Liệu có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa Bắc Kinh và Washington?

Các nhà nghiên cứu Australia đã thúc giục Mỹ tăng cường đầu tư vào quân sự và các kế hoạch triển khai nếu không sẽ phải đối mặt với việc "ưu thế quân sự vượt trội" của Mỹ sẽ bị Trung Quốc làm suy yếu.
Liệu có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa Bắc Kinh và Washington? ảnh 1Máy bay chiến đấu J-20 của quân đội Trung Quốc bay biểu diễn tại Triển lãm hàng không ở Chu Hải ngày 11/11/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mạng tin scmp/Đài TNHK đưa tin nếu xảy ra một cuộc xung đột vũ trang giữa Bắc Kinh và Washington, các tên lửa đạn đạo công nghệ cao của Trung Quốc chắc chắn sẽ phá tan các căn cứ quân sự và hạm đội hải quân của Mỹ trên khắp khu vực phía Tây Thái Bình Dương chỉ trong vài giờ đồng hồ. Đó là nhận định của các nhà nghiên cứu Australia trong một báo cáo mới đây.

Với những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ của Trung Quốc và việc nước này đang tăng cường sức mạnh cứng, báo cáo của các nhà nghiên cứu Australia đã thúc giục Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực như Australia và Nhật Bản tăng cường đầu tư vào quân sự và các kế hoạch triển khai sức mạnh, nếu không sẽ phải đối mặt với việc "ưu thế quân sự vượt trội" của Mỹ sẽ bị Trung Quốc - một cường quốc châu Á - làm suy yếu.

Bản báo cáo dài 104 trang của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney đã đánh giá chiến lược quân sự, chi tiêu quốc phòng và các khối liên minh trong khu vực.

Nhà nghiên cứu Ashley Townshend đứng đầu nhóm tác giả của bản báo cáo phát biểu với chuyên mục This Week in Asia của báo South China Moring Post rằng tất cả các quốc gia châu Á - bao gồm cả những nước đang tìm cách duy trì quan hệ tốt với cả hai siêu cường - nên lo ngại về thế cân bằng sức mạnh đang thay đổi của khu vực, bởi việc ngăn chặn Bắc Kinh thực hiện "chính sách đối ngoại hung hăng" là vì lợi ích của chính những quốc gia đó.

[Tổng thống Mỹ vẫn thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc]

Ông nói: "Trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc đang tăng lên, nước này có thể táo bạo nỗ lực giành lấy nhiều phần của chuỗi đảo đầu tiên, bao gồm cả Đài Loan, điều này có thể gây ra những lo ngại nghiêm trọng về an ninh đối với tất cả các bên liên quan."

Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự của Trung Quốc đã bác bỏ đánh giá này, khẳng định rằng Bắc Kinh tiếp tục coi Mỹ là cường quốc có sức mạnh vượt trội tại khu vực.

Zhao Yi, một cựu đại tá trong lực lượng hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và hiện là nhà nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) của Singapore, nói: "Chúng tôi tôn trọng sự hiện diện hợp lý của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương... hiện nay và cả trong tương lai, chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ là một chủ thể có trách nhiệm trên thế giới, bao gồm cả khu vực Tây Thái Bình Dương."

Wu Shang-su, cũng là một nhà nghiên cứu của RSIS, cho rằng mặc dù khả năng chống "thâm nhập" của Bắc Kinh - làm gián đoạn hoạt động sử dụng không gian của kẻ thù - có thể đã phát triển trong những năm gần đây, nhưng điều đó không có nghĩa rằng Trung Quốc có thể dùng khả năng này để kiểm soát không gian đó.

Nhà nghiên cứu Wu Shang-su nói: "Bắc Kinh cần thiết lập quyền kiểm soát đối với một vùng trời, vùng biển và không gian điện từ cụ thể. Hỏa lực của PLA có thể chống lại sự kiểm soát của quân đội Mỹ, nhưng PLA cũng cần phải xây dựng được quyền kiểm soát để có thể đạt được những mục tiêu của mình."

Một trong những phát hiện quan trọng nhất của công trình nghiên cứu của các tác giả người Australia là về khả năng tên lửa của PLA.

Theo những tính toán độc lập của các tác giả bản báo cáo, PLA có khoảng 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn, 450 tên lửa tầm trung, 160 tên lửa tầm trung xa, và hàng trăm tên lửa hành trình tầm xa phóng từ mặt đất.

Những tên lửa đạn đạo thông thường này có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu cách xa Trung Quốc đại lục như Singapore - nơi Mỹ có một căn cứ hậu cần lớn - cũng như các căn cứ khổng lồ của Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trung Quốc cũng sở hữu cái gọi là những tên lửa "sát thủ tàu sân bay" như DF-21D, vốn có khả năng tấn công các tàu sân bay đang di chuyển của Mỹ với tầm bắn lên tới 1.500km.

Vì Mỹ đã ký kết Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Liên Xô hồi năm 1987, nên Mỹ bị cấm triển khai các tên lửa có tấm bắn từ 500-5.500km.

Hiện nay, khi INF đã không còn nữa sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, Washington đã phát đi tín hiệu rằng họ muốn triển khai những loại tên lửa từng bị cấm - hoặc những phiên bản hiện đại hơn của các tên lửa này - ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Khả năng tên lửa của PLA trước đây từng được đề cập tới trong những nghiên cứu tương tự của nhà nghiên cứu quân sự Jim Fanell - một cựu sỹ quan hải quân hàng đầu của Mỹ - cũng như một báo cáo đặc biệt của hãng tin Reuters được công bố hồi tháng Tư vừa qua.

Bản báo cáo của các nhà nghiên cứu Australia - chính thức được công bố ngày 19/8 - cho rằng "kho tên lửa tầm xa chính xác ngày càng tăng của Trung Quốc là mối đe dọa đối với gần như tất cả các căn cứ, đường băng, cảng biển và các cơ sở quân sự của Mỹ, các đối tác và đồng minh của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương."

Báo cáo có đoạn: "Do các tên lửa chính xác (của Trung Quốc) có thể tấn công và làm các cơ sở quân sự này trở nên vô dụng ngay trong những giờ đầu tiên của một cuộc xung đột, mối đe dọa từ tên lửa của PLA đang thách thức khả năng của Mỹ trong việc tự do triển khai các lực lượng ở các địa điểm gần đó trong khu vực."

Báo cáo nêu rõ rằng trong một viễn cảnh như vậy, lực lượng tăng viện của Mỹ chắc chắn phải mất thời gian mới tới được khu vực - và cũng sẽ phải "chiến đấu để có thể đến được nơi xảy ra chiến tranh."

Điều này có nghĩa rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn: hoặc tham gia vào một cuộc xung đột "vô cùng tốn kém và nguy hiểm," hoặc chọn không can thiệp - vì khả năng Bắc Kinh chắc chắn giành chiến thắng ngày càng cao.

Báo cáo của các nhà nghiên cứu Australia viết: "Bởi vì những lợi ích của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho các đồng minh 'về cơ bản chỉ là hàng thứ yếu' đối với sự tồn vong của nước Mỹ, và không rõ ràng như những lợi ích cốt lõi bị đe dọa của Bắc Kinh tại những điểm nóng này, Washington có thể cuối cùng sẽ đặt cược rằng tình hình không đáng để can thiệp."

Các nhà nghiên cứu Australia cũng chỉ ra rằng những tiến bộ về công nghệ quân sự của Trung Quốc không phải là lý do duy nhất khiến sức mạnh của lực lượng Mỹ triển khai ở châu Á suy giảm.

Trong số những nguyên nhân từ bên trong mà bản báo cáo chỉ ra, có nguyên nhân là Mỹ đã sử dụng quá nhiều các tài sản hải quân và không quân - một phần là bởi các cam kết của Washington đối với các cuộc chiến tranh ở Trung Đông, và gánh nặng đối với ngân sách duy trì cơ sở hạ tầng hiện lên tới 116 tỷ USD.

Bản báo cáo trích dẫn các số liệu của Lầu Năm Góc, theo đó khoảng 23% các cơ sở quốc phòng của Mỹ bị đánh giá là đang trong "tình trạng tồi," và 9% bị xếp vào loại "không thể sử dụng."

Liệu có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa Bắc Kinh và Washington? ảnh 2Vụ thử tên lửa hành trình phóng từ mặt đất tại đảo San Nicolas, bang California (Mỹ) ngày 18/8/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh rất cần tới ngân sách quốc phòng, thì chi tiêu của chính phủ Mỹ trong lĩnh vực này lại giảm 21% trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2018.

Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã ký thành luật cho phép chi tiêu quốc phòng trong năm 2019 tăng lên nhiều so với năm 2018 - mức tăng lớn nhất hàng năm kể từ năm 2003.

Những khác biệt về hệ tư tưởng đối với vấn đề chi tiêu quốc phòng giữa các nghị sỹ trong cùng một đảng và giữa hai đảng là một yếu tố khác được đánh giá là vấn đề lớn.

Các nhà nghiên cứu đã kiến nghị Australia cùng với Nhật Bản tăng cường đóng góp cho an ninh khu vực thông qua một loạt các biện pháp, bao gồm việc xúc tiến các kế hoạch xây dựng tàu ngầm và mua sắm các các vũ khí có khả năng tấn công từ mặt đất.

Báo cáo của các nhà nghiên cứu cũng thúc giục Canberra giảm bớt sự triển khai hải quân của nước này ở Trung Đông.

Ngày 19/8, theo CNN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ chưa xem báo cáo của Australia, nhưng người phát ngôn Cảnh Sảng nhấn mạnh chính sách quân sự của nước này là "hoàn toàn mang tính phòng vệ”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục