Liệu công lý có được thực thi tại Sudan thời hậu al-Bashir?

Trớ trêu thay, sau nhiều tháng biểu tình của người dân Sudan, 30 năm cầm quyền của Tổng thống Al-Bashir kết thúc bằng một cuộc đảo chính.
Liệu công lý có được thực thi tại Sudan thời hậu al-Bashir? ảnh 1Ông Omar Hassan al-Bashir. (Nguồn: The Iran Project)

Ngày 11/4, sau 30 năm nắm quyền, nhà lãnh đạo Sudan Omar Hassan al-Bashir đã bị lật đổ.

Lên nắm quyền vào tháng 6/1989 sau cuộc đảo chính, ông al-Bashir là một trong những tổng thống phục vụ lâu nhất ở châu Phi.

Trớ trêu thay, sau nhiều tháng biểu tình của người dân Sudan, 30 năm cầm quyền của Tổng thống Al-Bashir kết thúc bằng một cuộc đảo chính.

Ông Al-Bashir là nguyên thủ quốc gia tại vị đầu tiên trên thế giới bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) buộc tội. Từ 2009-2010, ICC đã ban hành 2 lệnh bắt giữ ông al-Bashir về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội diệt chủng trong cuộc xung đột ở khu vực Darfur phía Tây Sudan. Đó là mức cáo trạng cao nhất ICC từng xác nhận.

Câu hỏi đặt ra là liệu sự sụp đổ của ông al-Bashir có mang lại công lý cho người dân Sudan? Dường như không, ít nhất cho tới thời điểm này.

Ban đầu, những người biểu tình và chính quyền chuyển tiếp vốn đã lãnh đạo cuộc đảo chính đều không đồng thuận, trừ một điểm là tòa án xét xử al-Bashir phải diễn ra ở Sudan.

Chính quyền chuyển tiếp đã phát đi tín hiệu sẽ tiến hành xét xử ông al-Bashir ở trong nước, nhưng phiên tòa sẽ không thể diễn ra sớm. Trong thời hạn dự kiến kéo dài 2 năm để chính quyền chuyển tiếp hiện nay thoát khỏi chính quyền cũ trước đó, chính quyền chuyển tiếp cho rằng phiên tòa xét xử ông al-Bashir nếu có, sẽ do chính quyền dân sự đảm nhận.

[Tiếp tục đàm phán về chuyển giao quyền lực tại Sudan]

Tuy nhiên, cho đến thời điểm quyền lực được chuyển giao cho chính phủ dân sự, chính quyền chuyển tiếp cam kết rằng sẽ không chuyển giao ông al-Bashir cho ICC. Đây có lẽ là một sự đảm bảo để đổi lại việc ông al-Bashir từ chức.

Al-Bashir có thể tiếp tục trốn tránh lệnh bắt giữ của ICC và đây là một trong những câu hỏi hóc búa nhất của hệ thống công lý hình sự quốc tế.

Đối với ICC, kể từ năm 2014, vụ việc liên quan đến al-Bashir thuộc trường hợp “hãy chờ xem." Mặc dù công tố viên phụ trách vụ việc tiếp tục kêu gọi bắt giữ ông al-Bashir và lên án các quốc gia thành viên của Quy chế Rome không thực hiện yêu cầu bắt giữ trên, văn phòng công tố cũng hiểu rằng thời gian thích hợp cho việc thực hiện lệnh bắt giữ trên là sau khi ông al-Bashir rời khỏi vị trí quyền lực. Hiện nay, điều kiện ấy đã có, song khả năng bắt giữ và chuyển giao ông al-Bashir cho ICC vẫn còn mờ mịt.

Vậy thì nếu ICC không tiến hành việc tố tụng, sẽ có những lựa chọn nào khác? Có thể là công tố viên trong nước? Có thể là một tòa án khu vực chuyên trách như Tòa án từng xét xử cựu Tổng thống độc tài Chad, ông Hissène Habré? Hay việc xét xử sẽ được giao cho ủy ban sự thật, công lý và hòa giải?

Với toàn bộ thủ tục tố tụng và tội trạng liên quan đến ông al-Bashir, lựa chọn đầu tiên và lý tưởng có thể là giao vụ việc cho công tố viên trong nước. Điều này cho phép công tố viên có điều kiện tiếp cận nhiều hơn đối với quá trình tố tụng liên quan đến các nạn nhân và nhân chứng, cũng như có xu hướng giải quyết vụ việc nhanh hơn và ít tốn kém hơn so với các cơ chế khác. Tuy nhiên, việc đảm bảo truy tố đúng luật và công bằng ở Sudan sẽ gặp phải một số thách thức.

Trong thời gian cầm quyền của ông al-Bashir, hệ thống tư pháp hình sự và dân sự ở Sudan đã bị hủy hoại, dẫn đến mối quan hệ tư pháp, quan hệ pháp luật thiếu sự độc lập và vô tư. Dù sao hệ thống đó vẫn hoạt động và có thể đảm nhận việc truy tố ông al-Bashir. Nhưng nếu chỉ al-Bashir và các thân tín của ông bị truy tố, liệu quá trình xét xử có phải là sự báo thù hay là công lý cho người chiến thắng?

Suy cho cùng, không chỉ al-Bashir và những người thân cận với nhà lãnh đạo này mới phải đối mặt với công lý. Những người khác, trong đó có cả một số người âm mưu đảo chính, cũng đã liên quan đến đàn áp và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Do đó, khả năng số người này cũng sẽ bị tòa án Sudan truy tố dường như là không thể tránh khỏi.

Lựa chọn khác là vụ việc do công tố Sudan đảm nhận nhưng việc xét xử sẽ diễn ra ở nước khác. Nhưng để điều đó xảy ra, phải có một quốc gia khác (có thể được coi là quyền tài phán phổ quát) không chỉ có khả năng để buộc tội al-Bashir và những người khác mà còn có thẩm quyền yêu cầu dẫn độ những người tình nghi khỏi Sudan.

Cả 2 khả năng trên là vô cùng mong manh, bởi dù ông al-Bashir chịu các lệnh trừng phạt của cả Liên minh châu Âu và Mỹ, cho đến nay không có quốc gia nào tiến hành buộc tội al-Bashir.

Một lựa chọn khác sẽ là một ủy ban sự thật, công lý và hòa giải. Cơ chế công lý thay thế này thường được ưu tiên lựa chọn sau xung đột và tạo cơ hội cho đối thoại quốc gia cởi mở. Tuy nhiên, cơ chế đó sẽ không đầy đủ nếu không có biện pháp tiếp theo để làm an lòng các nạn nhân. Quá trình này nên được sử dụng bổ sung chứ không phải là thay thế cho các cơ chế tư pháp hình sự đối với trách nhiệm phải gánh chịu.

Lựa chọn khác và khả thi nhất là thành lập tòa án chuyên trách đặc biệt tại Sudan để xét xử các cáo buộc liên quan đến ông al-Bashir. Lựa chọn này có thể dựa trên khuyến nghị hiện có của Hội đồng cấp cao Liên minh châu Phi về Darfur năm 2009 về việc thành lập tòa án hỗn hợp để giải quyết quyền ưu đãi và miễn trừ.

Trong thời gian cầm quyền, ông al-Bashir không có nỗ lực thực sự nào hướng tới việc thành lập tòa án này. Tuy nhiên, việc al-Bashir không còn nắm quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thành lập tòa án chuyên trách đặc biệt tại Sudan. Tất nhiên, để điều đó xảy ra, chính quyền chuyển tiếp và tiếp đó là chính quyền dân sự sẽ cần phải quyết tâm chính trị đủ mạnh.

Để đảm bảo tính hợp pháp và giải quyết các mối quan ngại công lý thuộc về người chiến thắng, tòa án chuyên trách đặc biệt tại Sudan cần độc lập tương đối với nhà nước. Để đạt được yêu cầu này, các cộng đồng kinh tế khu vực mà Sudan là thành viên cần hợp tác với Chính phủ Sudan, Liên minh châu Phi và cả các chủ thể quốc tế khác để thành lập và vận hành tòa án chuyên trách đặc biệt. Điều này sẽ cân bằng các nhu cầu cho cả công lý trong nước và quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục