Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đẩy Địa Trung Hải vào xung đột vũ trang?

Căng thẳng leo thang liên quan đến các nguồn dự trữ năng lượng ở Đông Địa Trung Hải đã thu hút sự chú ý đối với chính sách khu vực hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ.
Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cuộc tập trận trên Địa Trung Hải ngày 6/9/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dường như cho rằng các chính sách gây hấn của mình, trong đó gồm việc theo đuổi các nguồn năng lượng và gợi nhớ đến hành vi của Đế chế Ottoman, đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở trong nước.

Đó là nhận định của Yaakov Amidror, chuyên gia hàng đầu làm việc tại Viện Do Thái An ninh Quốc gia thuộc Trung tâm Gemunder về Quốc phòng và Chiến lược của Mỹ và cũng từng là Cố vấn An ninh Quốc gia của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, đồng thời là người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Israel từ năm 2011-2013.

Nội dung bài viết như sau:

Căng thẳng leo thang liên quan đến các nguồn dự trữ năng lượng ở Đông Địa Trung Hải, nơi gần đây đã xảy ra đụng độ giữa tàu chiến của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, đã thu hút sự chú ý đối với chính sách khu vực hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nước này đón tiếp các quan chức cấp cao của Phong trào Hồi giáo Hamas và cho phép họ lên kế hoạch tổ chức các vụ tấn công khủng bố chống Israel từ Istanbul.

Ankara đã gửi quân đến Qatar sau khi Doha bị các nước Arab cáo buộc bảo trợ khủng bố và bị phong tỏa.

[Thổ Nhĩ Kỳ tập trận, căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải leo thang]

Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công người Kurd ở Syria, lực lượng từng hỗ trợ Mỹ chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Và Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa cắt đứt quan hệ với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) do thỏa thuận hòa bình được công bố mới đây với Israel - mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có đại sứ quán ở Tel Aviv.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdoğan đã mở rộng cách tiếp cận hiếu chiến này ra Địa Trung Hải, đưa binh lính đến Libya và ủng hộ Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) vốn chịu ảnh hưởng của Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB), theo đó chiến đấu chống Quân đội Quốc gia Libya do Ai Cập và UAE hậu thuẫn.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một thỏa thuận hàng hải với GNA để phân định các Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ, theo đó hoàn toàn bỏ qua các quyền lợi của Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp - quốc gia đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Cả hai quốc gia trên đều bị đe dọa bởi những âm mưu của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm biến các vùng biển ở Địa Trung Hải thành biển của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đang lợi dụng thỏa thuận đáng ngờ này để hợp pháp hóa các hoạt động thăm dò năng lượng ở các khu vực, mà theo luật hàng hải quốc tế, là vùng biển kinh tế của Hy Lạp và Cyprus, đồng thời đe dọa sử dụng hải quân để chống lại bất cứ ai cố gắng can thiệp - ngay cả khi hành động đó là vi phạm luật pháp quốc tế.

Nhiều khả năng, tình trạng này diễn ra là do sự yếu kém của Liên minh châu Âu (EU), vốn không thể nhất trí hành động ngay cả khi các quốc gia thành viên đối đầu với một nước láng giềng thù địch và Mỹ không thể phát huy được ảnh hưởng của mình.

Ông Erdogan đã hiểu được rằng sử dụng vũ lực sẽ mang lại hiệu quả trừ khi phía bên kia sẵn sàng đáp trả bằng vũ lực mạnh hơn như Israel chẳng hạn.

Động cơ nào thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ? Trong khi nước này đang phục hồi tương đối khả quan sau đại dịch COVID-19, họ vẫn tiếp tục phải gánh chịu cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra.

Ông Erdogan dường như nghĩ rằng các chính sách hiếu chiến của ông, gợi nhớ đến hành vi thời Đế chế Ottoman, nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở trong nước.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dường như cảm nhận được sự suy yếu của các cường quốc khác trong khu vực, đặc biệt là EU, và ông muốn mở rộng ảnh hưởng của quốc gia bằng cái giá của những nước khác ở Địa Trung Hải – những nước mà nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ, phần lớn sẽ không có khả năng phòng vệ.

Tàu thăm dò địa chất Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực ngoài khơi thành phố Antalya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sự can thiệp quy mô lớn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào Libya đặt ra mối đe dọa thường trực đối với Ai Cập.

Ngoài ra, người Thổ Nhĩ Kỳ ở Ai Cập cũng bị coi thường; và căng thẳng giữa các bên vốn đã rất gay gắt trước khi xuất hiện những diễn biến mới nhất.

Cho đến nay, Ai Cập đã hạn chế gửi quân ra nước ngoài để chống lại ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya, một phần do tranh chấp hiện tại với Ethiopia về sông Nile.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi phải quyết định điều gì gây nguy hiểm cho mình hơn và hành động phù hợp.

Ngoài tuyên bố ủng hộ Hy Lạp mới đây, Israel cho đến nay không can dự vào bất kỳ cuộc xung đột nào.

Libya ở cách xa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ không đe dọa xâm phạm EEZ của Israel ở Địa Trung Hải.

Các tuyên bố chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ chồng lấn với các tuyên bố chủ quyền của Hy Lạp và Cyprus.

Xung đột giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ những ngày này liên quan đến việc Ankara ủng hộ Hamas, cũng như âm mưuc của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giành ảnh hưởng đối với người Palestine bằng cách đầu tư vào Đông Jerusalem.

Khi ông Erdogan biến Hagia Sophia trở lại thành một đền thờ Hồi giáo, đã có tin đồn rằng Thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem sẽ là nơi tiếp theo được giải phóng - nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh giác với việc sử dụng vũ lực trong quan hệ với Israel kể từ sau thất bại Mavi Marmara hồi năm 2010.

Tuy nhiên, Israel có kế hoạch rõ ràng để kết nối với châu Âu thông qua một đường ống dẫn khí đốt và cáp điện, vốn đang được cho là đi qua Cyprus.

Liệu Thổ Nhĩ Kỳ có cố can thiệp vào các dự án này, với cái cớ chúng đi qua Vùng đặc quyền kinh tế mà Ankara đã thiết lập với sự hỗ trợ của GNA? Đó sẽ là lời tuyên chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Israel - quốc gia sẽ không ngần ngại bảo vệ các lợi ích quan trọng của mình ở Địa Trung Hải.

Dù bằng cách nào, có vẻ như Đông Địa Trung Hải có thể leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang dù có hay không sự tham gia của Jerusalem - một thực tế nghiệt ngã có thể xảy ra do sự kém cỏi của châu Âu, sự thờ ơ của Mỹ và sự hung hăng của Thổ Nhĩ Kỳ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục