'Liều thuốc' nào có thể cứu thỏa thuận hạt nhân đang thoi thóp?

'Liều thuốc' nào có thể cứu thỏa thuận hạt nhân Iran đang thoi thóp?

Con đường cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran kể từ sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi tháng 5/2018 thực sự quá gian nan, mà chỉ một tính toán sai lầm cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường.
'Liều thuốc' nào có thể cứu thỏa thuận hạt nhân Iran đang thoi thóp? ảnh 1Đại diện các nước tham gia Hội nghị Vienna ở Áo ngày 28/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đại diện các quốc gia còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), gồm Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran sau cuộc họp khẩn tại Vienna (Áo) ngày 28/7 đã "tái khẳng định tiếp tục cam kết duy trì JCPOA."

Tuy nhiên, giống như cuộc họp đầu tiên ở thủ đô của nước Áo cách đây 1 tháng không đạt đột phá nào, hội nghị lần này cũng chưa thực sự mang lại điều gì mới mẻ, chưa thấy khả năng thế bế tắc sớm được tháo gỡ để cứu thỏa thuận đang "thoi thóp."

Cuộc họp này diễn trong bối cảnh đặc biệt, không chỉ căng thẳng Mỹ-Iran tiếp tục leo thang chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mà cả Anh, một bên tham gia JCPOA, cũng đã lao vào cuộc tranh cãi với Tehran sau khi hai bên bắt giữ tàu chở dầu của nhau.

Mặc dù đều tuyên bố không muốn đối đầu, song cả Iran và Anh đều chưa tỏ thái độ nhân nhượng. Căng thẳng giữa Anh và Iran càng khiến cơ hội đạt được thỏa thuận giữa các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia JCPOA với Tehran trở nên khó khăn thêm.

Cho tới nay, Iran đã từng bước hiện thực hóa lời cảnh báo điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết trong JCPOA, sau khi các quốc gia còn lại, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức, không chỉ ra một con đường khả quan để cứu vãn thỏa thuận, giúp Iran tránh những đòn trừng phạt của Mỹ.

Sau khi Tehran tuyên bố vượt xa hạn mức urani làm giàu cấp thấp được phép dự trữ là 300kg và bắt đầu làm giàu urani hơn giới hạn 3,67% nêu trong thỏa thuận (lên 4,5%), ngay trước cuộc họp ngày 28/7, Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran xác nhận nước này đã làm giàu 24 tấn (24.000kg) urani kể từ khi tham gia JCPOA, và tái khởi động lại lò phản ứng nước nặng tại cơ sở Arak.

Các chuyên gia cảnh báo khi mức làm giàu urani được nâng lên và lượng dự trữ cũng không ngừng gia tăng thì thời hạn một năm để Iran có đủ nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử cũng thu hẹp, dù Tehran đã khẳng định không có ý định chế tạo bom nguyên tử.

Tuyên bố mới của Iran về con số 24 tấn urani đã làm giàu có thể là một động thái cảnh báo từ phía Tehran rằng nếu các nước châu Âu tiếp tục chậm trễ và để Iran một mình chống đỡ các biện pháp trừng phạt từ Washington, thì JCPOA cuối cùng sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

Thực tế thì nội dung cốt lõi của JCPOA là Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc quốc tế ngừng các biện pháp trừng phạt, hướng tới bình thường hóa quan hệ kinh tế.

Tuy nhiên, các biện pháp tái trừng phạt ngày càng siết chặt của Mỹ nhằm vào Iran, nhất là trong lĩnh vực dầu mỏ, ngành kinh tế chủ lực của quốc gia Hồi giáo này, đã làm tổn hại nặng nề nền kinh tế Iran.

Ước tính 80% nền kinh tế Iran hiện đang phải chịu tác động của các biện pháp trừng phạt đơn phương mà Mỹ áp đặt, khiến Tehran tỏ ra "quyết liệt" gây sức ép, lấy việc tuân thủ JCPOA như một "quân bài mặc cả" buộc các nước EU cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.

[Iran tiết lộ lý do Mỹ từ chối đẩy nhanh công tác thanh sát hạt nhân]

Trong khi đó, EU, một mặt chịu áp lực từ Mỹ để loại bỏ hoàn toàn JCPOA, mặt khác bị Iran thúc ép, thực sự "tiến thoái lưỡng nan."

EU phụ thuộc vào quan hệ đồng minh với Mỹ, đồng thời lại có những lợi ích kinh tế khi duy trì hợp đồng thương mại với Iran, không thể đóng vai trò "cầu nối trung lập" để tháo gỡ căng thẳng giữa Tehran và Washington.

Sau cuộc họp tại Vienna, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi khẳng định Tehran sẽ tiếp tục thu hẹp phạm vi tuân thủ cam kết và chỉ đảo ngược những quyết định này khi các đối tác châu Âu đưa ra biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo lợi ích Tehran theo thỏa thuận, tuyên bố thể hiện thái độ khá cứng rắn của Iran.

Cùng với đó, các bên chưa có tiến triển gì trong việc dập mồi lửa căng thẳng vùng Vịnh xoay quanh các vụ bắt giữ, tấn công tàu chở dầu.

Khả năng Anh tham gia một liên minh quân sự cùng với Mỹ tại vùng Vịnh, động thái được cho sẽ dẫn tới nguy cơ đối đầu quân sự, cũng bỏ ngỏ khi Anh đưa ra đề xuất thành lập một đội tàu hải quân hộ tống tàu của châu Âu qua khu vực này.

'Liều thuốc' nào có thể cứu thỏa thuận hạt nhân Iran đang thoi thóp? ảnh 2Nhà máy nước nặng Arak ở cách thủ đô Tehran của Iran 320km về phía nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tình trạng leo thang hiện nay đang tạo ra quá nhiều mối đe dọa lớn theo kiểu hiệu ứng domino. Khi thỏa thuận hạt nhân đổ vỡ, khó có gì ràng buộc Iran trong vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân, kèm theo đó là một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Iran và Mỹ, mà sức nóng chắc chắn lan rộng cả khu vực Trung Đông, khi đó an ninh của châu Âu cũng chịu ảnh hưởng.

Bởi vậy, EU vẫn chủ trương bảo vệ JCPOA, song dường như các nước EU chưa tìm được cách để "cân bằng" các lợi ích trong vấn đề này.

Trong khi đó, "chiến thuật" gây sức ép của Iran cũng có nguy cơ "già néo đứt dây."

Con đường cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran kể từ sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi tháng 5/2018 thực sự quá gian nan, mà chỉ một tính toán sai lầm cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục