Liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp đầu tiên của năm 2023?

Có nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nên nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế "hạ cánh mềm," vừa kiềm chế được lạm phát, vừa tránh được nguy cơ suy thoái.
Liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp đầu tiên của năm 2023? ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khả năng trong cuộc họp chính sách tuần này, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất vẫn là phương án được giới chuyên gia lựa chọn nhiều nhất.

Fed nên nới lỏng chính sách tiền tệ?

Năm ngoái, Fed đã 7 lần tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập niên. Trong lần tăng lãi suất thứ bảy kể từ đầu năm 2022 vào tháng 12/2022, Fed đã quyết định tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2007 là 4,25-4,5%, chấm dứt chuỗi 4 lần tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp trước đó.

Tại buổi họp báo vào cuối tháng 12/2022, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng “trọng tâm của chúng tôi hiện nay thực sự là đưa vị thế chính sách tiền tệ lên một mức đủ thắt chặt để đảm bảo lạm phát sẽ hạ về mức mục tiêu theo thời gian, chứ chưa phải là cắt giảm lãi suất."

Ông nói thêm rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về cắt giảm lãi suất sẽ chỉ diễn ra khi các quan chức Fed tin tưởng rằng lạm phát đang thực sự đi xuống.

Thực tế, bước sang năm 2023, lạm phát tại Mỹ đã quay đầu giảm. Có nhiều ý kiến cho rằng Fed nên nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế "hạ cánh mềm," vừa kiềm chế được lạm phát, vừa tránh được nguy cơ suy thoái.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2022 của nước này tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm so với mức 7,1% của tháng 11 và thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất 9,1% của tháng 6/2022. Tuy nhiên, con số này còn cách khá xa so với lạm phát mục tiêu 2% mà Mỹ đề ra.

[Lạm phát tại Mỹ tiếp tục hạ nhiệt trước cuộc họp quan trọng của Fed]

Ngoài lạm phát chững lại, kinh tế Mỹ đón nhận thêm nhiều tín hiệu khích lệ. Trong quý cuối cùng của năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt tốc độ tăng trưởng 2,9%, cao hơn mức dự báo 2,8% trước đó dù giảm nhẹ so với mức tăng trưởng 3,2% của quý 3/2022.

Điều này phản ánh một phần việc nền kinh tế Mỹ quay trở lại với nhịp độ tăng trưởng bình thường hơn sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại, các gói kích cầu kinh tế và đại dịch COVID-19 được kiểm soát.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard cho rằng lãi suất sẽ cần duy trì ở mức cao trong một thời gian ngay cả khi lạm phát giảm bớt để đảm bảo lạm phát quay trở lại mức 2% một cách bền vững, đồng thời cam kết ngân hàng trung ương sẽ "giữ nguyên lộ trình" chống giá cả phi mã.

"Nếu Fed tăng lãi suất quá lâu, nguy cơ suy thoái là nghiêm trọng"

Chuyên gia Rubeela Farooqi của công ty nghiên cứu kinh tế và tư vấn High Frequency Economics (Mỹ) cho rằng các quan chức Fed đã nhìn thấy những tác động mong muốn của chính sách thắt chặt tiền tệ, và họ không muốn tiếp tục đẩy mạnh (chính sách đó) cho đến khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Tuy nhiên, báo cáo của Moody's cảnh báo rằng cuộc chiến lạm phát còn cần nhiều thời gian mới đạt được thắng lợi. Mặc dù nhu cầu dường như đang ở mức vừa phải và tình trạng gián đoạn nguồn cung đã giảm bớt, nhưng tiêu dùng vẫn mạnh hơn dự kiến. Điều này ngăn lạm phát giảm nhanh hơn và cho thấy mức lãi suất "đỉnh" ước tính vẫn chưa chắc chắn.

Theo nhà phân tích Madhavi Bokil của Moody's, để lạm phát giảm xuống mức mục tiêu của Fed, thị trường lao động có thể cần "hạ nhiệt" - thể hiện qua việc tốc độ tuyển dụng chậm hơn và ít vị trí tuyển dụng hơn.

Tốc độ tăng lương dường như không làm tăng lạm phát, nhưng góp phần thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng khi các hộ gia đình bắt đầu rút dần tiền tiết kiệm được trong thời kỳ đại dịch. Mức tăng lương vẫn khá cao trong năm ngoái, do các nhà tuyển dụng không muốn sa thải những lao động mà họ có thể đã phải vật lộn để tìm kiếm kể từ sau đại dịch, khiến thị trường lao động trở nên thắt chặt hơn.

Mặt khác, thực tế là thị trường lao động không sụt giảm do chính sách tiền tệ thắt chặt. Điều đó mang lại kỳ vọng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm," khi lạm phát giảm mà không gây ra tình trạng mất việc làm đáng kể hoặc suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Theo chuyên gia Ian Shepherdson của công ty tư vấn Pantheon Macroeconomics, không ai cho rằng tiến trình "hạ cánh mềm" là dễ dàng, nhưng về cơ bản, nếu Fed ngừng tăng lãi suất sớm thì nguy cơ suy thoái nghiêm trọng là khá nhỏ. Nếu Fed tăng lãi suất quá lâu, nguy cơ suy thoái là nghiêm trọng và "không cần thiết."

Cho dù Fed có thể muốn chắc chắn rằng lạm phát đã được kiểm soát, việc đưa lạm phát xuống dưới mức mục tiêu 2% và khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ chỉ cho thấy sự thất bại về mặt chính sách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục