Liệu "hộ chiếu vaccine" có là lời giải cho khủng hoảng ngành du lịch?

Do có những quan điểm khác nhau về hiệu quả và lợi ích chính trị của hộ chiếu vaccine, nên không có gì ngạc nhiên khi các chính phủ hầu như chưa có sự đồng thuận.
Liệu "hộ chiếu vaccine" có là lời giải cho khủng hoảng ngành du lịch? ảnh 1Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Prayagraj, Ấn Độ, ngày 25/3/2021. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo Nikkei Asia, Reuters, kể từ khi chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 được triển khai, câu hỏi về "hộ chiếu vaccine" cho phép những người đã tiêm chủng được phép di chuyển và du lịch giữa các nước mà không phải cách ly đang trở thành vấn đề được xã hội rất quan tâm.

“Hộ chiếu vaccine”, chứng nhận xanh hay chứng nhận tiêm chủng số là tên gọi chung của một loại thẻ số hay giấy chứng nhận cho người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Hiện một số nước đã ban hành loại chứng nhận này nhằm giảm những rào cản, hạn chế đối với người đã được tiêm chủng trong đời sống xã hội, trong khi một số nước và khu vực cũng đang tích cực thúc đẩy việc áp dụng mô hình trên, với mục tiêu cứu vãn nhiều ngành nghề bên bờ vực phá sản do đại dịch COVID-19 kéo dài.

Tương lai ảm đạm của "hộ chiếu vaccine"

Sự xuất hiện của các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt đã đưa đến những ý tưởng mới về cách thức từng bước mở cửa xã hội trở lại thông qua vaccine.

Chính phủ và các tổ chức tư nhân có thể phát hành các loại thẻ và ứng dụng chứng nhận tình trạng tiêm chủng vaccine, đồng thời cho phép những người đã tiêm chủng được đến các địa điểm như phòng tập thể dục, rạp chiếu phim và nhà hàng. Một số nước như Israel đang thực hiện chính sách này.

Tuy nhiên, vấn đề phức tạp hơn liên quan đến hoạt động du lịch quốc tế. Các thỏa thuận giữa các chính phủ có thể từng bước mở rộng "hộ chiếu vaccine" xuyên biên giới, tạo thuận lợi cho người dân có được những trải nghiệm du lịch bình thường.

[Châu Âu loay hoay với việc thống nhất hộ chiếu vaccine]

Giáo sư Joseph M. Cheer từ Trung tâm nghiên cứu du lịch thuộc Đại học Wakayama, Nhật Bản, cho biết: “Vào những năm 1970, việc tiêm phòng và kiểm tra sức khỏe đầy đủ là điều kiện cần thiết để di chuyển qua nhiều quốc gia. Việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng có thể sẽ trở thành tiêu chuẩn cho các chuyến bay quốc tế. Khả năng tự do đi lại như khi đại dịch chưa xảy ra vẫn còn rất xa vời.”

Việc Trung Quốc phát hành Chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế hôm 8/3 là một tin tốt lành đối với những người thường xuyên đi lại giữa các quốc gia vì lý do công việc hoặc du lịch.

Người dân Trung Quốc có thể dễ dàng tải chứng nhận này trên WeChat - một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến. Chứng nhận này hiển thị tình trạng COVID-19 hiện tại, kết quả các xét nghiệm gần đây và hồ sơ tiêm chủng của người dùng.

Là một trong những "hộ chiếu vaccine" đầu tiên trên thế giới, nó có thể cách mạng hóa ngành du lịch. Victor, một nhà tài chính 30 tuổi làm việc tại Hong Kong (Trung Quốc), nói: “Hy vọng rằng với 'hộ chiếu vaccine,' tôi sẽ được miễn các xét nghiệm và biện pháp cách ly không cần thiết.”

Tuy nhiên, cho đến nay, thực tế lại đáng thất vọng. Anh Victor đã được tiêm chủng một trong những loại vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc vào tháng 2/2021.

Tuy có chứng nhận sức khỏe nhưng anh vẫn phải cách ly 2 tuần tại một cơ sở của nhà nước và phải làm xét nghiệm COVID-19 khoảng 2 lần/ngày nếu muốn trở về Trung Quốc đại lục. Điều này khiến anh cảm thấy thất vọng.

Mặc dù giấy chứng nhận sức khỏe giúp đơn giản hóa tiến trình xin thị thực đối với người nước ngoài, nhưng những du khách đã được tiêm phòng vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa như bất kỳ ai đi du lịch đến Trung Quốc. Vì vậy, mục tiêu được miễn cách ly khi du lịch quốc tế vẫn là điều bất khả thi trong tương lai gần.

Mặc dù vậy, chứng nhận sức khỏe đã củng cố hy vọng về việc khởi động lại các hoạt động di chuyển và du lịch như bình thường trên toàn thế giới. Kể từ khi bùng phát COVID-19, ngành du lịch là một trong những ngành bị tác động nghiêm trọng và nặng nề nhất.

Theo số liệu mới công bố của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO), đại dịch trong năm 2020 đã thổi bay khoảng 1.300 tỷ USD của ngành du lịch quốc tế, khiến lượng khách quốc tế giảm khoảng 1 tỷ lượt, tương đương giảm 74% so với năm 2019.

Thiệt hại do đại dịch gây ra cao hơn 11 lần so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, ảnh hưởng tới 120 triệu việc làm toàn cầu, trong đó châu Âu là nạn nhân lớn nhất.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 23/3, Bộ trưởng Quốc vụ về các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Đức, ông Michael Roth, nhấn mạnh cam kết đảm bảo có thể cấp “chứng nhận xanh kỹ thuật số” đúng thời điểm từ ngày 1/6 tới.

Theo kế hoạch, "hộ chiếu vaccine" sẽ được giới chức Đức cấp cho những người đã được tiêm chủng, những người đã khỏi bệnh và vừa xét nghiệm PCR/kháng nguyên nhanh.

Kế hoạch này nằm trong chương trình chung của châu Âu, vừa được Ủy ban châu Âu công bố gần một tuần trước nhằm tạo ra một giải pháp mang tính kỹ thuật chung của 27 nước EU trong việc công nhận những người thuộc các đối tượng này.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Mỹ vẫn đang xem xét tính khả thi của việc phát hành chứng nhận sức khỏe COVID-19. Gần đây, một phát ngôn viên của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh nói với kênh truyền hình Mỹ NBC News rằng cơ quan này vẫn chưa ban hành hướng dẫn về việc quản lý những người đã được tiêm chủng trong khi đi du lịch và cũng chưa có tiêu chuẩn quốc tế nào về vaccine hoặc tài liệu tiêm chủng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang thúc giục Nhà Trắng tạo ra nhiều tiến bộ hơn nữa. Trong một bức thư gửi Nhà Trắng hôm 8/3, các đơn vị kinh doanh và du lịch hàng không, trong đó có Phòng Thương mại Mỹ, cho biết: “Các nước trên toàn cầu đang nỗ lực phát hành chứng nhận sức khỏe. Mặc dù chúng tôi hiểu và ủng hộ việc phải có một cách tiếp cận theo hướng phối hợp toàn cầu, nhưng Mỹ phải là nước đi đầu trong việc này.”

Những trở ngại chính

Có lẽ trở ngại lớn nhất đối với việc áp dụng rộng rãi "hộ chiếu vaccine" là vấn đề chính trị. Nhiều người coi đây là một hình thức phân biệt đối xử.

Liệu "hộ chiếu vaccine" có là lời giải cho khủng hoảng ngành du lịch? ảnh 2Du khách tham quan Cầu Brooklyn ở thành phố New York, Mỹ, ngày 26/2/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Khoa học số mới nhất, hai nhà khoa học Christopher Dye và Melinda C. Millscủa Đại học Oxford cho hay: “Rủi ro lớn nhất là việc các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu không đến tay những người không chấp nhận tiêm chủng, không được xét nghiệm hoặc không được tiếp cận vaccine.”

Nhiều người cũng bày tỏ những quan ngại về mặt đạo đức trước tình trạng thế giới bị phân chia thành nhóm người được tiêm chủng và nhóm người chưa được tiêm chủng vì mục đích tự do đi lại.

Giáo sư Cheer cho biết: “Những nước đồng ý tiếp nhận du khách sẽ là những nước có vaccine trước. Chúng ta sẽ có hai loại du khách: những người đã được tiêm chủng và những người chưa được tiêm chủng. Nhóm người chưa được tiêm chủng sẽ có ít lựa chọn về điểm đến hơn. Họ cũng có thể phải làm thêm các xét nghiệm và bị cách ly lâu hơn.”

Tuy nhiên, câu hỏi mang tính quyết định được đặt ra là: "Hộ chiếu vaccine" có hiệu quả hay không? Năm 2020, chính phủ nhiều nước đã thảo luận sôi nổi về “bong bóng du lịch” khi nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể đi lại mà không bị cách ly giữa các nước có tỷ lệ mắc COVID-19 thấp. Thế nhưng, cho đến nay, giải pháp này vẫn chưa được thực hiện trên quy mô lớn vì những lo ngại về rủi ro.

Tương tự, các chuyên gia cho biết họ không thể chắc chắn rằng "hộ chiếu vaccine" sẽ giúp các nước không bị lây nhiễm vì chưa có đủ thông tin về việc liệu vaccine có thể ngăn chặn virus lây lan hay không.

Tháng 1/2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết do thiếu dữ liệu về tính an toàn của vaccine, nên họ đã khuyến cáo các nước không nên cấp "hộ chiếu vaccine." Tiến sỹ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho biết: “Chúng tôi chưa có đủ bằng chứng quan trọng về khả năng lây nhiễm hay khả năng tiếp tục truyền bệnh của những người đã được tiêm chủng.”

Còn thiếu sự đồng thuận

Do có những quan điểm khác nhau về hiệu quả và lợi ích chính trị của "hộ chiếu vaccine," nên không có gì ngạc nhiên khi các chính phủ hầu như chưa có sự đồng thuận.

Chẳng hạn, "hộ chiếu vaccine" của Trung Quốc chỉ áp dụng cho những người tiêm vaccine của Trung Quốc, trong khi chứng nhận của EU chỉ áp dụng cho những người tiêm 1 trong 4 loại vaccine được chấp thuận ở khu vực này. Bản thân các nước thành viên EU có thể lựa chọn các loại vaccine khác, kể cả những vaccine của Trung Quốc hoặc Nga đang được sử dụng ở một số nước Đông Âu như Hungary.

Mặc dù các tổ chức như Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đã kêu gọi điều chỉnh sao cho hài hòa các tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng hầu như không ai chú ý đến điều này. Giáo sư Cheer nói: “Hiện nay, các chính phủ và các hãng hàng không đã xây dựng các hệ thống của riêng mình và mọi thứ đang trở nên hỗn loạn. Cần có sự phối hợp toàn cầu và những thỏa thuận đa phương giữa tất cả các nước.”

Ở châu Á, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bắt đầu thăm dò khả năng phát hành chứng nhận vaccine ngừa COVID-19 kỹ thuật số chung cho khu vực. Du lịch là ngành công nghiệp nòng cốt của phần lớn các nước trong khối ASEAN - riêng ASEAN đã có khoảng 51 triệu lượt khách du lịch nội khối trong năm 2019. Chính phủ các nước đã tiến hành một số chương trình, như “bong bóng du lịch kinh doanh” giữa Singapore và Malaysia, nhưng chúng không tạo ra động lực đáng kể thúc đẩy ngành công nghiệp này.

Tuy nhiên, mọi cuộc thảo luận về một chứng nhận sức khỏe chung vẫn đang ở giai đoạn đầu. Vẫn chưa rõ liệu nó có đem lại kết quả hay không. Thời gian phát hành chứng nhận này vẫn chưa được ấn định. Brendan Sobie, chuyên gia phân tích hàng không độc lập làm việc tại Singapore, chỉ ra rằng cho đến nay, các sáng kiến của ASEAN nhằm khôi phục hoạt động du lịch trong khu vực đã bị cản trở do thiếu sự đồng thuận và khả năng thực hiện.

Chẳng hạn, năm 2020, 10 nước thành viên đã thảo luận về kế hoạch Hành lang du lịch miễn cách ly trong khu vực, nhưng kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục