''Liều thuốc'' nào sẽ giúp hồi sinh Tổ chức Thương mại Thế giới?

Trong một động thái chưa từng có, Mỹ nói rằng cần phải khởi động lại quá trình tìm kiếm một tổng giám đốc mới của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời kêu gọi cải cách Cơ quan Phúc thẩm.
Hai nữ ứng cử viên Ngozi Okonjo-Iweala của Nigeria và Yoo Myung-hee của Hàn Quốc đã lọt vào vòng cuối cùng trong cuộc chạy đua trở thành tân Tổng Giám đốc WTO. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eastasiaforum.org và BBC, trong một động thái chưa từng có, Mỹ nói rằng cần phải khởi động lại quá trình tìm kiếm một tổng giám đốc mới của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời kêu gọi cải cách Cơ quan Phúc thẩm.

Trang mạng eastasiaforum đã đề cập đến 4 lĩnh vực cần tăng cường hợp tác đa phương mà trong đó sự can dự của Mỹ sẽ là "liều thuốc" giúp hồi sinh tổ chức thương mại lớn nhất thế giới này.

"Thuyền trưởng" mới cho WTO

Theo đài BBC, đại diện thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Robert Lighthizer, nói với đài BBC ngày 16/12 rằng WTO cần “một người có kinh nghiệm thực sự về thương mại.”

Mỹ phản đối cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) đồng thời là cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala vào vị trí này, dù bà nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nước khác.

Ông Robert Lighthizer cho rằng WTO “đang rất cần được cải cách,” và “chúng ta cần bắt đầu khai phóng” cho quá trình đó.

Tuy nhiên, ông khẳng định không có chuyện chính quyền Trump bị thuyết phục để ủng hộ bà Ngozi Okonjo-Iweala trong những tuần còn lại mà chính quyền Trump còn nắm quyền.

Sự bế tắc tại WTO diễn ra vào thời điểm nhạy cảm đối với thương mại toàn cầu, vốn đang phải hứng chịu hậu quả của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19).

Nếu WTO không thể bổ nhiệm một tổng giám đốc mới trước khi ông Joe Biden nhậm chức tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021, nhiều khả năng quá trình này sẽ bị trì hoãn trong vài tháng do cần thời gian để một đội ngũ thương mại mới của Mỹ được bổ nhiệm và đi vào hoạt động.

Cải cách Cơ quan Phúc thẩm

WTO đóng một vai trò quan trọng trong việc môi giới các thỏa thuận thương mại và duy trì luật thương mại quốc tế. Tuy nhiên, WTO đã không có lãnh đạo kể từ khi ông Roberto Azevedo từ chức hồi tháng Tám vừa qua vì cho rằng "một người khác sẽ phù hợp hơn để thực hiện các cải cách cần thiết."

Nhiệm kỳ của ông Roberto Azevedo bị tê liệt bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và việc Tổng thống Trump sử dụng nhiều biện pháp thuế quan để đạt được các mục tiêu của mình về thương mại.

Trong khi đó, theo trang mạng tạp chí eastasiaforum, chính quyền Trump đã cản trở quá trình bổ nhiệm các vị trí trong Cơ quan Phúc thẩm, khiến cơ quan này bị tê liệt kể từ cuối năm 2019.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều này cũng cản trở Cơ quan Phúc thẩm thông qua những báo cáo giải quyết tranh chấp thương mại do các cơ quan liên quan khác của WTO trình lên.

Theo ông Lighthizer, WTO đã “không hoạt động như một cơ quan đàm phán.” Ông cũng nhấn mạnh rằng cần “cải tổ lớn” cho Cơ quan phúc thẩm giải quyết tranh chấp, cơ quan mà ông cho rằng đã phát triển thành một cơ quan tạo ra luật thương mại chung, “lấy đi lợi ích” mà các thành viên đã thương thuyết “và hạn chế những gì đã nhượng bộ.”

[WTO: Những vấn đề cần giải quyết sau chặng đường 25 năm]

Ông Lighthizer nói: “Theo tôi, có một sự đồng thuận tại WTO rằng chúng ta cần cải cách cơ quan phúc thẩm. Chúng ta cần bắt đầu đàm phán lại, chúng ta cần bắt đầu tiến bộ.”

Theo Giáo sư James Bacchus, cựu Chủ tịch Cơ quan Phúc thẩm WTO, tổng giám đốc WTO có vai trò quan trọng trong việc mang lại sự thay đổi.

Ông nói: “Hợp tác đa phương hiệu quả để giảm bớt các rào cản đối với thương mại là rất cần thiết để giúp khởi động nền kinh tế toàn cầu và phục hồi sau đại dịch. Điều đó đòi hỏi sự lãnh đạo sáng tạo từ một người môi giới trung thực trong vai trò tổng giám đốc.”

Joe Biden không đưa ra bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy ông muốn bà Okonjo-Iweala hay bà Yooo Myu-hee, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, một ứng cử viên khác, vào vị trí tổng giám đốc WTO.

Tuy nhiên, khi nói đến thương mại, gần đây ông khẳng định: “Chúng ta cần phải liên kết với các nền dân chủ khác để chúng ta có thể quy định được các chuẩn mực thương mại thay vì để Trung Quốc và các nước khác khuynh đảo."

Tạp chí eastasiaforum cũng cho rằng chính quyền Biden cần đảo ngược chính sách của Trump đối với WTO, coi đó là một phần trong biện pháp can dự rộng lớn hơn với các thành viên khác của WTO đối với các chương trình cải cách nhằm làm sống lại WTO.

"Liều thuốc" hồi sinh WTO

Theo eastasiaforum, hợp tác đa phương ở những lĩnh vực cụ thể, trong đó tập trung vào những chính sách nhằm giải quyết những căng thẳng thương mại gần đây, sẽ trao cho Mỹ công cụ để tiếp tục can dự một cách có ý nghĩa với các cường quốc thương mại lớn khác.

Sự can dự mang tính xây dựng của Mỹ trong các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết các vấn đề thực chất dưới sự bảo trợ của WTO sẽ giúp tái thiết lập chức năng hoạt động của WTO. Việc tăng cường hợp tác sẽ được hưởng lợi từ các cải cách trong 4 lĩnh vực.

Thứ nhất, chính quyền Biden cần ưu tiên năng lực lãnh đạo về cách thức cải thiện mô hình mang tính thể chế của hệ thống giải quyết tranh chấp.

Việc soạn thảo một hiệp định giải quyết khủng hoảng và tăng cường chức năng giải quyết tranh chấp là rất quan trọng.

Thứ hai, cần thúc đẩy sự hoạt động hiệu quả của Ban Thư ký WTO, theo đó, đơn vị này nên chủ động thống kê và cung cấp thông tin thay vì chủ yếu dựa vào các thông báo của thành viên, bao gồm cả các chính sách không hoặc chỉ được WTO đề cập một phần.

Việc trao cho Ban Thư ký WTO trọng trách sử dụng dữ liệu này để phân tích các tác động lan tỏa ở quy mô quốc tế bằng cách làm việc với các tổ chức quốc tế khác sẽ giúp các thành viên WTO xác định các ưu tiên cho quá trình xây dựng quy tắc mới.

Thứ ba, hợp tác đòi hỏi sự hiểu biết chung về các vấn đề và các lựa chọn để giải quyết các tác động của các chính sách quốc gia. Nhằm củng cố cho sự hợp tác này, các nước thành viên và các cơ quan quản lý quốc gia thích hợp cần hành động để hỗ trợ việc thảo luận trong các cơ quan của WTO.

Thứ tư, cần có một quy tắc ứng xử ràng buộc đối với các bên ký kết các hiệp định đa phương mở mới. Quy tắc này sẽ giúp thiết lập các nguyên tắc mà các bên ký hiệp định phải tuân thủ để đảm bảo sự tương thích của những thỏa thuận này với WTO.

Hiện, không rõ chính quyền mới của Mỹ có đủ ý chí chính trị để thực hiện những cải cách nói trên hay không. Tuy nhiên, điều dễ thấy ở đây là chính quyền Trump đã không đưa ra được một chiến lược thương mại hiệu quả nào để xử lý hàng loạt vấn đề vốn không liên quan đến Mỹ và không thể giải quyết thông qua các thỏa thuận song phương. Can dự đa phương trong WTO mang lại cơ hội để Mỹ làm mới vai trò lãnh đạo của mình nhằm duy trì một nền kinh tế thế giới mở, dựa trên luật lệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục