Liệu dầu mỏ có đang bước vào một siêu chu kỳ mới về giá?

Mức tăng mạnh của giá dầu lại càng củng cố dự đoán rằng giá dầu sẽ còn đi lên khi đại dịch COVID-19 hoàn toàn bị đẩy lùi, đánh dấu sự khởi đầu của một siêu chu kỳ mới về giá.
Liệu dầu mỏ có đang bước vào một siêu chu kỳ mới về giá? ảnh 1Công nhân làm việc tại một cơ sở khai thác dầu ở Basra, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Foreign Policy, kể từ tháng 11/2020, giá dầu đã tăng 70% và có thời điểm chạm mức 70 USD/thùng vào tháng 3/2021.

Có nhiều lý do dẫn đến mức tăng mạnh này, cụ thể như sự đồng thuận của nhóm OPEC+ bao gồm 13 nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng 10 nhà xuất khẩu dầu lớn khác, các nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng, bão tuyết gây gián đoạn sản xuất dầu ở Texas (Mỹ) và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông. Tất cả những điều này đã góp phần đẩy giá “vàng đen” lên cao.

Mức tăng mạnh mẽ này lại càng củng cố dự đoán rằng giá dầu sẽ còn đi lên khi đại dịch COVID-19 hoàn toàn bị đẩy lùi, đánh dấu sự khởi đầu của một siêu chu kỳ (supercycle) mới về giá.

Dự kiến giá dầu có khả năng tăng lên hoặc thậm chí vượt 100 USD/thùng - mức giá chưa từng đạt được kể từ năm 2014. Có thể thấy, dầu mỏ sắp được thêm vào danh sách những mặt hàng được hưởng lợi nhờ chính sách tài khóa mở rộng mà các chính phủ trên thế giới áp dụng để vực dậy nền kinh tế.

Siêu chu kỳ hàng hóa là khoảng thời gian dài trong đó giá cả hàng hóa cao hơn hoặc thấp hơn nhiều so với mức giá trung bình trong xu hướng dài hạn. Siêu chu kỳ thường kéo dài hơn nhiều so với chu kỳ biến động lên xuống điển hình của nền kinh tế. Một siêu chu kỳ có thể mất vài thập kỷ để đi từ đáy này sang đáy tiếp theo.

Khi nói đến giá dầu, có thể xác định năm siêu chu kỳ diễn ra từ đầu thế kỷ XX đến nay. Mỗi siêu chu kỳ đều có đặc điểm riêng, các giai đoạn tăng vọt và lao dốc có sự thay đổi đáng kể.

Ba siêu chu kỳ đầu tiên diễn ra cùng lúc với cuộc chạy đua vũ trang trong hai cuộc chiến tranh thế giới và sau đó là quá trình tái công nghiệp hóa của châu Âu và Nhật Bản vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960.

[Giá dầu thô giảm mạnh sau khi siêu tàu Ever Given được giải cứu]

Lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC đã tạo ra siêu chu kỳ thứ tư bắt đầu vào những năm 1970, khiến giá dầu đạt đỉnh vào đầu những năm 1980 và chu kỳ này dừng lại vào giữa những năm 1990.

Siêu chu kỳ mới nhất xảy ra từ giữa những năm 1990, hưởng lợi nhờ tốc độ tăng trưởng vượt bậc của Trung Quốc. Chưa rõ là liệu chu kỳ này đã kết thúc và một chu kỳ mới đang bắt đầu hay đợt tăng giá dầu gần đây chỉ là một thời điểm vụt sáng trong quỹ đạo giảm giá đang diễn ra.

Có thể thấy, ngoại trừ siêu chu kỳ do OPEC kích hoạt, tất cả các siêu chu kỳ trong quá khứ đều bị tác động bởi nhu cầu tăng mạnh. Các giai đoạn công nghiệp hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng đã thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ, đẩy giá dầu vượt quá mức cân bằng dài hạn cho đến khi có nguồn cung mới có thể đáp ứng cầu ngày càng tăng trên thị trường.

Các nguồn cung bổ sung này mất nhiều thời gian để có thể đi vào khai thác. Lý do là bởi các doanh nghiệp phải xem xét nguồn vốn dài hạn trong khi chi phí đầu tư mới thì tốn kém, do vậy, họ phải chắc chắn về triển vọng của nhu cầu trước khi thực hiện bất kỳ động thái nào. Nhưng chính sự chần chừ ra quyết định này đã đẩy giá dầu tăng.

Theo những người ủng hộ ý tưởng rằng một siêu chu kỳ mới đang bắt đầu, các vấn đề xung quanh nhu cầu đang dẫn đến sự mất cân bằng thị trường ngày càng lớn. Cụ thể là sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, các biện pháp giúp kích thích nền kinh tế và các chính sách môi trường ngày càng mạnh mẽ.

Những gói cứu trợ COVID-19 khổng lồ đang và sẽ được triển khai sẽ tiếp tục kích thích nhu cầu dầu mỏ trong quá trình phục hồi ở các nền kinh tế lớn. Chẳng hạn như gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ yếu nhắm đến các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp nhưng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Chính sách này có thể thúc đẩy lĩnh vực tiêu dùng của Mỹ.

Trong khi đó, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh đang "lấy đà" trên khắp thế giới. Theo Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) mà ông Biden đã thúc đẩy trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Chính quyền của ông Biden đề xuất đầu tư 1.700 tỷ USD (trong tổng số 5.300 tỷ USD cho đến năm 2030) vào các dự án nhằm mục đích "xanh hóa" nền kinh tế Mỹ.

Khoảng 3.000 tỷ USD sẽ được kêu gọi huy động từ khu vực tư nhân. Ít nhất trong ngắn hạn, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu này sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng cần thiết (trong đó có dầu mỏ) để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, pin và xe điện.

Mỹ không chỉ cần đổi mới cơ sở hạ tầng đã già cỗi của mình mà còn cần chú trọng các vấn đề như tăng số lượng phương tiện giao thông sử dụng điện. Thực tế này cũng được ghi nhận ở các nước khác.

Theo logic của lý thuyết siêu chu kỳ, sẽ mất một khoảng thời gian để các nhà sản xuất bắt kịp với nhu cầu tăng cao, do đó giá dầu sẽ tăng lên cao hơn. Hầu hết các dự án dầu mỏ, bao gồm cả những nguồn khai thác đặc biệt như cát dầu của Canada, mất từ 3 đến 6 năm tính từ thời điểm doanh nghiệp ra quyết định đầu tư đến khi các cơ sở đi vào hoạt động.

Riêng các dự án dầu đá phiến ở Mỹ có thể mất ít hơn 1 năm để bắt đầu khai thác, nhưng tuổi thọ của các giếng dầu này là khá ngắn, vào khoảng 12-18 tháng.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp "vàng đen" đã chứng kiến nhiều năm đầu tư định trệ và tình hình lại càng ảm đạm hơn sau khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm ngoái. Trong năm 2020, khoảng 30% các dự án đầu tư theo kế hoạch trên toàn thế giới đã bị hủy bỏ hoặc thu hẹp.

Những chỉ dấu trên dường như đều hướng đến kịch bản: Một siêu chu kỳ mới đã được nhen nhóm hình thành với giá dầu sẽ ngày càng cao trong những năm tới. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ các nhận định có phần hơi lạc quan này.

Đầu tiên là tác động đến nhu cầu dầu mỏ của chương trình kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Chính quyền Tổng thống Biden. Về bản chất, đây là một gói cứu trợ hơn là một kế hoạch kích cầu.

Mục tiêu của gói cứu trợ này là hỗ trợ cho những người bị thiệt hại do các biện pháp phong tỏa và cung cấp các nguồn lực để đối phó với đại dịch. Từ góc độ dầu mỏ, điều này có nghĩa là các biện pháp này ít nhất phải đưa nhu cầu trở lại mức gần như trước cuộc khủng hoảng.

Thứ hai, nợ công tăng, hậu quả của các biện pháp tài khóa mạnh mẽ, có thể làm giảm năng lực thúc đẩy các dự án phát triển xanh đầy tham vọng của chính phủ. Chính quyền của ông Biden càng chi tiêu nhiều vào lúc này thì các ràng buộc về tài chính và chính trị đối với các khoản đầu tư xanh trong tương lai càng cao. Các chính phủ ở châu Âu có thể cũng phải đối mặt với những khó khăn tương tự.

Thứ ba, sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV2 và việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng khác nhau trên khắp thế giới có thể tạo ra sự tách biệt rất lớn giữa các khu vực.

Thực tế là các nền kinh tế mới nổi "khát dầu" đang đi chậm hơn các nước phát triển, không chỉ về chiến dịch tiêm chủng vaccine, loại vaccine họ sử dụng mà còn số lượng họ có thể mua.

Những yếu tố này có thể gây áp lực lên nhu cầu trong tương lai nếu các quốc gia mất nhiều thời gian để bình thường hóa hoạt động kinh tế và đời sống xã hội.

Các dự đoán về một siêu chu kỳ giá dầu mới cũng bỏ qua tác động mang tính cấu trúc mà đại dịch COVID-19 gây ra cho nhu cầu dầu. Mặc dù du lịch có khả năng phục hồi và trở lại mức trước khủng hoảng trong vài năm tới, nhưng xu hướng làm việc linh hoạt (làm việc từ xa kết hợp với làm việc tại văn phòng) có thể giảm đáng kể việc di chuyển bằng đường hàng không của hàng triệu người lao động.

Hơn nữa, đại dịch có thể dẫn đến sự suy giảm mạnh các chuyến công tác đường dài mà thay vào đó là các hội nghị truyền hình trực tuyến. Bên cạnh đó, COVID-19 cũng thúc đẩy việc "hồi hương" một phần hoạt động công nghiệp nhằm giảm nguy cơ dễ bị tổn thương trước các cú sốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nhu cầu dầu mỏ sẽ mất đi vĩnh viễn.

Ngoài ra, về phía nguồn cung, hiện nay chính sách kiểm soát sản lượng của OPEC+ đã làm giảm sản lượng dầu khoảng 8,7 triệu thùng/ngày. Một khi những thùng dầu này quay trở lại thị trường, đà tăng giá dựa vào nhu cầu cao sẽ mất đi động lực.

Và với mức giá hiện tại, khả năng OPEC+ loại bỏ dần các hạn chế là rất cao, do tình hình tài chính của nhiều nhà sản xuất dầu mỏ đang rất khó khăn.

Nói cách khác, các giả định cơ bản của luận điểm siêu chu kỳ có vẻ chưa thực sự thuyết phục. Sự phục hồi của giá dầu trong những tuần gần đây có thể chỉ là một giai đoạn tăng giá đột biến trong siêu chu kỳ đã bắt đầu vào giữa những năm 1990 chứ không phải là sự khởi đầu của một siêu chu kỳ mới.

Điều này cũng có thể hiểu là giá dầu đã đi qua thời kỳ đỉnh cao và "vàng đen" đang dần đánh mất vị thế là hàng hóa chủ chốt chi phối các nền kinh tế trên toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục