Liệu lạm phát cao ở Mỹ có thể giảm xuống trong thời gian tới?

Trong 12 tháng tính đến hết tháng 11/2021, giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 6,8% - cao nhất trong 39 năm. Nhiều chuyên gia dự đoán lạm phát sẽ ở gần mức này trong vài tháng, song sẽ giảm dần trong năm 2022.
Rau quả được bày bán tại một gian hàng ở Washington D.C. (Mỹ), ngày 12/8/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao trong gần 40 năm, nhưng giới quan sát kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Tính chung 12 tháng tính đến hết tháng 11/2021, giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 6,8%, mức cao nhất trong 39 năm. Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán lạm phát sẽ vẫn ở gần mức này trong vài tháng, song sẽ giảm dần trong năm 2022 do một vài lý do.

Giới chuyên gia không thấy lý do để lặp lại tình trạng như những năm 1970 và đầu những năm 1980, khi lạm phát tăng trên mức 10% trong một thời gian dài.

Các hộ gia đình Mỹ có thể nhận được cứu trợ ở một số khu vực trong vài tuần. Giá dầu thô và khí đốt tự nhiên trên thị trường thế giới giảm, kéo theo giá bán thấp hơn tại các trạm xăng và hệ thống sưởi trong nhà. Điều này sẽ giúp kiểm soát lạm phát ở mức độ nào đó, ngay cả khi giá cả tiếp tục tăng ở nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát sẽ ở mức cao hơn so với trước đại dịch, ngay cả khi giảm đi trong năm 2022. Trong hơn 10 năm qua, lạm phát ở dưới mức 2% và thậm chí giảm xuống dưới 0% trong ­năm 2015. Nền kinh tế gặp một số nguy hiểm khi lạm phát ở mức quá thấp, bởi nó có thể dẫn đến nền kinh tế suy thoái.

Chuyên gia kinh tế Russell Price, trưởng bộ phận kinh tế của tổ chức tài chính Ameriprise (Mỹ), kỳ vọng lạm phát sẽ đạt đỉnh 7,1% trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022. Sau đó, ông Price dự báo lạm phát sẽ giảm xuống 4% trong mùa Hè và dưới 3% vào cuối năm sau, nhưng vẫn sẽ ở trên mức 2% cho đến năm 2023.

[Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022]

Theo chuyên gia Price, một trong những nguyên nhân khiến lạm phát thay đổi là chuỗi cung ứng được cải thiện. Chuỗi cung ứng gặp khó khăn sau khi nền kinh tế thế giới phục hồi trở lại sau khi đóng cửa một thời gian ngắn. Và giới chuyên gia kinh tế hy vọng hàng hóa ngày càng sẵn sàng hơn, từ chip máy vi tính đến vận chuyển container, điều sẽ giúp giảm lạm phát.

Ngoài ra, giới đầu tư Phố Wall kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh tốc độ rút chương trình mua trái phiếu hàng tháng nhằm hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch khi nhóm họp trong hai ngày 14-15/12. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho lãi suất bắt đầu tăng trong ngắn hạn.

Việc mua trái phiếu và lãi suất thấp đều nhằm thúc đẩy việc đi vay, khiến người dân và các công ty mua nhiều thứ hơn. Tình hình đó có thể đẩy lạm phát lên cao khi nhu cầu vượt nguồn cung.

Chính phủ Mỹ có khả năng sẽ cung cấp ít tiền viện trợ hơn cho các hộ gia đình vào năm 2022, dù là thông qua thanh toán tín dụng thuế cho trẻ em hoặc trợ cấp thất nghiệp. Điều này có thể khiến người Mỹ mua ít hơn, qua đó giảm bớt áp lực về lạm phát.

Đồng thời, người Mỹ có thể thấy sự thay đổi lạm phát thông qua chi phí năng lượng. Theo số liệu của Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA), giá xăng cuối tuần qua đã giảm 2,4% so với tháng trước, nhưng vẫn cao hơn so với giá cùng kỳ năm ngoái, khi một gallon ( tương đương 3,785 lít) có giá 2,16 USD.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá xăng sẽ tiếp tục giảm xuống mức trung bình 3,13 USD/gallon trong tháng 12 so với mức giá 3,39 USD /gallon trong tuần vừa qua - mức cao nhất kể từ năm 2014, và dự báo 2,88 USD/gallon trong cả năm 2022.

Nguyên nhân giá nhiên liệu giảm khi Chính phủ Mỹ đạt được thỏa thuận với các nước tăng cường nguồn cung dầu mỏ, trong khi biến thể mới Omicron của COVID-19 làm nhu cầu năng lượng giảm do lo ngại biến thể mới sẽ gây ra những đợt phong tỏa và hủy các chuyến du lịch.

Không chỉ vậy, chi phí cho sưởi ấm trong nhà cũng có khả năng giảm dù các hóa đơn vẫn có thể cao hơn năm ngoái, do giá khí đốt tự nhiên giảm theo xu hướng đi xuống của giá các loại nhiên liệu khác trên toàn cầu.

Tuy nhiên, yếu tố tác động lớn tới lạm phát là vấn đề tiền lương của người lao động Mỹ. Người lao động Mỹ đang đấu tranh để đòi trả lương cao. Ví như, nhân viên của công ty Deere & Co. đã đạt được một thỏa thuận tăng ngay 10% lương. Các công ty thường cố gắng chuyển những khoản chi phí tăng như lương, sang cho khách hàng thông qua việc tăng giá cao hơn.

Với việc tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ thấp và các công ty “săn đón” người lao động do thiếu nhân lực, sẽ tạo ra áp lực đẩy lương tăng cao nhanh hơn.

Trên hết là liệu sự gia tăng đột biến của lạm phát có khiến các hộ gia đình Mỹ đẩy nhanh việc mua hàng để đề phòng bất cứ đợt tăng giá nào nữa không. Điều này sẽ tạo ra tác động phản hồi ngược lại, khiến giá cả tăng cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục