đối với các doanh nghiệp.
Công nhân sản xuất sản phẩm may mặc. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Các hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển; nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch… là những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang chịu sự tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.

Trước tình hình này, nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất đối với các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp chờ được miễn giảm lãi suất

Trong số những lĩnh vực đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ngành du lịch có lẽ chịu tác động tiêu cực nhất.

Số liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, doanh thu từ dịch vụ lưu trú trên địa bàn trong 2 tháng đầu năm nay ước đạt 1.916 tỷ đồng, giảm đến 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Công suất phòng giảm mạnh, nhiều lệnh đặt phòng bị hủy, điều này dự báo ngành khách sạn sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong những tháng kế tiếp.

Du lịch, lữ hành cũng là ngành chịu tác động trực tiếp từ dịch COVID-19 với doanh thu giảm 1,2% so với cùng kỳ.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Lê Thành, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước đã khiến nhiều công ty dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú rơi vào tình trạng tạm dừng hoạt động, vì không có khách hàng.

Riêng tại hệ thống khách sạn của công ty này đã có 95% khách hàng hủy phòng, chỉ những người đi công tác mới đặt phòng, còn khách du lịch hầu như vắng bóng.

Do vậy, ông Nghĩa cho rằng, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 và khoanh nợ giảm lãi suất với các khoản đang vay là việc làm cần thiết để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp.

[Gia hạn nộp thuế, miễn thuế tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh]

Ông Trần Anh Vũ, Giám đốc Kinh doanh, Công ty cổ phần Fiditour cũng cho rằng, trước thiệt hại lớn từ COVID-19, doanh nghiệp phải cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, tập trung cho các chương trình khuyến mãi, kích cầu, để mở thêm nhiều tour, tuyến mới như châu Phi, Nam Mỹ, Nga...

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần nguồn vốn lớn để thực hiện các chương trình này. Ở thời điểm này, các doanh nghiệp lữ hành như Fiditour cần sự hỗ trợ của các ngân hàng trong việc giãn nợ, giảm lãi suất để doanh nghiệp có thể tồn tại, phát triển trong thời gian tới.

Không chỉ riêng du lịch, nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động.

Một chủ cơ sở giáo dục mầm non tư nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, nếu dịch COVID-19 kéo dài, cơ sở này có nguy cơ phải phá sản do không có kinh phí để chi trả lương hỗ trợ giáo viên, tiền thuê mặt bằng… Khoản nợ vay ngân hàng có khả năng trở thành nợ xấu do không trả nợ, lãi suất đúng hạn.

Ngoài việc miễn giảm lãi suất ngân hàng, giữ nguyên nhóm nợ, các doanh nghiệp còn kiến nghị cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, bảo hiểm xã hội... để tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động trong lúc dịch vẫn đang diễn ra phức tạp.

Nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp

Từ thực tế này, ngay từ tháng Hai vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các sở ngành, quận, huyện, rà soát, đánh giá tình hình khó khăn của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

Từ đó, xác định những doanh nghiệp, hộ kinh doanh có khó khăn do tác động của dịch để xem xét thẩm định và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng có giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, như cơ cấu lại nợ, định kì hạn nợ, miễn giảm lãi tiền vay. Đặc biệt là khi cơ cấu lại nợ không chuyển đổi ở mức xấu hơn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, hiện các ngân hàng thương mại đang tích cực, chủ động thực hiện chỉ đạo này.

Nhiều ngân hàng thương mại đã xác định giải pháp, đưa ra gói hỗ trợ giảm lãi suất cho vay ít nhất từ 1-1,5% và cao nhất từ 2-2,5%. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp giảm chi phí, qua đó giảm giá thành để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: CTV/Vietnam+)

Ngoài ra, trong dịp này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các quận huyện, sở ngành để triển khai mạnh mẽ hơn chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng. Từ đó, đưa vốn tín dụng với lãi suất hợp lý đến nhanh các doanh nghiệp ngành nghề có yêu cầu, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất một cách nhanh nhất.

Về phía các ngân hàng thương mại, hiện nhiều ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều gói ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp.

Chẳng hạn như tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (Nam A Bank) đang triển khai chương trình ưu đãi lãi vay giảm đến 0,5%/năm so với biểu lãi suất cho vay hiện hành đối với loại tiền VND và USD dành cho khách hàng doanh nghiệp.

Đại diện Ngân hàng này cho biết, các doanh nghiệp đặc biệt trong các ngành nghề liên quan du lịch, nông nghiệp, thủy hải sản… bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh COVID-19 sẽ giảm lãi vay đồng loạt, bình quân từ 0,5%.

Riêng một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, sẽ có hội đồng giám định rủi ro đánh giá lại để giảm lãi suất thêm cho các khách hàng.

Về phía Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), trong tháng Ba này, ngân hàng này triển khai gói vay ưu đãi vay thế chấp với lãi suất hấp dẫn chỉ 6.59%/năm trong thời kỳ corona, với cam kết giải ngân nhanh chóng, hồ sơ đơn giản. Nhằm giúp khách hàng ổn định và phát triển kinh doanh, cũng như thực hiện các dự định lớn trong cuộc sống.

Các ngân hàng thương mại khác như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB)... cũng công bố các gói hỗ trợ doanh nghiệp với trị giá từ 2.000-10.000 tỷ đồng.

Hiện Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đối với nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.

Chủ trương này được các doanh nghiệp đón nhận tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính sách này sẽ được triển khai nhanh, để doanh nghiệp sớm tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, vượt qua giai đoạn khó khăn này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục