Liệu Nga có hưởng lợi sau vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia?

Nhìn chung, những lợi ích mà Nga có được sau vụ tấn công các cơ sở lọc dầu Khurais và Abqaiq dường như hạn chế, trong khi các rủi ro tiềm ẩn về việc gián đoạn nguồn cung của Saudi Arabia là cao.
Liệu Nga có hưởng lợi sau vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia? ảnh 1Khói bốc lên từ cơ sở lọc dầu của Aramco tại Abqaiq, Saudi Arabia, sau vụ tấn công ngày 14/9. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo bài viết đăng trên trang mạng Al-Monitor, sau các vụ tấn công vào cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia ngày 14/9, một số nhà quan sát kết luận rằng các nước xuất khẩu dầu mỏ, cụ thể là Nga, sẽ là bên hưởng lợi chính sau vụ việc này.

Nếu Riyadh thất bại trong việc khôi phục sản lượng như ban đầu trong thời gian ngắn, các đánh giá cho rằng khả năng sản xuất dự phòng của các nước xuất khẩu khác sẽ không đủ khả năng bù đắp việc thiếu tới gần 6 triệu thùng/ngày trên thị trường.

Một kịch bản như vậy sẽ có lợi cho các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ chốt, nhưng không đem lại lợi ích cho các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Song song với điều này, việc xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia giảm sẽ giải quyết được vấn đề đã được dự báo là nguồn cung vượt cầu trong năm 2020 và cho phép các OPEC+ (gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và các đồng minh) đạt lợi nhuận tối đa bằng việc bỏ các mức giới hạn về sản xuất mà các nước này đã áp dụng từ năm 2016 để tăng giá dầu.

Tin tức về các cuộc đàm phán bí mật việc Saudi Arabia mua dầu thô của Iraq để bù đắp sản lượng thiếu cho ngành công nghiệp hóa dầu của nước này càng làm cho gia tăng kỳ vọng về việc OPEC+ từ bỏ hạn mức sản xuất dầu thô.

Giá dầu tăng là một lý do khác khiến một số nhà quan sát đánh giá Nga là bên hưởng lợi nhất sau vụ tấn công trên.

Giá dầu tăng dĩ nhiên giúp Nga tăng nguồn thu, bỏ các hạn mức về sản lượng khai thác dầu thô, làm hài lòng các đại gia dầu mỏ của Nga như Rosneft.

Công ty này trước đó đã phàn nàn về các rủi ro và thiệt hại khi phải giảm sản lượng dầu thô để phù hợp với cam kết của Nga trong OPEC+.

[Xuất hiện video ghi lại vụ tấn công cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia]

Ngoài ra, chỉ trong vài ngày sau vụ tấn công, Rosneft và Lukoil tuyên bố sẵn sàng tăng sản lượng dầu thô cho khách hàng nước ngoài.

Bất chấp những kỳ vọng rằng Nga sẽ hưởng lợi từ vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu mỏ Khurais và Abqaiq tại Saudi Arabia, lợi ích Nga thu được tương đối hạn chế.

Những cú sốc về sản lượng hiếm khi kéo dài, bởi nhu cầu cần ít thời gian để điều chỉnh hơn so với trường hợp nguồn cung cần điều chỉnh sau các cú sốc.

Các ước tính ban đầu về khả năng của Saudi Arabia sửa chữa các cơ sở dầu mỏ dường như đã quá tiêu cực và nay việc khôi phục sản lượng trở lại mức trước khi bị tấn công sẽ hoàn tất vào đầu tháng Mười (trong khi việc khôi phục năng lực sản xuất sẽ cần hơn 2 tháng).

Thậm chí kể cả nếu tốc độ khôi phục sản lượng của Saudi Arabia có chậm lại, nguồn dự trữ dầu thô của thế giới vẫn đủ để đáp ứng các nhu cầu hiện thời lên tới 4 tháng, một thời gian đủ để nền kinh tế toàn cầu tái điều chỉnh nhu cầu và khôi phục trở lại năng lực sản xuất.

Do đó, lợi nhuận của các nước xuất khẩu dầu từ cuộc khủng hoảng tạm thời sẽ không đáng kể và không liên quan nhiều đến vụ tấn công ngày 14/9 cũng như khả năng có thêm các vụ tấn công khác.

Khả năng các cuộc tấn công mới nhằm vào cơ sở dầu mỏ tại vùng Vịnh sẽ bảo đảm một sự gia tăng nhẹ trong xu hướng giá dầu.

Đánh giá về các rủi ro xuất khẩu dầu thô từ khu vực giúp giá dầu dao động trong khoảng 60-70 USD/thùng. Mức dao động này có lợi cho Moskva, nhưng còn ở dưới mức 100 USD/thùng rất nhiều.

Thị trường dầu thô toàn cầu còn bị tác động bởi các yếu tố khác có mức độ ảnh hưởng hơn nhiều, đó là nhu cầu dầu.

Như Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây khẳng định ông không cố gắng tìm kiếm một thỏa thuận với Trung Quốc trước cuộc bầu cử năm 2020 để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Điều này có nghĩa là cuộc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục làm chậm sự phát triển của kinh tế toàn cầu, tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ dầu thô và làm giảm giá dầu.

Ngoài ra, nguy cơ có thêm các cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu và khai thác dầu tại vùng Vịnh sẽ gây sức ép tới khách hàng và khiến họ giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ khu vực này.

Đầu tiên, quá trình này sẽ tác động đến các khách hàng châu Á của Saudi Arabia như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước mà nhập khẩu từ Riyadh chiếm từ 16-35% trong tổng dầu thô nhập khẩu.

Thực trạng này sẽ tạo điều kiện cho Nga trở thành phương án thay thế đối với các khách hàng châu Á, những nước muốn giảm sự phụ thuộc vào Saudi Arabia.

Trong thập kỷ vừa qua, Trung Quốc ngày càng tăng mua dầu thô của Nga để giảm phụ thuộc vào năng lượng từ vùng Vịnh, nhưng Nga không chỉ là nguồn cung thay thế duy nhất về xăng dầu cho các khách hàng châu Á, cũng như chưa phải là lựa chọn chính.

Các chuyên gia cho rằng do sản lượng dầu thô của Mỹ ngày càng tăng, Mỹ có thể gia tăng lợi nhuận khi đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường châu Á nếu các nước quyết định đa dạng hóa nguồn cung.

Vì vậy, trong những ngày đầu tiên sau vụ tấn công nhằm vào Abqaiq, các nhà nhập khẩu xăng dầu hóa lỏng từ Trung Quốc đã rất nghiêm túc trong cân nhắc mua một số lượng dự phòng từ Mỹ để bù lại cho khả năng trì hoãn từ Saudi Arabia.

Đáng chú ý rằng mức thuế quan cao mà Trung Quốc đã áp đặt lên hàng hóa Mỹ đã không ngăn được khách hàng từ Trung Quốc cân nhắc lựa chọn từ Mỹ.

Moskva có khả năng tăng sản lượng rất giới hạn chỉ khoảng 250.000-300.000 thùng/ngày và mất vài tuần mới có thể đưa vào thị trường.

Chính vì vậy, năng lực sản xuất của Nga được cho là sẽ bắt đầu giảm trong năm 2020-2021.

Ngoài ra, thậm chí trong kịch bản tồi tệ nhất, Saudi Arabia phải chịu tình trạng đình trệ vài tháng để sửa chữa các cơ sở đã bị phá hủy. Điều này cũng sẽ không mạng lại nhiều triển vọng tích cực cho Nga.

Vấn đề đối với nền kinh tế Nga hiện nay là thiếu hoạt động đầu tư. Bất kỳ dự án đầu tư lớn nào được thực hiện hiện nay cũng sẽ mất 5-6 năm để đi vào hoạt động và sinh lời.

Điều này có nghĩa các nhà đầu tư tiềm năng sẽ muốn được bảo đảm có một sự chuyển tiếp quyền lực trơn tru tại Nga vào năm 2024.

Bất chấp các khó khăn kinh tế, Moskva vẫn có thặng dư ngân sách. Nga tích trữ tiền thu được từ hoạt động xuất khẩu "vàng đen" khi giá dầu trên 40 USD/thùng, vì Kremlin cho rằng tình hình kinh tế có thể xấu đi trong tương lai.

Do đó, giới quan sát đánh giá "vận đỏ" từ cuộc tấn công ngày 14/9 sẽ đi vào ngân khố thay vì hỗ trợ nền kinh tế.

Nhìn chung, những lợi ích mà Nga có được sau vụ tấn công các cơ sở lọc dầu Khurais và Abqaiq dường như hạn chế, trong khi các rủi ro tiềm ẩn về việc gián đoạn nguồn cung của Saudi Arabia là cao.

Theo đó, Moskva không vội vàng khai thác các cơ hội đang dần hiện ra mà chờ cho đến khi thị trường trở lại như tình trạng trước vụ tấn công./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục