Các thị trường trên toàn cầu đang chuẩn bị cho những biến động lớn trong tuần này, khi các số liệu kinh tế quan trọng và nhiều cuộc họp chính sách sẽ diễn ra trong bối cảnh tình hình xung quanh sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), vụ phá sản ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vẫn chưa hạ nhiệt.
Phản ứng dây chuyền trên các thị trường
Chỉ số S&P 500 đã tăng 1,4% sau khi giới chức Mỹ đảm bảo các khách hàng của SVB sẽ được tiếp cận các khoản tiền gửi của mình bắt đầu từ ngày 13/3.
Một thông báo chung ngày 12/3 từ Bộ Tài chính Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) khẳng định người đóng thuế sẽ không phải gánh các thiệt hại liên quan đến SVB.
Ông Michael Purves, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn đầu tư Tallbacken Capital Advisors ở New York, cho rằng trong thời gian tới, giới đầu tư sẽ phải giải quyết nhiều rủi ro sự kiện, khi vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra với tình hình của các ngân hàng khác.
Số liệu lạm phát tháng Hai của Mỹ dự kiến được công bố vào ngày 14/3. Sau đó là thông tin về ngân sách của Anh vào ngày 15/3 và cuộc họp về lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ diễn ra vào ngày 16/3.
Tất cả những sự kiện này đều là những yếu tố rủi ro cho các thị trường. Chỉ số đo lường mức độ “quan ngại” trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Mười năm ngoái trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước.
[Mỹ tăng cường biện pháp ngăn chặn tác động lan rộng từ vụ SVB phá sản]
Tại Australia, thị trường lớn đầu tiên mở cửa giao dịch tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ số S&P/ASX200 giảm 0,3% vào đầu phiên 13/3. Hầu hết các thị trường chứng khoán khác tại châu Á cũng đi xuống trong phiên này, khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động từ vụ phá sản của ngân hàng SVB.
Trong một dấu hiệu cho thấy khả năng xảy ra phản ứng dây chuyền sang các loại tài sản khác, giá USD Coin (USDC), đồng tiền ổn định (stablecoin) lớn thứ hai thế giới với vốn hóa thị trường 37 tỷ USD, đã đánh mất mốc 1:1 so với đồng USD và giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay vào ngày 11/3 sau sự sụp đổ của SVB.
Circle, công ty Mỹ đứng sau đồng tiền này tiết lộ đang gửi 3,3 tỷ USD trong tổng số 40 tỷ USD dự trữ, đảm bảo cho giá trị của stablecoin này tại SVB.
USD Coin sau đó đã đảo ngược được gần hết mức giảm nói trên sau khi Circle trấn an giới đầu tư rằng công ty sẽ bám chặt mốc 1:1 với đồng USD bất chấp rủi ro từ SVB. Tuy nhiên, sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng có thể vẫn chưa dừng lại ở đó.
SVB có thể gây ra hiệu ứng domino với các ngân hàng khác của Mỹ và cả những nơi khác. Cổ phiếu của các ngân hàng khu vực và các ngân hàng nhỏ hơn tại Mỹ đã bị tác động mạnh trong phiên trước. Chỉ số các ngân hàng khu vực trong S&P 500 đã giảm 4,3%, qua đó nâng mức giảm trong cả tuần lên đến 18%, đánh dấu tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2009.
Tác động xuyên biên giới
Chính phủ Anh đang chuẩn bị một biện pháp can thiệp mạnh mẽ để hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp công nghệ khi tìm cách ngăn chặn thiệt hại do sự sụp đổ của SVB.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt ngày 12/3 cho biết, có “rủi ro nghiêm trọng” đối với các công ty công nghệ và khoa học đời sống có liên quan tới chi nhánh tại Anh của ngân hàng SVB (SVB Anh), đồng thời các lãnh đạo của các công ty này đưa ra cảnh báo sẽ sa thải hàng loạt nhân viên nếu không thể trả lương và hóa đơn trong tuần tới.
Chính phủ Anh đã dành cả cuối tuần qua để cố gắng xử lý trường hợp của SVB Anh và đưa ra một kế hoạch dự phòng để hỗ trợ các công ty có tiền gửi bị "mắc kẹt" trong các ngân hàng có rủi ro cao.
Vài giờ sau khi các cơ quan quản lý của Mỹ đóng cửa ngân hàng SVB có trụ sở tại California vào ngày 10/3, vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ năm 2008, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tuyên bố sẽ phải đưa ngân hàng SVB Anh vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Còn tại châu Á, tờ Financial Times cho biết sự sụp đổ của SVB đã khiến nhiều quỹ và các công ty khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc chao đảo, vì SVB là cầu nối vốn đầu tư quan trọng đối với các tổ chức hoạt động giữa Trung Quốc và Mỹ.
Dù đã gia tăng dự đoán lãi suất tại Mỹ và châu Âu sẽ được nâng lên, giới đầu tư giờ đây đang dự tính xem liệu tình hình bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng như hiện này có khiến ngân hàng trung ương các nước suy tính lại về đường hướng lãi suất hay không.
Giới đầu tư đang hướng sự chú ý đến ECB, giữa lúc cơ quan này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất vào ngày 16/3 tới. Lạm phát tháng Hai bất ngờ tăng cao đã khiến các nhà hoạch định chính sách của nước này lo ngại rằng áp lực giá cả có thể kéo dài.
Ông Marchel Alexandrovich, chuyên gia kinh tế và đối tác của công ty tư vấn Saltmarsh Economics, cho rằng ECB sẽ cảnh giác với nguy cơ tác động dây chuyền từ sự sụp đổ của SVB và sẽ đảm bảo thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Và theo ông, nếu thị trường gặp một tuần khó khăn, Chủ tịch ECB Christine Lagarde có thể sẽ phát đi một thông điệp phần nào thận trọng hơn./.