Cho đến nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa có hành động trực tiếp nào nhằm vào đồng nhân dân tệ.
Tuy nhiên, nếu chính quyền này coi xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc là mối đe dọa, vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi họ nhằm mục tiêu vào đồng tiền của Trung Quốc.
Dĩ nhiên, một cuộc chiến tranh tiền tệ song song với một cuộc chiến tranh thương mại sẽ là điều rất nguy hiểm.
Các thị trường tài chính có thể mất ổn định, và hoạt động vay mượn quốc tế có thể bị gián đoạn. Nhưng những nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra khi ông Trump vẫn cho rằng “chiến tranh thương mại là tốt và dễ giành được chiến thắng.”
Benjamin J. Cohen, giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế-Đại học California, tác giả cuốn “Quyền lực đồng tiền: Nhận thức rõ tình trạng đối đầu của tiền tệ,” đã chỉ ra những nguy cơ này trong bài viết “Liệu ông Trump có phát động một cuộc chiến tranh tiền tệ?”
Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate.
Trong những tuần gần đây, chính quyền Trump đã đưa ra một loạt biện pháp về thương mại-đầu tư, đưa Trung Quốc hoàn toàn vào tầm ngắm.
Rõ ràng là Trumnp và các cố vấn của ông coi Trung Quốc là “kẻ thù kinh tế” chính của Mỹ. Câu hỏi được đặt ra là tiếp sau những biện pháp này, liệu sẽ có một cuộc tấn công nhằm vào nhân dân tệ - đồng tiền của Trung Quốc đang ngày càng được ưa chuộng - hay không.
Cho đến nay, Mỹ đã áp đặt những mức thuế nhập khẩu chung là 25% đối thép và 10% đối với nhôm, như những gì mà Trump đích thân loan báo hồi đầu tháng trước.
Kể từ đó, chính quyền Mỹ đã áp dụng những miễn trừ đối với một số đồng minh, trong khi vẫn sử dụng những biểu thuế này làm con bài mặc cả để đổi lấy nhượng bộ từ các đối tác khác.
[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Những tác động tới kinh tế toàn cầu]
Về phần mình, Trung Quốc không phải là nước cung cấp thép hay nhôm chủ yếu cho Mỹ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc dư thừa năng lực sản xuất những mặt hàng này cho đến nay đã gây sức ép lên giá thép và nhôm trên phạm vi toàn cầu, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ.
Do vậy, mục tiêu mà chính quyền Trump nhằm vào là buộc Trung Quốc phải cắt giảm mạnh sản lượng đối với những hàng hóa này.
Thậm chí còn quyết liệt hơn nữa, chính quyền Trump đã tiết lộ những kế hoạch sẽ áp đặt thuế nhập khẩu vào một loạt rộng lớn những hàng hóa của Trung Quốc, trị giá tới 60 tỷ USD.
Chính quyền Trump cũng sẽ thắt chặt những hạn chế đối với việc mua lại công ty và đầu tư của các công ty nước ngoài; và chính quyền Mỹ đã đánh đi tín hiệu sẽ thách thức việc Trung Quốc buộc các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ lên Tổ chức Thương mại Thế giới.
Ngoài ra, chính quyền Trump sẽ xúc tiến việc ngăn chặn các công ty Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm của Mỹ như công nghệ bán dẫn và truyền thông không dây 5G.
Trước đó, ông Trump đã ngăn chặn nỗ lực của Broadcom - một công ty đóng trụ sở tại Singapore có những mối liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc - bỏ 117 tỷ USD để mua lại Qualcomm - người khổng lồ về kỹ thuật của Mỹ.
Tương tự như vậy, Ajit Pai, được Trump bổ nhiệm làm người đại diện cho ông tại Ủy ban Truyền thông Liên bang, đã đồng ý coi Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Và theo quy định mới đang được đề nghị, những công ty được xếp vào dạng như vậy sẽ không còn khả năng cung cấp thiết bị cho các công ty xây dựng hạ tầng Internet tại Mỹ nữa.
Cho đến nay, chính quyền Trump chưa có hành động trực tiếp nào nhằm vào đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, nếu chính quyền này coi xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc là mối đe dọa, thì vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi họ nhằm mục tiêu vào đồng tiền của Trung Quốc.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Chính phủ Trung Quốc đã đi những bước dài trong việc nâng vị trí quốc tế của đồng nhân dân tệ.
Trung Quốc đã nới lỏng những quy định theo đó cho phép có thêm những giao dịch liên quan đến thương mại có thể được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ, từ đó bỏ qua được những đồng tiền được coi là hóa đơn thanh toán truyền thống, chẳng hạn như USD.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã thiết lập một mạng lưới ngân hàng thương mại thanh toán bằng đồng nhân dân tệ ở khắp các trung tâm tài chính trên thế giới.
Trung Quốc cũng đã mở các thị trường cho tiền gửi là đồng nhân dân tệ và trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ ở Hong Kong và nhiều nơi khác.
Và nước này đã đạt được những thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với vài chục ngân hàng trung ương nước ngoài, với hy vọng đồng nhân dân tệ sẽ trở thành một tài sản dự trữ toàn cầu mới.
Trong quãng thời gian trên, Trung Quốc đã đạt được một cột mốc quan trọng vào năm 2015, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp thuận đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ xác định giá trị của tài sản dự trữ tổng hợp của quỹ này, tức là Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR).
Trước đó, quy chế đặc ân này chỉ được dành cho đồng đôla Mỹ, đồng bảng Anh, đồng yen Nhật Bản và đồng euro.
Việc được đưa vào rổ tiền tệ SDR như vậy đem lại một sự hỗ trợ quan trọng cho vị trí quốc tế của đồng nhân dân tệ và khuyến khích Trung Quốc thậm chí đi xa hơn nữa trong việc thúc đẩy đồng tiền của mình.
Gần đây, Trung Quốc đã triển khai việc trao đổi mới cho những giao dịch kỳ hạn dầu thô bằng đồng nhân dân tệ, điều mà một số nhà quan sát coi như một sự thách thức trực tiếp đối với USD.
Như một phần của nỗ lực ngày càng tham vọng gây ảnh hưởng toàn cầu, Trung Quốc đang nhằm vào việc triển khai một đồng tiền có giá trị xứng đáng với tư cách một siêu cường toàn cầu.
Mỹ từ lâu đã được hưởng lợi từ vị trí thống trị của đồng đôla trên các thị trường tài chính và trong tài khoản dự trữ của các ngân hàng trung ương, và Trung Quốc giờ đây muốn được gặt hái những phần thưởng tương tự. Nếu việc đồng nhân dân tệ nổi lên làm hại đồng đôla Mỹ thì đây quả là điều quá tồi tệ.
Trước Trump, chính sách của Mỹ trong việc duy trì vị trí số một của USD chủ yếu mang tính thụ động, nếu không nói là còn mang tính hòa giải. Thậm chí khi điều trở nên rõ ràng là Trung Quốc đang hành động nhằm biến đồng nhân dân tệ thành đồng tiền thay thế USD thì chính quyền Obama hầu như vẫn không làm gì để bảo vệ đồng tiền xanh.
Trên thực tế Mỹ lại hỗ trợ việc đưa đồng nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR, bất chấp những nghi ngờ lan rộng về tư cách của đồng tiền này, bởi vì khi đó Mỹ muốn khuyến khích Trung Quốc trở thành một bên tham gia đáng tin cậy hơn vào hệ thống tiền tệ hiện hành.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của Donald Trump, tất cả những điều đặt cược này đã không còn nữa. Mặc dù vị trí quốc tế của đồng nhân dân tệ đã tăng lên, đồng tiền của Trung Quốc vẫn còn một quãng đường dài phải đi trước khi đạt được quy chế chuyên nghiệp.
Trump, người tự phong là có thể quyết định thành bại các thương vụ, được cho là biết rõ điều này, và dễ bị cám dỗ sẽ tìm cách khai thác những điểm yếu này của đồng nhân dân tệ.
Chẳng hạn, nếu Trung Quốc chọn việc chống lại những đòi hỏi phải nhượng bộ của Trump trong lĩnh vực thương mại, Mỹ khi đó có thể sẽ cấm việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm hóa đơn thanh toán trong các giao dịch giữa các doanh nghiệp Mỹ với đối tác Trung Quốc.
Hoặc Mỹ có thể đề nghị những thỏa thuận hoán đổi tiền tệ theo những điều khoản có lợi với bất kỳ ngân hàng trung ương nào sẵn sàng từ bỏ thỏa thuận với Trung Quốc. Danh sách những hành động trừng phạt có thể thực hiện là rất dài.
Dĩ nhiên, một cuộc chiến tranh tiền tệ song song với một cuộc chiến tranh thương mại sẽ là điều rất nguy hiểm, và có thể mang tính tàn phá. Các thị trường tài chính có thể mất ổn định, và hoạt động vay mượn quốc tế có thể bị gián đoạn.
Điều không may là những khả năng này lại không thể ngăn cản được người vẫn đang nghĩ rằng “chiến tranh thương mại là tốt và dễ giành được chiến thắng.”
Chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng ở đây những cái đầu lạnh sẽ chiến thắng./.