Theo mạng tin eastasiaforum, ông Shinzo Abe đang bước vào năm thứ 6 với vai trò thủ tướng, và ông sẽ trở thành thủ tướng nắm quyền lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản nếu ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021.
Vai trò lãnh đạo của ông đã đem lại sự ổn định cho nền chính trị Nhật Bản - điều đã thiếu vắng tại quốc gia này giai đoạn trước năm 2012 khi các lãnh đạo chính trị thay nhau lên cầm quyền, trong đó phải kể đến nhiệm kỳ thảm họa chỉ kéo dài một năm của ông Abe năm 2006.
Sự lãnh đạo của ông trong lĩnh vực kinh tế đã khác biệt hẳn so với trước đây. Gói cải cách “Abenomics” mà Thủ tướng Abe vận động chính là thứ đã giúp Nhật Bản thoát ra khỏi hai thập kỷ tăng trưởng chậm.
Tuy nhiên, ông vẫn chưa thực sự có đủ vốn chính trị cần thiết để tạo ra những lợi ích bền vững có được từ cải cách, mà đây mới là vấn đề chính.
Ông Abe hiện chỉ làm đủ những điều cần thiết trong lĩnh vực kinh tế để giữ nền kinh tế Nhật Bản duy trì trạng thái ổn định, còn mục tiêu chính trị chính của ông là đưa lực lượng quân sự Nhật Bản trở về trạng thái bình thường.
Ông Abe giao cho thống đốc Ngân hàng Trung ương Haruhiko Kuroda sứ mệnh giải quyết tình trạng giảm phát của Nhật Bản, song giá cả tại Nhật Bản vẫn chưa thể được nâng lên mức đúng mục tiêu đã đề ra là 2%/năm.
Phần lớn tăng trưởng kinh tế được ghi nhận của Nhật Bản là nhờ học thuyết kinh tế Keynes - nới nỏng tài chính và tiền tệ - thay vì những cải cách về cấu trúc.
Có hai thách thức lớn vẫn đeo bám nền kinh tế Nhật Bản, đó là tình trạng dân số đang già hóa và giảm đi, và mức nợ công chưa từng có trong lịch sử hiện đã lên đến 240% GDP.
Như Masahiko Takeda giải thích trong bài bình luận gần đây của ông, "các điều kiện kinh tế của Nhật Bản không quá nóng cũng không quá lạnh."
Tuy nhiên, theo lý thuyết vùng Goldilock thì không có quá nóng hay quá lạnh, chỉ có "vừa phải."
Thuế tiêu dùng tại Nhật Bản sẽ tăng từ 8 lên 10% vào tháng 9 tới, và chính phủ của ông Abe đã chính thức lần đầu tiên mở cửa cho người nhập cư. Cả hai biện pháp trên đều liên quan tới một sự thỏa hiệp quan trọng.
Thuế tiêu dùng sẽ giữ nguyên mức 8% đối với một số mặt hàng thực phẩm, dẫn tới tình trạng "thiếu rõ ràng nghiêm trọng" trong lĩnh vực tiêu dùng và trong trợ cấp của chính phủ.
Cùng một loại thực phẩm nhưng sẽ bị đánh thuế khác nhau, phụ thuộc vào việc loại thực phẩm đó được ăn ở đâu. Đây là một chính sách tồi và gây lộn xộn.
Rủi ro nghiêm trọng hơn là việc nhanh chóng cho thông qua những thay đổi về luật nhập cư. Việc mở cửa cho lao động nước ngoài được phép ở vô hạn định tại Nhật Bản được ca ngợi là bước ngoặt của nước này (năm 2017 Nhật Bản chỉ tiếp nhận 20 người tị nạn), song chính sách này cần phải thay đổi nhiều nếu người dân Nhật Bản không chịu nổi cú sốc này.
Lao động nước ngoài sẽ được phép vào Nhật Bản với visa làm việc 5 năm cùng với cả gia đình, và sau đó được gia hạn vô hạn định. Tuy nhiên, với bất kể chương trình nào liên quan tới vấn đề nhập cư, điều quan trọng là điều gì xảy ra phía sau đường biên giới.
Để các lao động nước ngoài thành công ở Nhật Bản, và để Nhật Bản có thể thu hút được những người tài năng nhất từ nước ngoài, những người nhập cư phải được hưởng những quyền lợi ngang bằng người bản xứ, phải được tiếp cận các dịch vụ và cơ hội thành công trong xã hội.
Nguy cơ ở đây là cộng đồng những người nước ngoài mới tại Nhật Bản, và ngay cả với những trẻ em được sinh ra tại Nhật Bản, sẽ bị gạt ra ngoài lề và bị phân biệt đối xử trong xã hội.
Một điều rõ ràng là hiện nay thế hệ thứ ba của những người Triều Tiên sống tại Nhật Bản, hay còn gọi là Zainichi, không được đối xử công bằng tại quốc gia này.
Cải cách nhập cư muốn làm đúng thì chính phủ phải thực hiện thêm các công tác chuẩn bị cho các doanh nghiệp và xã hội Nhật Bản chấp nhận dòng chảy lao động nước ngoài tài năng từ nước ngoài.
Nhật Bản là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thịnh vượng đối với người nhập cư, tuy nhiên Nhật Bản không thể mong đợi tự nhiên có thể thu hút được những người tài năng nhất nếu không giúp họ về ngoại ngữ và cung cấp cho họ những hỗ trợ khác để hòa nhập vào xã hội và tiếp cận những cơ hội để thành công.
Sự thay đổi về chính sách nhập cư của Nhật Bản rất đáng được hoan nghênh, song việc thực hiện chính sách này một cách cẩu thả và bừa bãi sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với những cải cách tốt đẹp.
Ông Takeda đã nhắc nhở chúng ta rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung cũng có thể gây ra "luồng gió ngược" đối với nền kinh tế Nhật Bản. Cách Mỹ giải quyết vấn đề thương mại với Trung Quốc - giữ cơ chế thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm "con tin" - gây đe dọa tới sự thịnh vượng của Nhật Bản và thương mại toàn cầu.
Mặc dù Nhật Bản có vẻ như chẳng thể giúp gì trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, song Nhật Bản đang là chủ tịch của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại thời điểm then chốt này.
Tuyên bố chung của G20 ở Argentina cuối năm ngoái đã mở ra cơ hội để cải cách WTO. Nhật Bản có khả năng để tìm ra cách giải quyết căng thẳng Mỹ-Trung trong một cơ chế đa phương.
Tại một khu vực, nơi những nhà lãnh đạo của các nước khác đến và đi hay thậm chí là thách thức tính nguyên trạng của toàn cầu, ông Abe và Nhật Bản đã đem lại một sự lãnh đạo ổn định, dẫn tới việc ký kết TPP mà không cần có Mỹ, và tạo ra một bước đột phá trong việc cải thiện quan hệ Trung-Nhật đầy khó khăn.
Ông Abe chưa bao giờ lơ là mục tiêu lâu nay của ông là sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, nhằm cho phép Nhật Bản có quân đội bình thường.
Tuy nhiên, sự thành công của ông chắc chắn sẽ được quyết định bởi cách Nhật Bản quản lý chương trình nhập cư mới và vai trò chủ tịch G20 hiện nay./.